Cô bé mắt cận

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/7/2012 | 10:05:12 AM

Người ta thường gọi “Mắt tròn”, “Mắt nhung” hay “Mắt nâu” cho những cô bé có “cửa sổ tâm hồn” đặc trưng đẹp thôi, tức là vẻ bề ngoài cũng từ ổn trở lên rồi. Còn đây là “Mắt cận”.

Điệu đàng “Mắt cận”.
(Ảnh: Thu Trang)
Điệu đàng “Mắt cận”. (Ảnh: Thu Trang)

Hic, mắt bị cận thì đâu có gì ghê gớm mà đi đâu câu hỏi xã giao trong mọi cuộc nói chuyện với mọi người đều là: “Ôi! con bé này cận hả? Cận bao nhiêu độ vậy cháu?”. Ừ thì Mắt cận cũng biết mình bị bệnh... về mắt, mình có tật… khúc xạ. Nhưng có cần thiết phải luôn nhắc đến vấn đề đó như là điều tiên quyết không? Biết làm sao, cái đặc điểm của đôi mắt đã trở thành tên gọi của Mắt cận.

Cận thì tất nhiên là khổ. Người ta nhìn ngắm xung quanh, quan sát cảnh vật hay nói cách khác là cảm nhận cuộc sống bằng đôi mắt trần, mọi thứ hiện lên chân thực và rõ nét, cuộc đời mới tươi đẹp làm sao! Đã không dưới nghìn lần, tỉ lần Mắt cận ao ước có được đôi mắt, chưa cần đẹp, chỉ cần hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh thế thôi. Bởi vì cái kính có bao giờ gắn chặt vào mắt đâu, nhìn lên nhìn xuống là phải chỉnh kính theo, mà đừng hòng chạy nhảy quá đà kẻo nó sẽ văng ra khỏi mặt, rơi xuống hoặc là vỡ, lúc ấy thì có giời tìm. Bởi vì đeo kính khi trời mưa thì không khác gì mù, nước mưa tèm nhem ngoài mắt kính (bên trong, thậm chí, hơi còn mờ kín cả kính vì đeo khẩu trang, mặc áo mưa); bỏ kính ra thì đèn đường mờ nhòe, hoa hoa, trái đất sao như quay quay trong “màn đen huyền bí”. Thế là “tiến thoái lưỡng nan”.

Mấy cô, mấy bác lại còn hay ca: “Con gái mà cận thì khổ rồi, mai sau còn chồng con nữa chứ?” (?!). Có liên quan không đây, bà nội cũng không ủng hộ lắm khi anh trai đưa bạn gái, cũng cận, về ra mắt. Những câu chuyện “bằng cớ” được đưa ra là có cô bón cơm cho con nhầm vào mũi hay có chị con tè dầm phải quờ quạng cái kính trước.

Chẳng nói gì xa xôi như thế, chỉ biết là ra ngoài đường quên kính, khối người bảo Mắt cận… nhìn đểu, về mách mẹ Mắt cận là không lễ phép, thấy người lớn, người quen không buồn hỏi, mà chào thì… toàn chào nhầm. Cô giáo thì phê bình trong lớp không tập trung, lúc thì nheo mặt lại cau có, lúc thì thẫn thờ như mơ màng đi đâu. Khổ thật, Mắt cận đeo kính mà lắm khi nhìn vẫn chả rõ, đeo kính nhiều nên phụ thuộc vào kính, mắt cứ “dại” đơ ra thế. Còn tiền khám, chữa mắt, tiền kính, thuốc cũng không ít ỏi gì. Cái kính phiền phức thế nhưng nó là vật không thể thiếu, xứng đáng với danh hiệu “người bạn thân nhất, tuyệt vời nhất” của Mắt cận đấy.

Ngày bé, Mắt cận cứ thắc mắc tại sao trong các bộ phim, truyện, những nhân vật học giỏi, mọt sách nhưng nhút nhát, không hòa đồng và cả… xấu xí thường được xây dựng với hình ảnh cặp kính cận. Đến khi cận rồi thì Mắt cận đã hiểu, nó chẳng buồn chạy đi chơi với bọn trẻ con trong xóm vì nô đùa là bay kính như chơi, chưa kể bọn nó biết điểm yếu ấy nên cứ nhè vào mà trêu, mà lừa cho Mắt cận thua. Mắt cận đâm chán, thà ngồi nhà đọc sách còn hơn. Mắt cận quyết rồi, trước mắt hãy tập trung vào bài vở, học hành đã, những vấn đề bên lề để sau tính. Mải học, khép mình cũng có thể trở thành thói quen cho đến lớn.

Và bây giờ, khi gần hết quãng đời học sinh, Mắt cận mới ngộ ra mình nhầm. Phải, cận thì có sao? Ai bảo Mắt cận đọc truyện, xem phim nhiều quá cơ? Bớt thời gian lướt mạng, ra ngoài tản bộ để ngắm nhìn cây xanh, luyện mắt cũng cải thiện được khá đấy chứ. Mắt cận sẽ chú ý ăn thêm nhiều thực phẩm bổ mắt, uống vitamin và chăm sóc mắt thật tốt.

Cái kính cũng có thể coi là một phụ kiện thời trang chứ nhỉ, vì Mắt cận đã có bộ sưu tập kính to nhỏ đủ cỡ, đủ loại không gọng, gọng dày, gọng to, kính Nobita, mắt tròn, vuông đủ màu. Bây giờ còn có kính áp tròng, hơi phức tạp một tí nhưng nhìn được sáng mà mắt cũng to tròn chẳng kém mắt thường. Nhưng về lâu dài thì Mắt cận sẽ cố dành tiền mổ mắt.

Tất cả đều ổn, tương lai “tươi sáng” đúng nghĩa mở ra với Mắt cận. Không phải cố bỏ cái tên Mắt cận đi, cô bé chỉ đang cố chữa cụm từ đi liền: mắt cận, không xinh, tẻ nhạt, mọt sách và khó gần thành Mắt cận, tự tin, thân thiện, dễ thương.

Nguyễn Diệu Huyền - (Lớp 11 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) 

Các tin khác
Ngày hè vui.
(Ảnh: Hoàng Đô)

Mùa hạ là mùa mà tiếng ve sầu kêu râm ran trên những tán lá phượng lấp ló những chùm hoa đỏ rực. Mùa hạ là mùa của những trận mưa rào với những tiếng sấm làm giật mình người ta. Mùa hạ cũng là mùa mà chúng ta được nghỉ ngơi vui vẻ sau một năm học đầy mệt mỏi.

Ngày tôi mười tám.

YBĐT - Ngồi học trên ghế nhà trường tôi đọc được câu nói nổi tiếng của nhà Văn nga Belinsky: “Tuổi trẻ không có lí tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời”. Làm người, ai chẳng ôm ấp những ước mơ, những khát vọng, những lí tưởng sống cho riêng mình.

YBĐT - Sa Pa - cái tên đã mang trong mình sự phảng phất, lãng đãng như hơi thở, như ngất ngây, như bao phủ và ẩn hiện trong màn sương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục