Mù Cang Chải: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/3/2023 | 1:52:57 PM

YênBái - Niềm vui lấp lánh hiện lên trong đôi mắt của Lù Thị Sua - cô gái người Mông ở xã Nậm Có, trong ngày tốt nghiệp lớp xóa mù chữ. Giờ đây, Sua đã có thể cầm bút viết, ký tên mình trên những giấy tờ cần đến chữ ký, thay vì chỉ có thể điểm chỉ như trước khi đến với lớp học này...

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và huyện Mù Cang Chải động viên chị em học viên tích cực thực hành tiếng Việt sau khi tốt nghiệp lớp xóa mù chữ.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và huyện Mù Cang Chải động viên chị em học viên tích cực thực hành tiếng Việt sau khi tốt nghiệp lớp xóa mù chữ.

"Đi học, tôi được học đọc, học viết, học cách làm những phép tính đơn giản. Biết được con chữ, tôi biết được cái tên mình viết thế nào, đọc được giấy tờ, sách báo. Tôi thấy tự tin hẳn ra” - Lù Thị Sua phấn khởi "khoe” sự tự tin mà giờ đây cô có được. 

Một niềm xúc động có thật cũng hiện hữu trong những lời cảm ơn tự đáy lòng của Giàng Thị Bla ở bản Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha - một trong những học viên tiêu biểu, trong buổi tổng kết các lớp xóa mù chữ giai đoạn 2022 - 2023 vừa tổ chức mới đây. 

"Trước kia, không biết chữ, giao tiếp tiếng phổ thông của em cũng hạn chế lắm! Có nhiều khi đi ngủ, em cũng mơ đến được biết chữ. Bởi vậy, khi có lớp học này, em tham gia ngay. Đi học cũng vất vả, nhất là những hôm trời mưa nhưng chị em chúng em cũng không vất vả bằng các thầy cô đến lớp. Chúng em muốn được cảm ơn thầy cô và các cán bộ rất nhiều!” - Giàng Thị Bla bày tỏ. 

Nhưng ở huyện vùng cao này, không phải chị em nào cũng sẵn sàng đi học như Giàng Thị Bla. Thế nên, con số 503 phụ nữ và trẻ em gái hoàn thành chương trình và được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn biết chữ giai đoạn 1 (trong đó 62 học viên được chứng nhận là học viên tiêu biểu), tỷ lệ chuyên cần học viên tại các lớp đạt 80% là thành quả của sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh cũng như của sự nỗ lực của cán bộ các cơ quan chức năng liên quan, của cấp ủy, chính quyền địa phương và các thầy cô giáo suốt 3 năm qua.

Những năm qua, nhiều lớp xóa mù chữ cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng đã được mở trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Tuy nhiên, số học viên nữ tham gia các lớp xóa mù chữ thường thấp hơn số học viên nam, tỷ lệ tái mù chữ ở học viên nữ còn cao, nhất là phụ nữ dưới 35 tuổi, do hầu hết phụ nữ làm nông nghiệp, trong giao tiếp hàng ngày ít sử dụng tiếng phổ thông; nhiều chị em còn tự ti, e dè, ít tham gia hoạt động xã hội… 


Chị em phụ nữ Mông háo hức học chữ tại lớp xóa mù chữ. 

Theo số liệu rà soát năm 2019, số người trong độ tuổi từ 15 - 35 chưa biết chữ trên địa bàn huyện Mù Cang Chải còn 1.553 người, trong đó có 1.071 người là phụ nữ và trẻ em gái, chiếm gần 69%. Mang con chữ tới cho những phụ nữ và trẻ em gái người Mông ở huyện vùng cao này để "không bỏ ai ở lại phía sau” trong quyền được học tập tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo. 

Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND, Hội LHPN và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải tích cực triển khai tổ chức các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc Mông trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2020 - 2022. 

Việc tổ chức mở các lớp xóa mù chữ này trước hết tập trung ở các 8 xã có tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 15 - 35 chưa biết chữ còn cao, gồm: Nậm Có, Lao Chải, Khao Mang, Cao Phạ, La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Chế Tạo và Chế Cu Nha. Các lớp được tổ chức dạy linh hoạt theo từng thời điểm và theo nhu cầu của người học: học vào buổi tối, các ngày thứ Bảy, Chủ nhật... tại các điểm trường, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng đóng trên địa bàn các thôn bản, các xã.

Địa bàn rộng, nhiều bản xa trung tâm xã, khoảng cách giữa các gia đình ở điểm bản, cụm bản nằm rải rác; nhận thức và nhu cầu của người học chưa cao... xưa nay vốn là thách thức trong công tác phòng chống xóa mù chữ của Mù Cang Chải. 

Bà Sùng Thị Mỷ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải cho hay: Nhận thức rõ về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đảm bảo quyền được biết chữ của mọi người đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, nên cán bộ Hội Phụ nữ chúng tôi luôn nỗ lực hết sức để giúp phụ nữ và trẻ em gái chưa biết chữ đến lớp xóa mù, đặc biệt là phải kiên trì trong tuyên truyền, vận động. Đến từng ngõ, gõ từng nhà; vận động không phải chỉ 1, 2 lần mà là cả một quá trình. Hội LHPN các xã cũng phối hợp tổ chức các cuộc họp thôn, bản tuyên truyền, đồng thời cán bộ Hội trực tiếp tới các gia đình để vận động chị em tham gia lớp học.

Năm 2020, xã Nậm Khắt được mở một lớp xóa mù chữ tại bản Lả Khắt. Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt Lý A Sấu chia sẻ: "Khi bắt đầu nhận được kế hoạch mở lớp, xác định rõ đây là nhiệm vụ khó khăn, chúng tôi đã thành lập Tổ tuyên truyền vận động học viên tham gia lớp học, phân công ngay cho các cán bộ Hội LHPN của xã cùng Chi hội Phụ nữ tại bản Lả Khắt phối hợp với các thầy cô giáo của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Khắt thực hiện công tác tuyên truyền, vận động số chị em trong độ tuổi chưa biết chữ tham gia lớp học. Thực tế tuyên truyền đã cho thấy, việc vận động chị em đến lớp quả thật khó khăn bởi các chị là lao động chính của gia đình, đã quá tuổi học tập nên rất ngại đến lớp học”. 

Kiên trì và nỗ lực, Tổ tuyên truyền đã phân công nhiệm cụ thể cho từng đồng chí lên kế hoạch giúp đỡ chị em có khó khăn trong công việc mùa vụ. Các chi hội phụ nữ tại bản thường xuyên đến gia đình các học viên nắm bắt về công việc của gia đình đồng thời tổ chức giúp đỡ để chị em có thể tham gia học tập đầy đủ. Xã cũng chỉ đạo bí thư chi bộ, trưởng bản Lả Khắt thường xuyên quan tâm động viên các gia đình có chị em tham gia lớp học. 

Lãnh đạo xã thường xuyên đến kiểm tra lớp học, có khi báo trước, có khi không báo trước để nắm bắt tình hình học viên có mặt, kịp thời đề ra các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ các học viên khó khăn. Thành quả của quá trình này là 16 chị em xã Nậm Khắt đăng ký tham gia học tập từ khi mở lớp học đều đã hoàn thành đầy đủ các nội dung học tập. 

"Từ chưa biết mặt chữ cái, đến nay, các chị em đã đọc được, viết được, biết làm tính, nhiều chị tham gia tích cực các hoạt động do thôn bản tổ chức, phát biểu tự tin khi tham gia họp bản” - Phó Chủ tịch UBND xã Lý A Sấu cũng phấn khởi kể.

Trong cả giai đoạn 2020 - 2022, toàn xã Lao Chải đã thực hiện mở 7 lớp xóa mù với 157 học viên tại 2 đơn vị trường; trong đó, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lao Chải thực hiện mở 5 lớp với 103 học viên tham gia và hoàn thành chương trình học tập. 

Thầy Đào Trọng Giáp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngay từ ban đầu, nhà trường phối hợp với bí thư chi bộ và trưởng các thôn bản rà soát từng đối tượng học viên, nắm bắt rõ điều kiện, hoàn cảnh của từng học viên, từ đó lựa chọn, lập danh sách học viên, tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch và trình Phòng Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định mở lớp đảm bảo đúng đối tượng. Trong quá trình học viên tham gia học tập, nhà trường phối hợp với cán bộ xã, bí thư chi bộ và trưởng bản thường xuyên kiểm tra nắm bắt số lượng, bên cạnh đó tìm hiểu nguyên nhân những học viên hay nghỉ, từ đó tuyên truyền, vận động để học viên yên tâm theo học...”.

Trong suốt quá trình học tập của chị em, động viên, khích lệ chị em học tập là điều mà Hội LHPN tỉnh thường xuyên quan tâm. Sự khích lệ đến từ những món quà của Hội cho chị em dịp khai giảng hay cho những học viên tiêu biểu; đến từ những hoạt động truyền thông mà Hội tích cực tổ chức tại các xã mở lớp xóa mù để thu hút chị em học viên tham gia các hoạt động cộng đồng, tăng khả năng giao tiếp tiếng Việt… 

"Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cấp ủy, chính quyền huyện Mù Cang Chải chỉ đạo các xã có lớp xóa mù chữ rà soát nhu cầu để tổ chức các lớp dạy nghề cho các học viên tham gia các lớp xóa mù chữ” - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm chia sẻ. 

Và kinh nghiệm, giải pháp sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; những tâm tư, nguyện vọng của chị em tiếp tục được Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.

Với những phụ nữ vùng cao như Lùa Thị Sua, Giàng Thị Bla…, biết thêm 1 con chữ cũng chính là thêm niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Trong hành trình ấy, họ không chỉ có các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy mà còn có những sự đồng hành từ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, để không bị bỏ lại phía sau chỉ vì "chưa biết chữ”.

Hạnh Quyên

Tags Mù Cang Chải xóa mù chữ hạnh phúc tuyên truyền vận động

Các tin khác
Quang cảnh Hội thảo

Chiều 19/4, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông tại Trường THPT Nguyễn Huệ.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn vừa tổng kết Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện cấp tiểu học, năm học 2023- 2024.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 tiếp tục được triển khai từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm từ ngày 27 đến 30/6 với nhiều đổi mới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Học sinh lớp 12 trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc ôn tập để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Lưu ý một số nội dung trong công tác dạy học, ôn tập, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Các nhà trường cần lưu ý hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch năm học 2023-2024; phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục