Yên Bái: “Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/12/2020 | 7:49:24 AM

YênBái - Cấp ủy, chính quyền một số địa phương đã phát huy tối đa nội lực, khai thác hiệu quả các nguồn lực tạo nên thành công lớn trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Giờ học của cô và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành - ngôi trường đã đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, chứng nhận chuẩn chất lượng mức độ 3.
Giờ học của cô và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành - ngôi trường đã đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, chứng nhận chuẩn chất lượng mức độ 3.

Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 4/11/2013 đã chỉ rõ: "Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Để hoàn thành trọng trách này, trong những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã chủ trương xây dựng mô hình trường đạt chuẩn quốc gia nhằm nâng cao công tác tổ chức và quản lý nhà trường; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đảm bảo về số lượng, chất lượng; tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, cải thiện môi trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập; tổ chức dạy học đảm bảo đi vào thực chất, từng bước đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển GD&ĐT, đã tạo ra một diện mạo mới cho các cơ sở giáo dục, chất lượng giáo dục từ đó cũng được nâng lên.

Huyện Trấn Yên là địa phương đầu tiên trong 9 huyện thị, thành phố của Yên Bái có 100% các trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học đã cho thấy sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn được nâng lên rõ rệt, giữ vững phổ cập giáo dục. 

Để thực hiện chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án trong đó phải kể đến Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giai đoạn 2016-2020. 

Ông Vũ Quốc Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: "Xác định sau sáp nhập là cơ hội để huyện tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng giáo dục, để các xã, các trường cùng phấn đấu đạt chuẩn; nhiều giải pháp đã được đưa ra với lộ trình cụ thể; nâng cao hiệu quả đào tạo, chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên, nâng cao tỷ lệ giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Đồng thời, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong thực hiện các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện phấn đấu xây dựng 15 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, đạt tỷ lệ 32%”. 

Với 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; bình quân mỗi năm có 90 học sinh giỏi các cấp; tỷ lệ lên lớp thẳng đạt 99,4%; tỷ lệ học sinh THCS tốt nghiệp đạt 99,5% đã cho thấy hiệu quả của công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với nâng cao chất lượng giáo dục tại huyện Trấn Yên.

Trong những năm qua, dù điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, song cấp ủy, chính quyền một số địa phương đã quán triệt sâu sắc "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, vì thế, đã phát huy tối đa nội lực, khai thác hiệu quả các nguồn lực tạo nên thành công lớn trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. 

Đến nay, toàn tỉnh có 245/440 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia chiếm 55,7%. So với năm 2015, toàn tỉnh đã tăng 33 trường. Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục đã có những bước chuyển biến tích cực, một số chỉ số về giáo dục tiếp tục được nâng lên mức khá so với khu vực và mức độ trung bình so với quốc gia. 

Ở bậc học mầm non, các nhà trường linh hoạt trong thực hiện, phát triển chương trình phù hợp với điều kiện của đơn vị, khả năng và nhu cầu của trẻ; chủ động đổi mới hình thức tổ chức dạy học, thực hiện phương pháp lấy trẻ làm trung tâm… 

Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với cùng kỳ, chất lượng chăm sóc, giáo dục có nhiều tiến bộ, 100% trẻ được khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng WHO, 100% trẻ được học 2 buổi/ ngày và ăn tại trường; 100% nhóm lớp và số trẻ được học chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành. 

Ở bậc tiểu học, với nhiều giải pháp đổi mới, chất lượng giáo dục tiểu học được đảm bảo và duy trì ổn định: huy động 99,97% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,5%; tỷ lệ hoàn thành cấp học đạt 96,8%, không còn học sinh bỏ học; tỷ lệ học sinh xếp loại hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học đạt 98,9%; đánh giá học sinh về các nhóm phẩm chất, năng lực đều xếp loại đạt và tốt từ 99%; 100% các đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. 

Ở bậc trung học, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục ổn định và có bước phát triển phù hợp với tiêu chí phát triển năng lực, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 95%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm, kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia được giữ vững và nâng cao. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã đạt 3.060 giải, trong đó có 145 giải quốc gia, đặc biệt, Yên Bái đã giành được 2 giải quốc tế.



Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Bảo Hưng, Trấn Yên. 

Từ năm 2020, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập, rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần... từ đó, đặt ra những yêu cầu cao hơn về tổ chức, quản lý; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; xã hội hóa giáo dục... Đây cũng là tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia. 

Trong dự thảo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí số 5 về trường học đã có sự điều chỉnh. Theo đó, tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn xã đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất phải đạt trên 80%. 

Trên thực tế, 97,3% các xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái có từ 1 đến 3 trường mầm non, phổ thông. Để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới về trường học, tất cả các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn xã phải được đầu tư, xây dựng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. 

Đề án này được xem là một giải pháp để ngành GD&ĐT phấn đấu đạt tiêu chí 5, hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 292 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 65,9%. 

 
Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 292 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 65,9% và ngành GD&ĐT phấn đấu đạt tiêu chí 5, hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành GD&ĐT đang xây dựng những giải pháp để xây dựng trường đạt chuẩn quốc giai đoạn 2021 - 2025. 

Mục tiêu của ngành GD&ĐT tỉnh là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; từng bước thực hiện theo các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia đối với tất cả các đơn vị trường học nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 

Phấn đấu đến năm 2025, công nhận thêm 88 trường, nâng tổng số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia lên 333/443 trường, đạt 75,17%; trong đó: 120/179 trường mầm non, đạt 67,6%; 45/56 trường tiểu học, đạt 80,4%; 102/116 trường TH&THCS, đạt 87,9%; 46/54 trường THCS, đạt 85,2%; 20 trường THPT, đạt 76,9%. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn mức độ 2 (trong đó có 17 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 5 trường TH&THCS, 11 trường THCS và 4 trường THPT), tăng 28 trường so với năm 2020, đạt 15% tổng số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia…

Giải pháp đưa ra là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng trường học; đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất. Đồng thời tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả  tại tất cả các trường học; triển khai nhiều hoạt động đổi mới giáo dục… 

Với những kết quả đạt được trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 -2020 và đặt ra mục tiêu, đưa ra giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, đây sẽ là "chìa khóa” để Yên Bái tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.
 
 
Thanh Ba

Tags Yên Bái chất lượng giáo dục giáo dục vùng cao học sinh bán trú

Các tin khác
Phần thi “Lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Mường trên quê hương thị xã Nghĩa Lộ” của Trường Tiểu học và THCS Thanh Lương

Vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh khối trung học cơ sở với sự tham dự của 16 đội đến từ 14 trường học trên địa bàn thị xã.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Hướng nghiệp dạy nghề huyện.

Thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Trấn Yên đã hoàn thành Đề án đảm bảo theo đúng lộ trình và vượt kế hoạch đề ra.

Trường Mầm non Bông Sen tổ chức cho các bé đi tham quan, trải nghiệm thực tế tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.

Khác với trước đây “cô nói - trẻ nghe”, buổi học trên lớp của cô và trò Trường Mầm non Bông Sen, thành phố Yên Bái nay càng trở nên sôi nổi và hào hứng.

Cô Lưu Khánh linh -Hiệu trưởng Trường THPT Cảm Ân cùng các học trò tham gia góc không gian mở trong giờ ôn tập Văn học dân gian.

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cha mẹ và học sinh được trực tiếp đối thoại, nói lên tâm tư, nguyện vọng với Hiệu trưởng. Hiệu trưởng trực tiếp giao ban với lớp trưởng, bí thư đoàn của các lớp vào thứ Hai hàng tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục