Tấp xe vào bên đường, tôi hỏi thăm đường vào nhà cụ Điến, một bác trung niên nhiệt tình chỉ dẫn: "Nhà thầy Điến ở trong ngõ kia, để tôi đưa anh vào!”. Đúng là lòng tốt và sự nhiệt tình ở vùng cao thì ai cũng có nhưng tôi để ý đến chi tiết bác chỉ đường cứ gọi là thầy Điến thay vì cụ Điến, ông Điến như những cụ ông bình thường khác.
Đứng bên hiên nhà, thầy Điến đón tôi bằng nụ cười và ánh mắt đôn hậu chẳng khác gì người thầy đón học sinh cũ về thăm, cốc nước hãm lá cây rừng tỏa hương thơm mát. Sau câu gợi chuyện, thầy Điến khiêm tốn bảo: "Đừng viết gì gì về mình, bởi thành tích chưa có gì nổi bật, thế hệ thầy trò hôm nay mới tài giỏi, mới đáng được biểu dương!”.
- Thầy được gặp Bác Hồ, thầy vâng lời Bác, lên vùng cao dạy chữ cho đồng bào, câu chuyện thật ý nghĩa nếu được kể lại trong tháng 11 này ạ”! Tôi thuyết phục.
Nghe đến chuyện được gặp Bác Hồ, thầy Điến hồ hởi, rồi thầy đưa tôi về những năm đầu cách mạng...
Tôi sinh ra trong một gia đình nho giáo, có ông, cha đều là thầy đồ ở Thái Thụy, Thái Bình. Chứng kiến cảnh thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột, đặc biệt là nạn đói năm Ất Dậu - 1945, hàng vạn người chết, trong đó có bà nội và hai người em nên tôi căm thù giặc sâu sắc. Lớn lên tôi tình nguyện đi bộ đội nhưng sức yếu không được gọi; vì thế, tôi lại tham gia giảng dạy các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa ở địa phương.
Năm 1955, tôi vào trường sư phạm khu tả ngạn sông Hồng học tập, 1 năm sau về dạy học ở trường Thái Thịnh, Thái Ninh. Tôi sẽ là ông giáo làng suốt cả cuộc đời nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác nên tôi đã trở thành… ông giáo bản!
Đó là năm 1959, Bác Hồ ra lời kêu gọi giáo viên miền xuôi lên miền núi dạy học, tôi hăng hái đăng ký ngay dù sức khỏe không tốt, dù mới lấy vợ và nhiều người đã can ngăn nhưng tôi thiết nghĩ: lên vùng cao dù khó khăn, gian khổ nhưng thấm vào đâu so với những người ra mặt trận, chiến đấu với quân thù; mình còn trẻ, mình phải cống hiến.
Nguyện vọng của tôi đã được chấp thuận, rồi chúng tôi được Bộ Giáo dục cho tập trung tại Trường Bổ túc công nông Trung ương ở phía Nam Hà Nội để học chính trị 1 tháng. Cũng tại đây, chúng tôi có một vinh dự và kỷ niệm đặc biệt, đó là ngày 22/9/1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường và động viên.
Còn gì sung sướng và hạnh phúc hơn khi được gặp Bác kính yêu! Tôi nhớ hôm đó Bác Hồ đã nói: "Các chú, các cô xung phong lên miền núi là rất tốt, nhưng đã xung phong là phải xung phong đến nơi, đến chốn. Thầy cô như người mẹ hiền, dạy dỗ con em các dân tộc nên người để các cháu lớn lên xây dựng miền núi tiến kịp miền xuôi”.
Và chúng tôi đã tự hứa với Bác, tự hứa với lòng mình: "Đã xung phong là phải xung phong đến nơi đến chốn và quyết tâm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao”.
Dù đã xác định trước nhưng lớp chúng tôi không hình dung nổi khó khăn vất vả mà mình gặp phải nhiều đến thế. Phù Yên, Thuận Châu, Sơn La những năm 1959 - 1960, địa điểm mà đoàn chúng tôi tập kết rất hoang vu, đường đi rất khó, chủ yếu là đi bộ, trong khi nhận thức của đồng bào rất hạn chế, nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Dù vậy, chúng tôi quyết không nản lòng.
Tôi nhớ đồng chí Lò Văn Sang - Giám đốc Ty Giáo dục Sơn La hỏi tôi có nguyện vọng về đâu, tôi liền trả lời: "Tổ chức đưa tôi đi đâu cũng được, miễn là ở đó thiếu thầy, thiếu trường, thiếu lớp!”. Tôi cùng mấy anh em nhận quyết định về châu Văn Chấn (khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ ngày nay). Nói thì ngắn gọn và đơn giản như vậy nhưng từ Thuận Châu về đến Nghĩa Lộ nhận công tác, chúng tôi phải đi bộ mấy ngày đường.
Đúng với tinh thần xung phong, hăng hái, cứ nơi nào thiếu thầy, thiếu trường, thiếu lớp là thầy Điến xung phong đến. Nào Phù Nham, Thượng Bằng La, Chấn Thịnh, Tân Thịnh… bản Thái, bản Tày, thầy đều đã đến để cùng với chính quyền vận động nhân dân ngả cây, chặt nứa dựng lớp, làm trường, vận động con em các dân tộc đưa con em đi học.
Mấy chục năm gắn bó với giáo dục vùng cao, lớp giáo viên như thầy Điến phải đối mặt với bao khó khăn vất vả và cả hiểm nguy nữa. Những buổi học dưới hầm trú ẩn, những chuyến đi công tác, đi vận động con em đến lớp, đi diệt giặc dốt không may gặp giặc Mỹ đánh bom, không chết chỉ là may mắn. Vậy mà, các thầy, các cô đều vượt qua hết để vui, để hạnh phúc khi đồng bào các dân tộc có cái chữ, sáng cái lòng, no cái bụng. Nhiều mái trường ở Thượng Bằng La, Chấn Thịnh, Tân Thịnh đạt và giữ vững danh hiệu trường "Tiên tiến chống Mỹ cứu nước”, nhiều học sinh trở thành những chiến sĩ công an, quân đội, là bác sĩ, giáo viên, là những người lao động, sản xuất giỏi đang chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực xây dựng quê hương…
Chuyện "gieo chữ” của thầy Phạm Ngọc Điến ở vùng cao Yên Bái còn dài lắm. Bỗng tiếng trống rồi tiếng cười nói của lũ trẻ Trường Tiểu học Tân Thịnh khi tan lớp làm náo nhiệt quá, thầy Điến bảo: "Hơn 80 tuổi rồi đấy anh ạ, mình vẫn thích nghe âm thanh vang vọng của tiếng trống trường, tiếng các thầy cô say mê giảng bài và tiếng trẻ nô đùa, vì thế mình sẽ ở mãi ngôi nhà này, cạnh mái trường nơi thôn Mỵ, Tân Thịnh này để được hưởng niềm vui ấy!”.
Lê Phiên