Người dân vẫn có nhu cầu học nghề
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/10/2013 | 7:37:09 AM
YBĐT - 3 năm qua, Trung tâm TTDN huyện Yên Bình (Yên Bái) đã mở 35 lớp với 1.020 học viên tham gia. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình 135 huyện tổ chức 15 lớp đào tạo nghề với 434 học viên... Kết quả đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ được học nghề.
Lớp học nghề kỹ thuật thâm canh cây bưởi tại thôn Phúc Hòa 1, xã Hán Đà, huyện Yên Bình.
|
Trước đây, bà Vũ Thị Lan ở thôn Phúc Hoà 1, xã Hán Đà đã từng tham gia lớp đào tạo nghề chế biến chè được mở tại xã. Qua lớp học này, bà đã áp dụng hiệu quả trên diện tích chè của gia đình. Nay, tại thôn mở lớp kỹ thuật thâm canh cây bưởi, bà Lan rất muốn tham gia nhưng phải nhường cho người khác vì theo quy định thì một người không được cấp hai chứng chỉ về đào tạo nghề cho LĐNT.
Với nhu cầu thực tế của gia đình, bà Lan đã đăng ký tham gia học dự thính để tiếp thu kiến thức dù không được hỗ trợ kinh phí theo quy định. Bà Lan mong muốn, các lớp đào tạo nghề nên được mở thường xuyên tại xã, tại thôn để bà con tiếp thu kiến thức kỹ thuật về áp dụng phát triển kinh tế gia đình. Đối với những người đã qua đào tạo nghề, cần có chính sách mở, tạo điều kiện cho họ được tham gia học dự thính tại các lớp đào tạo nghề này.
Ông Phạm Thành Đạt - Giám đốc TTDN huyện Yên Bình cho biết: “Đại đa số người dân ở Yên Bình làm nông nghiệp đều có nhu cầu học từ 2 - 3 nghề trở lên. Ví dụ như người đã học nghề chăn nuôi - thú y thì muốn học thêm nghề trồng nấm hay chế biến nông sản. Người đã học nghề chế biến chè thì muốn học thêm nghề thâm canh cây bưởi. Bởi trên thực tế, tại các hộ nông dân đều phát triển các ngành nghề này. Với những người thực sự có nhu cầu, chúng tôi tạo điều kiện cho họ học nghề dự thính, không có hỗ trợ kinh phí, không được cấp chứng chỉ nghề. Tuy nhiên, nếu số lượng người lao động học dự thính cao thì lại khó khăn cho các học viên khác do địa điểm mở lớp thường chật chội, kinh phí mua sắm vật tư thực hành ít gây nhiều khó khăn, nhất là tại các lớp học nghề phi nông nghiệp như: điện dân dụng, may mặc... Vì vậy, người học dự thính chỉ được nghe và tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Trung tâm đã có ý kiến đề nghị huyện và tỉnh nên hỗ trợ kinh phí thực hành cho các học viên đăng ký học dự thính”.
3 năm qua, Trung tâm TTDN huyện Yên Bình đã mở 35 lớp với 1.020 học viên tham gia. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình 135 huyện tổ chức 15 lớp đào tạo nghề với 434 học viên; chú trọng các công tác tuyển sinh, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng chuyên sâu đào tạo kỹ năng nghề, thời gian học lý thuyết chỉ chiếm 30% còn 70% là thực hành, bố trí địa điểm học lý thuyết và thực hành thuận lợi nhất cho người học tại địa phương, chuẩn bị đầy đủ giáo cụ và vật tư thực hành…
Do vậy, các lớp đào tạo nghề đều đạt và vượt yêu cầu đề ra, người học nắm bắt tốt kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng nghề. Sau khóa học, 78% học viên có việc làm, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hà Anh
Các tin khác
Dự thảo Luật Việc làm, với nhiều nội dung quan trọng và thiết thực với người lao động, đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong phiên họp chiều 21.10. Bên cạnh những điểm mới được quy định phù hợp với thực tiễn, ý kiến các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong dự thảo, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 21 quy định mức trần tiền ký quỹ mà doanh nghiệp xuất khẩu lao động được phép thỏa thuận thu của người lao động theo từng thị trường.
Ngày 3-10, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
YBĐT - Thời gian qua, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã đặc biệt chú trọng lựa chọn ngành nghề đào tạo, đảm bảo sau đào tạo các học viên có thể vận dụng vào thực tiễn lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước xóa đói giảm nghèo.