Chỉ vì ham chơi
- Cập nhật: Thứ hai, 3/5/2010 | 9:35:11 AM
Mười hai giờ trưa, nó dắt xe ra khỏi cổng trường mà đứng lưỡng lự mãi chưa biết đi đường nào. Mấy hôm nay nó toàn đi đường vòng, xa hơn nhưng nó không còn phải sợ. Con đường cũ quen thuộc kia, bây giờ đi qua nó sợ, vì có quán điện tử...
Hai tuần trước nó chơi ở đó, số tiền nợ đã lên đến bốn trăm nghìn. Nó đã từng chứng kiến bác chủ quán xiết nợ đứa bạn thân, lột sạch máy tính điện tử, giầy thể thao, xe đạp, thậm chí đến tận nhà gặp bố mẹ... Trên đường về nó hối hận vô cùng, chỉ vì ham chơi, nghe bạn bè xấu rủ rê mà ra nông nỗi này.
Nó vốn là một học trò chăm ngoan, học giỏi, bảng điểm của nó thường xuyên đứng nhất nhì lớp. Trong một lần đi học muộn, đang đứng ngoài cổng đợi tiết 2 vào lớp, nó bị Long lôi kéo... Long là đứa ham chơi, nghịch ngợm, học lực kém nhất lớp. Long kể cho nó nghe chơi game online hấp dẫn như thế nào, tình tiết hồi hộp, gay cấn ra sao... Nó đã theo chân Long bước vào quán điện tử.
Với một thằng mọt sách, ham học như nó thì trò chơi điện tử thật là mới mẻ và cuốn hút. Nó đã dần biết đến đột kích, Fifa online, Audition, võ lâm... mà quên mất việc học. Với nó, giờ đây những con toán, bài văn không còn hấp dẫn bằng những nhân vật sống động trong trò chơi điện tử.
Ngồi vào bàn học không còn thích thú bằng ngồi trước màn hình máy tính tinh thể lỏng. Bài tập về nhà không còn quan trọng bằng những nhiệm vụ chưa hoàn thành trong game. Nó sao nhãng chuyện học hành, đầu óc mụ mị vì những pha hành động đẹp mắt, kịch tính, những hình ảnh màu mè đầy kích động...
Nó đã biết nói dối bố mẹ! Bố nó tin rằng nó về muộn vì ở lại học nhóm, nó đi sớm để trực nhật lớp. Nó xin nhiều tiền học thêm hơn nhưng mẹ nó cũng không nghi ngờ... Nó đã biết trốn học bằng cách viết giấy phép rồi giả chữ ký bố mẹ. Lực học của nó sa sút dần, thay vì những điểm 9, 10 thì giờ đây là điểm 5, 6.
Cũng không còn những lời khen của thầy cô dành cho nó mà thay vào đó là những lời khiển trách, nhắc nhở, phê bình. Đến lúc này, nó giật mình nhận ra rằng mình đã quá ham chơi và đang phải đối mặt với nỗi sợ hãi bị chủ quán game đòi nợ. Nỗi sợ hãi khiến nó có những suy nghĩ không tốt. Đã đôi lúc nó tính bán xe đạp – chiếc xe kỷ niệm bố tặng nó khi thi đỗ vào cấp III. Cũng không ít lần nó nghĩ sẽ trộm tiền của bố mẹ, chỉ một chút chắc sẽ không ai biết đâu.
Bất giác nó thấy mình không còn là đứa con ngoan, cậu học trò giỏi, là niềm hy vọng lớn lao của bố mẹ và thầy cô nữa. Đâu rồi những cố gắng vì mục đích mà nó đã đặt ra bao lâu nay như thi tốt nghiệp loại giỏi, thi đỗ đại học?... Nó tự nhủ, phải dừng lại thôi khi chưa quá muộn!
Hôm nay, lần đầu tiên nó thấy xấu hổ khi cầm quyển sổ liên lạc, trong đó là những lời nhận xét không tốt của thầy cô về nó; những đề nghị của thầy cô với bố mẹ nó trong việc phối hợp quản lý học sinh. Bố mẹ nó chắc sẽ buồn lắm! Và càng thất vọng hơn nếu biết nó nợ tiền chơi điện tử 2 tuần nay rồi. Miên man nghĩ mà nó về đến nhà lúc nào không hay. Nó không dám dắt xe vào nhà nữa. Nó sợ ánh mắt nghiêm khắc của bố, cái lắc đầu buồn rầu của mẹ.
Suy nghĩ hồi lâu nó quyết định nói thật, nó sẽ thú nhận hết với bố mẹ và chân thành xin lỗi. Thời gian qua nó đã quên mất nhiệm vụ của một học sinh mà sa đà vào điện tử, đua đòi với bạn bè. Chơi điện tử không mang lại cho nó kiến thức mà còn lấy mất của nó thời gian, sức khỏe và đặc biệt là lòng tin của bố mẹ. Nó tin bố mẹ là người tâm lý, bao dung, sẽ bỏ qua sai lầm lần này, cho nó cơ hội sửa sai để tiếp tục phấn đấu.
Bước vào nhà, bố đang ngồi đọc báo trên ghế sô-pha, nó can đảm tiến đến, khoanh tay nói: “Bố ơi, con xin lỗi, con đã biết mình sai rồi...!”.
Hoàng Tùng Lâm - (Tổ 5, phường Yên Thịnh, TP Yên Bái)
Các tin khác
Tuần vừa rồi, trường tôi tổ chức buổi giao lưu văn nghệ giữa thầy cô giáo, học sinh nhà trường với các bạn tật nguyền tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Buổi giao lưu chỉ vỏn vẹn trong một giờ đồng hồ nhưng đọng lại trong tôi bao ấn tượng về những người bạn biết vượt lên hoàn cảnh, sống vui và sống có ích.
Chị tôi sau đợt đi tình nguyện đầu tiên đến Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh đã kể lại. Tối đi giao lưu văn nghệ, ngày đắp đường, giúp đỡ bà con, dạy học. Giữa núi rừng mênh mông này, cái nghèo hiển hiện rõ trước mắt, từ mái nhà đến bữa cơm, từ tấm áo rách đến bàn chân đất...