Sở Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo, tổ chức triển khai các nội dung của đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng thực chất, bền vững và phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT giai đoạn 2014 - 2022, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện kiểm tra, rà soát các điều kiện phục vụ Chương trình GDPT 2018 như: đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa…
Công tác tổ chức triển khai bảo đảm tính kế thừa và có sự đổi mới theo đúng định hướng từ tiếp cận nội dung (dạy học trang bị kiến thức) sang tiếp cận năng lực (dạy học phát triển năng lực), gắn với thực tiễn cuộc sống; có sự giảm tải, "liên thông ngang, dọc” và không trùng lặp về nội dung kiến thức giữa các môn học, cấp học, đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện GD&ĐT đã được thể chế hóa trong Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.
Là trường vùng cao còn nhiều khó khăn, thực hiện 2 nghị quyết trên, Trường PTDT bán trú TH&THCS Khấu Ly, huyện Trạm Tấu đã triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đúng lộ trình, chủ động, linh hoạt từ bố trí giáo viên giảng dạy các môn tích hợp, môn học mới, đến ưu tiên cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các lớp học theo chương trình mới. Cùng đó, nhà trường cũng làm tốt công tác xã hội hoá tới cha mẹ học sinh, kết quả 100% học sinh có đầy đủ sách giáo khoa để học tập tại trường.
Cô giáo Nguyễn Thanh Huệ - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nhà trường đã lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục của địa phương vào chương trình các môn học, hoạt động trải nghiệm để phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ phát triển nhận thức của học sinh địa phương theo từng khối lớp vẫn đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đạt của các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định, không gây áp lực, quá tải cho học sinh khi thực hiện”.
Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 264 trường phổ thông, 4.935 lớp, 170.878 học sinh, bình quân đạt 34,6 học sinh/lớp. Cấp tiểu học có 2.818 lớp, 88.212 học sinh; cấp THCS có 1.630 lớp, 61.262 học sinh; cấp THPT có 487 lớp, 21.404 học sinh. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, tổ chức triển khai các nội dung của đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT theo hướng thực chất, bền vững và phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Việc triển khai xây dựng tài liệu giáo dục địa phương được triển khai đảm bảo tiến độ và lựa chọn sách giáo khoa theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; công tác xã hội hóa ngày càng được thực hiện tốt hơn.
Tuy nhiên, còn có trường phổ thông có quy mô số lớp đông; số học sinh/lớp ở một số trường còn cao, vượt điều lệ quy định. Hiện nay, toàn tỉnh còn 108 phòng học tạm; thiếu 178 phòng, tỷ lệ phòng học/lớp chưa đạt tỷ lệ 1/1; nhiều phòng học có diện tích chật hẹp, không đảm bảo so với tiêu chuẩn tối thiểu quy định; thiết bị dạy học tối thiểu và một số thiết bị khác chưa đáp ứng được cho công tác dạy và học.
Tỷ lệ học sinh lớp 4, lớp 5 cấp tiểu học được học tin học, ngoại ngữ còn thấp (tỷ lệ học sinh được học tin học đạt 32,9%, học tiếng Anh đạt 64,8%), trong khi đây là hai môn học bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018. Một số đơn vị chưa có phòng tin học và máy tính nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy học; số lượng giáo viên còn thiếu, hiện mới chỉ đạt 85% định mức...
Theo ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT, thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án "Triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025”.
Trong đó có mục tiêu, lộ trình thực hiện chương trình và việc chuẩn bị các điều kiện theo lộ trình: đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, sách giáo khoa; xây dựng đội ngũ giáo viên hiện có theo hướng cân đối, hợp lý về cơ cấu; tăng cường bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên để dạy liên môn và các môn học mới; chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên. Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiểu và thực hiện tốt về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và sử dụng thiết bị, học liệu điện tử…
Sử dụng lồng ghép các nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học phù hợp với lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 và các tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định mới của Bộ GD&ĐT. Quan tâm đầu tư phòng học đảm bảo 1 phòng/lớp để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học, xóa bỏ các phòng học tạm, từng bước sửa chữa, cải tạo phòng học bị xuống cấp; đầu tư phòng học tin học, ngoại ngữ đối với cấp tiểu học, phòng học bộ môn đối với cấp THCS và THPT…
Minh Huyền