Những người bạn tài năng
- Cập nhật: Thứ năm, 22/4/2010 | 2:29:04 PM
Tuần vừa rồi, trường tôi tổ chức buổi giao lưu văn nghệ giữa thầy cô giáo, học sinh nhà trường với các bạn tật nguyền tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Buổi giao lưu chỉ vỏn vẹn trong một giờ đồng hồ nhưng đọng lại trong tôi bao ấn tượng về những người bạn biết vượt lên hoàn cảnh, sống vui và sống có ích.
Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (TX Nghĩa Lộ) đọc sách tại thư viện của trường.
|
Chúng tôi đã rất bất ngờ khi được đón tiếp những người bạn đặc biệt: có bạn bị mù cả 2 mắt; có bạn mất hoàn toàn thính giác, phải giao tiếp bằng tay; có bạn không thể đi lại được, coi xe lăn là đôi chân của mình; có bạn mất đi khả năng giao tiếp bằng tiếng nói vì bị câm; có bạn bằng tuổi chúng tôi nhưng nhỏ thó, thấp lùn... Số phận đã không mỉm cười với các bạn nhưng không vì thế mà các bạn đánh mất giá trị bản thân.
Buổi giao lưu đã trở nên rất sống động nhờ những tiết mục văn nghệ đặc sắc mà chính các bạn ấy là những “nghệ sỹ tài năng. Dù bị mù, bị điếc nhưng các bạn được trời phú cho giọng ca mượt mà, đôi bàn tay nhịp nhàng trên các phím đàn. Lời ca cất lên thánh thót, gợi trong lòng chúng tôi sự cảm thông, chia sẻ, khâm phục... “Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh...”.
Bài hát quen thuộc mà sao khi nghe các bạn hát chúng tôi thấy xúc động lạ kỳ. Cả hội trường lặng đi rồi những tràng pháo tay vỡ òa, những bông hoa tươi thắm, lẫn trong đó là cả những tiếng nấc nghẹn ngào. Dù bị câm nhưng đôi tai các bạn có khả năng cảm thụ âm nhạc đặc biệt, cơ thể các bạn uyển chuyển theo giai điệu tạo nên tiết mục múa quạt, múa nón... say đắm lòng người.
Tiết mục của các bạn hay hơn tất cả các tiết mục múa mà chúng tôi biểu diễn. Dù đã mất đi đôi chân nhưng đôi tay các bạn không đầu hàng, đôi môi các bạn vẫn luôn nở nụ cười khi tiến lên sân khấu biểu diễn tiết mục thổi sáo. Những ống tre, ống trúc vô tri vô giác bỗng chốc trở nên sống động lạ kỳ. Tiếng sáo da diết, bồi hồi như gieo vào lòng tôi bao xúc cảm.
Dù các bạn không cao lớn như chúng tôi nhưng các bạn có đôi chân dẻo dai, đôi tay linh hoạt. Các bạn đã đưa chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi biểu diễn tiết mục nhảy hip-hop. Được chứng kiến các bạn xoay chân theo điệu nhạc, đôi tay thực hiện động tác nhịp nhàng, cơ thể vận động dẻo dai, chúng tôi đã ồ lên thán phục.
Không những thế, tiết mục của các bạn đã lôi kéo được chúng tôi tham gia và dường như giữa chúng tôi và các bạn không còn khoảng cách. Cuối buổi giao lưu, chúng tôi được giới thiệu các sản phẩm thêu tay, thủ công mỹ nghệ, các bức tranh, sáng tác văn học, nghệ thuật của các bạn...
Chúng tôi có đầy đủ các giác quan, có đôi tay, đôi chân lành lặn nhưng có lẽ cũng không thể khéo léo, giỏi giang bằng các bạn. Các bạn không may mắn có được một hình hài đầy đủ nhưng các bạn có một tâm hồn đẹp đẽ, không hề khiếm khuyết. Tôi đã học hỏi được thêm chữ nổi Braille của các bạn mù, cách giao tiếp bằng tay của các bạn câm điếc...
Và hơn hết, các bạn đã dạy tôi bài học “tàn nhưng không phế”, bài học biết vượt lên số phận và khát khao cống hiến cho xã hội. Tôi luôn cảm thấy mình may mắn khi sinh ra với đầy đủ các giác quan, được cảm nhận cuộc sống một cách toàn diện, không khiếm khuyết. Và càng thấm thía hạnh phúc đó khi được tiếp xúc với những người bạn tật nguyền – những người bạn tài năng!
Hà Ngô Vi Hương - Lớp 12K, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành
Các tin khác
Chị tôi sau đợt đi tình nguyện đầu tiên đến Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh đã kể lại. Tối đi giao lưu văn nghệ, ngày đắp đường, giúp đỡ bà con, dạy học. Giữa núi rừng mênh mông này, cái nghèo hiển hiện rõ trước mắt, từ mái nhà đến bữa cơm, từ tấm áo rách đến bàn chân đất...
Đến trường thật sớm vào ngày cuối năm. Dừng lại trước cổng trường, mỉm cười khi nghĩ lại hình ảnh cái đứa mới chỉ cách đây mấy ngày thôi vẫn còn đi học muộn, hứa hẹn với bác bảo vệ "Đây là lần cuối cùng" để bác không phạt quét sân trường, để "cứu vãn" điểm thi đua của lớp...