Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Thị Chinh làm việc với lãnh đạo Ngân hàng CSXH Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 21/10/2014 | 4:42:38 PM
YBĐT - Chiều ngày 21/10, UBND tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với đoàn công tác của đồng chí Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), giai đoạn 2010 - 2014 (Đề án 1956).
Đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
|
Dự và chủ trì buổi làm việc có đồng chí Ngô Thị Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án.
Đề án 1956 được Yên Bái thực hiện bài bản. Tỉnh đã nhanh chóng ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT, triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các cơ sở dạy nghề công lập, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, hỗ trợ LĐNT học nghề… đã được triển khai đồng bộ đem lại hiệu quả khả quan, được người dân ủng hộ với quyết tâm học nghề để thoát nghèo.
Trong 4 năm (2010 - 2013), tỉnh Yên Bái đã có 24.300 LĐNT được học nghề. Trong đó: 14.741 người được học nghề nông nghiệp, 9.559 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Sau đào tạo có 2.081 người được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; 416 người được các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 422 người thành lập tổ hợp tác, tổ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp' 13.503 người tự tạo việc làm; 448 người thuộc hộ thoát nghèo…
Sau khi nghe một số ngành thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh Yên Bái nêu lên khó khăn, thuận lợi trong đào tạo nghề cho LĐNT, phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam đánh giá cao kết quả thực hiện Đề án 1956 của tỉnh Yên Bái, đồng thời lưu ý tỉnh trong thời gian tới tỉnh nên xác định giao cho các xã chủ động rà soát nhu cầu, cho người dân đăng ký học nghề để lập kế hoạch dạy nghề gắn với nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, gắn đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác truyền thông, đánh giá tác động xã hội qua công tác dạy nghề cho LĐNT; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chọn nghề đào tạo chuyên sâu, chú ý đến đào tạo kỹ năng quản lý trang trại, kỹ năng khởi nghiệp cho người lao động; khuyến cáo người dân về quy mô sản xuất; tập trung dạy nghề xung quanh lĩnh vực kinh tế vườn rừng, khai thác nhiều nguồn vốn giúp người dân phát huy nghề được học…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Ngô Thị Chinh đã làm rõ một số vấn đề trong hoạt động dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh; các phương án khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, về ngân sách cho dạy nghề. Đồng chí cũng mong muốn Trung ương quan tâm giải quyết những kiến nghị tỉnh nêu ra như: tăng kinh phí dạy nghề cho LĐNT; sớm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT để phù hợp với tình hình dạy nghề trong thời điểm hiện tại; tăng kinh phí cho một số cơ sở dạy nghề… Đồng thời khẳng định tỉnh Yên Bái sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về số lượng, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT.
Khánh Linh
Các tin khác
Ngày 16/10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 9 tháng năm 2014, đã có 83.369 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 95,83% kế hoạch năm 2014.
Sáng 15-10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi cùng đại diện các bộ ngành có liên quan đã tham dự hội thảo “Vấn đề thu, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”.
YBĐT - Theo kế hoạch, hàng năm, thị xã Nghĩa Lộ đào tạo nghề cho từ 400 - 500 lao động, đạt 80% số lao động được khảo sát theo nhu cầu thực tế. Trong đó, có 65% ngành nghề nông nghiệp, 35% ngành nghề phi nông nghiệp.
Ngày 6/10, vừa trở về từ Hàn Quốc, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, phía bạn rất thiện chí về hợp tác trong lĩnh vực lao động nên hy vọng có thể sẽ được khai thông thị trường lao động vào tháng 12 tới với hơn 10.000 lao động mỗi năm.