Một Sa Pa không lặng lẽ
- Cập nhật: Thứ tư, 15/4/2015 | 10:43:33 AM
YênBái - Bỏ lại sau lưng những kì thi, những con số, cáo ốm, tôi xốc ba lô đến với Sa Pa. Chưa bao giờ mong muốn tìm một khoảng bình yên của một con bé 17 tuổi lại lớn đến thế.
Sa Pa đón tôi bằng những cung đường đèo quanh co, những cơn gió lạnh thấu xương và bóng dáng những con người khắc khổ trong màn sương dày đặc. Chọn cho mình một chiếc áo khoác dày, một chiếc khăn đủ to để che gần hết mặt, tôi lang thang một mình trên khắp các nẻo đường vào bản người dân tộc, nơi có thể thấy núi cao, thấy nắng vàng, thấy những dãy ruộng bậc thang chạy dài và thấy bình yên.
- Cô mua cho cháu một cái đi mà cô!
Tôi giật mình nhìn xuống, thấy bên cạnh một đứa trẻ nhỏ thó, khuôn mặt lấm lem, mái tóc rối bời, đôi chân trần tái đi giữa cái lạnh cắt da vùng núi cao, duy chỉ có đôi mắt là trong veo lấp lánh, nhìn tôi vừa hy vọng vừa như van nài.
- Gọi là cô thì không mua.
- Vậy giảm năm ngàn nữa cho chị - tôi bật cười, ánh mắt ấy thật khiến người khác không sao từ chối được.
- Thế bố mẹ đâu mà lại đi một mình? - vừa rút tiền ra trả tôi vừa hỏi.
- Mẹ đưa em đến chợ rồi, hôm nay chợ đến phiên nhiều người mua hàng lắm.
- Vậy sao không đi theo mẹ lại đi một mình sớm thế?
- Chợ cách xa lớp học lắm, bán nốt chỗ này rồi chạy về nhanh còn kịp đi học.
- Thích đi học vậy à?- tôi cười
- Thích lắm chứ, học còn biết cái chữ sau này lên thành phố kiếm nhiều tiền nuôi em, chứ cha mẹ cứ phải đi làm thế này khổ lắm.
Tôi giật mình, sao những lời nói như vậy lại có thể phát ra từ một đứa trẻ ở cái tuổi mà vào tầm ấy lũ trẻ con thành phố còn bắt mẹ bón cơm, bằng cái giọng lơ lớ khó nghe của người dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh, ở cái nơi mà những tưởng cuộc sống con người sẽ mãi chìm đắm trong sương mù. Tôi nhìn xuống, đôi chân trần nhỏ bé đầy những vết hằn sỏi đá, manh áo mỏng không ngăn nổi gió lạnh, làm em run lên từng hồi. Duy chỉ có đôi mắt trong veo, chứa đầy ánh sáng, đầy hi vọng cùng nụ cười ẩn lẫn đi trong sương, những thứ dường như cát bụi, gió rét hay cái lạnh vùng cao sẽ mãi mãi không thể chạm tới được. Tôi thấy xấu hổ. Một đứa bé hàng ngày dậy sớm, ra ngoài với cái lạnh gần âm, áo mỏng chân trần, đi khắp các nẻo đường đèo mong bán được chút gì cho khách du lịch để kịp về đi học. Giữa thị trấn nhỏ mù sương, giữa cái đói cái khổ, cái gập ghềnh của rừng núi nơi đây, niềm tin, hi vọng của con bé như những cây đào rừng nở rộ trong cái tiết trời Sa Pa rét buốt.
Còn tôi? Một con bé 17 tuổi, hàng ngày ủ trong vài lớp áo, ngồi nép sau lưng ba tránh gió trên đường đi học, không đi một đôi giày đã lỗi mốt, phàn nàn vì tiền mẹ cho chẳng đủ tiêu. Và tệ hơn, tôi đang chạy trốn, chạy trốn khỏi trường lớp, sách vở, khỏi điểm số. Trải qua một kì thi nhỏ, mọi thứ tồi tệ đến thảm hại, đến mức không dám nghĩ đến lúc nhận kết quả. Những bước chân vào đời đầu tiên của một con bé 17 năm được bao bọc trong lồng kính đối với tôi thật quá khó khăn, đáng sợ. Tôi hoảng sợ quay đầu chạy trốn một cách hèn nhát. Và rồi gặp em ở đây, tôi chợt giật mình nhận ra, mình thật đáng xấu hổ.
Dưới cái vẻ lặng lẽ trầm mặc của Sa Pa, những số phận vẫn đang từng giờ từng phút hi vọng, chờ đợi, cố gắng vươn lên, giống những chùm đỗ quyên đỏ rực mặc cái khắc nghiệt của đỉnh Phan Xi Păng. Em gái nhỏ bé trước khó khăn chồng chất nhưng tuyệt đối không gục ngã. Còn tôi? Nếu chỉ vài chuyện vụn vặt như vậy còn không dám đối mặt thì tôi lấy tư cách gì để đối mặt với cuộc đời, để bảo vệ những người tôi yêu thương. Những con đường trốn tránh liệu có thể dài đến bao giờ?
Con người ta, sẽ không nhận ra mình mạnh mẽ nhường nào nếu không trải qua bão tố, giống như kim loại, chúng sẽ không biết mình có thể cứng rắn và sắt đá đến thế nếu không qua quá trình tôi luyện trong lò nung hàng nghìn độ. Tháo chiếc khăn len quàng vào cổ “cô gái” bé nhỏ của tôi và nói lời tạm biệt. Tôi hít thở sâu, cảm ơn em. Ngay hôm trở về, tôi sẽ nói với ba mẹ câu xin lỗi vì đã làm họ thất vọng nhưng tôi chắc chắn sẽ không bỏ cuộc.
Có một câu nói rất hay rằng: “Khi mặt trời mọc, con linh dương biết rằng nếu nó không chạy nhanh hơn con hổ nhanh nhất, nó sẽ bị ăn thịt. Khi mặt trời mọc, con hổ biết rằng nếu nó chạy chậm hơn con linh dương chậm nhất, nó sẽ chết đói. Điều quan trọng không phải bạn là hổ hay là linh dương, mà là khi trời sáng, hãy bắt đầu chạy”. Tôi không phải hổ, cũng không phải linh dương. Nhưng tôi biết, nếu không chạy hết sức, tôi không thể tồn tại.
Ngô Ngân Hà (Lớp 11 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)
Các tin khác
Ai cũng có ước mơ cho riêng mình nhưng không phải ai cũng có đủ can đảm để thực hiện điều đó, càng ít người có đủ bản lĩnh để biến điều ấy thành hiện thực.
Có người đã nói với tớ rằng: “Dạo này cậu khác thế? Khác hẳn với hồi cấp II!”. Nghe xong tôi giật mình nhìn lại, đúng là tôi thay đổi nhiều quá rồi.
Tôi theo mẹ ra đồng từ lúc mới chỉ 4, 5 tuổi vì nhà neo người không có ai trông. Mẹ cho tôi vào một bên sọt, hì hụi chở ra đồng cùng, vừa trông tôi vừa làm lụng. Tôi đã làm quen với đất đai đồng ruộng mộc mạc như thế.
Mẹ của con! Hè sắp sang rồi mẹ nhỉ? Chỉ còn vài tháng nữa là con kết thúc 12 năm cắp sách tới trường. Đây là khoảng thời gian quan trọng nhất để con có thể vươn tới ước mơ của mình đã chọn. Và khoảng thời gian này cũng khiến con nhớ gia đình mình biết bao. Con thèm được về nhà ngay với bố mẹ, hòa vào tiếng cười vui, hạnh phúc của gia đình.