Chỉ học văn hóa có đủ không?
- Cập nhật: Thứ năm, 6/5/2010 | 9:17:21 AM
Ai cũng biết nhiệm vụ chính của người học sinh là học tập, nhưng không phải bạn nào cũng hiểu rõ học tập ở đây là học cái gì. Phải chăng chỉ có học kiến thức văn hóa thôi sao?
Hằng ngày đi học, mỗi học sinh tiếp thu một lượng kiến thức khác nhau từ những bài giảng của các thầy cô giáo. Và đến lượt họ, họ phải học để biến kiến thức trong sách giáo khoa kia thành kiến thức của mình và còn phải biết thực hành, vận dụng vào thực tế nữa. Nhưng, như thế có đủ không ?
Theo tôi, học sinh không chỉ phải học kiến thức trong sách vở để tạo một nền tảng tri thức cho mình, họ còn phải học cả cách suy nghĩ và hành động nữa.
Nhiều học sinh tin tưởng rằng, chỉ cần học thật giỏi ở trường lớp là họ đã có đủ hành trang để bước vào đời. Nhưng, thử nghĩ mà xem, cùng với một hành trang chỉ duy nhất kiến thức sách vở, không có kiến thức xã hội, không có kỹ năng giao tiếp, không biết kết bạn, không biết thuyết phục, không biết ứng dụng thì họ có thể tiến xa được không?
Một điều chắc chắn là những học sinh đó sẽ mãi chỉ ôm khư khư cái “hành trang” của mình và dậm chân tại chỗ mà thôi! Điều đầu tiên mỗi người học sinh cần phải biết là chúng ta sống trong cộng đồng. Bởi thế, mỗi hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến những người xung quanh và ảnh hưởng đó - bản thân nó sẽ tác động lại chính chúng ta. Muốn vươn lên trong xã hội sau này thì ngay từ bây giờ, mỗi học sinh cần phải học cách suy nghĩ.
Suy nghĩ ở đây không chỉ đơn thuần là phân tích để đi tìm lời giải cho một bài tập, mà học là học cách suy nghĩ chín chắn và sâu sắc. Sống trong xã hội, hằng ngày chúng ta gặp gỡ và trao đổi với biết bao người. Phải biết suy nghĩ làm sao để tạo lập được những mối quan hệ tốt đẹp, suy nghĩ làm sao để thuyết phục mọi người và cũng phải biết nghĩ cho người khác nữa.
Học cách suy nghĩ là chúng ta đã tự học cách giao tiếp, tự học về sự quan tâm, sẻ chia, học về lòng khoan dung và yêu thương giữa con người với con người trong xã hội. Học cách suy nghĩ tích cực giúp chúng ta vượt qua những khó khăn để vững vàng đón đầu thử thách! Mỗi học sinh cần học cách suy nghĩ làm sao để “thất bại mà không thụt lùi, thành công mà không cao ngạo!”.
Suy nghĩ và hành động gắn liền với nhau, nhưng nhiều khi hành động lại không tuân theo suy nghĩ. Có không ít học sinh rơi vào tình trạng “nghĩ một đằng, làm một nẻo”, cho nên hành động thế nào cũng cần phải học. Mỗi người phải biết thống nhất giữa suy nghĩ và hành động; phải nghĩ cho kỹ rồi mới làm, mà đã làm thì phải chắc chắn từng bước nhỏ.
Những bài học về cách suy nghĩ và hành động không thể tìm thấy trong bất kỳ quyển sách giáo khoa nào, nhưng lại là những bài học khó và vô cùng quan trọng. Mỗi học sinh chỉ có thể học nó từ cuộc sống hằng ngày, từ những sai lầm, từ những trải nghiệm và chính họ phải tự đúc kết cho mình.
Nói tóm lại, một học sinh cần có nền tảng tri thức phong phú, một cách suy nghĩ chín chắn và hành động chắc chắn thì mới tiến xa trên con đường thành công và thành người có ích cho xã hội!
Bùi Bích Phượng - (Lớp 11 Toán, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)
Các tin khác
Tới đây có biết bao nhiêu việc phải lo. Ngay bây giờ đây cũng biết bao nhiêu chuyện để nhớ. Đó là tâm trạng của tôi, một cô học trò sắp bước qua tuổi 18.
Mười hai giờ trưa, nó dắt xe ra khỏi cổng trường mà đứng lưỡng lự mãi chưa biết đi đường nào. Mấy hôm nay nó toàn đi đường vòng, xa hơn nhưng nó không còn phải sợ. Con đường cũ quen thuộc kia, bây giờ đi qua nó sợ, vì có quán điện tử...
Tuần vừa rồi, trường tôi tổ chức buổi giao lưu văn nghệ giữa thầy cô giáo, học sinh nhà trường với các bạn tật nguyền tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Buổi giao lưu chỉ vỏn vẹn trong một giờ đồng hồ nhưng đọng lại trong tôi bao ấn tượng về những người bạn biết vượt lên hoàn cảnh, sống vui và sống có ích.