Đến hết năm 2021, toàn huyện có 44/56 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2022, huyện phấn đấu công nhận mới 11 trường, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn lên 98,2%. Những năm qua, ngành GD&ĐT huyện thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Trong đó, tập trung triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng công tác tự đánh giá, xây dựng văn hóa kiểm định nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời, đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Các nhà trường nâng cao hiệu quả tổ chức và quản lý. Mỗi trường đều phải xây dựng phương hướng, chiến lược phát triển nhà trường đảm bảo phù hợp mục tiêu giáo dục được quy định và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với đó, ngành tiếp tục tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Hàng năm, ngành chủ động tham mưu tuyển dụng giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, có chất lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục.
Ngành cũng triển khai thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhằm đáp ứng các điều kiện tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ quản lý có đủ năng lực, trình độ chuyên môn; bổ sung giáo viên, nhân viên cho các trường trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, tạo điều kiện cho giáo viên được đi học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của trường chuẩn quốc gia.
Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, rèn luyện thể lực và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, của phụ huynh học sinh để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học.
Ngoài ra, tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh; ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Các đơn vị trường học tạo điều kiện để phụ huynh, học sinh và xã hội giám sát kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đã đạt.
Ngành đẩy mạnh việc đôn đốc thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Đồng thời, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá, rà soát, rút kinh nghiệm. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát những tiêu chí, chỉ số chưa đạt, chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch để nâng cấp độ đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Tăng cường tập huấn về đánh giá ngoài để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Đặc biệt, ngành liên tục rà soát và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Xác định kết quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là cơ sở, tiền đề giúp cho ngành GD&ĐT phát triển vững chắc trên cả 3 mặt: quy mô, chất lượng và hiệu quả. Do đó, huyện Yên Bình đang phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia.
Thanh Vy