Nhận thức rõ sự cần thiết, nội dung, yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, công tác GD&ĐT trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức cũng như chất lượng.
Quy mô và mạng lưới trường, lớp các ngành học, cấp học phát triển ổn định; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố và hoàn thiện; cảnh quan, môi trường sư phạm đảm bảo xanh - sạch - đẹp; công tác quản lý giáo dục và đổi mới phương pháp dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực; công tác bồi dưỡng đội ngũ được chú trọng cả về chiều rộng và chiều sâu; công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo ngày càng được quan tâm…
Bên cạnh những thuận lợi, các nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ giáo dục như: đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, một bộ phận phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục.
Các em học sinh DTTS còn hạn chế tiếng Việt; cơ sở vật chất đã được đầu tư, song chưa đáp ứng với sự phát triển quy mô trường lớp; thiếu các phương tiện dạy học hiện đại phục vụ cho đổi mới phương pháp dạy học; thiếu giáo viên…
Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh người DTTS, nhất là đối với bậc tiểu học, ngành GD&ĐT huyện xác định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của nhân dân, vận động và duy trì sĩ số sinh trong độ tuổi đi học, tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng để thu hút học sinh đến trường.
Tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trách nhiệm công dân cho học sinh người DTTS. Cùng với đó, tập trung tăng cường tiếng Việt cho học sinh người DTTS, giúp các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức của cấp học tiếp theo, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.
Các nhà trường đã xây dựng, phát triển mô hình thư viện thân thiện, thư viện ngoài trời, tạo không gian đọc cho học sinh với nội dung giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, từng đối tượng. Tổ chức các gian hàng giới thiệu, trưng bày sách, phục vụ đọc sách để học sinh có cơ hội và hình thành thói quen, văn hóa đọc.
Tận dụng các điều kiện cơ sở vật chất sẵn có gần gũi với học sinh để trang trí lớp học, xây dựng góc địa phương, tạo môi trường tiếng Việt phong phú, khuyến khích học sinh giao tiếp, tương tác với nhau bằng tiếng Việt. Xây dựng kế hoạch dạy học buổi hai dựa vào đối tượng học sinh cụ thể và thời lượng số tiết nhà trường xây dựng mà linh hoạt lựa chọn nội dung ôn tập sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, các đơn vị nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động vui chơi giải trí cho học sinh, tạo môi trường thân thiện, vui tươi trong trường học; chú trọng tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho phát triển giáo dục vùng DTTS và học sinh DTTS có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện; nêu gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục ở các cơ sở giáo dục vùng DTTS, nâng cao chất lượng học sinh DTTS.
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo được quan tâm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn theo tổ, nhóm đến cụm trường dưới nhiều hình thức phù hợp.
Huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh các cơ sở giáo dục vùng DTTS; tham mưu với cấp có thẩm quyền tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS.
Đặc biệt, toàn ngành đã thực hiện ký cam kết chất lượng giữa giáo viên với nhà trường, giữa nhà trường với Phòng GD&ĐT; đề cao vai trò của cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá năng lực của đội ngũ.
Từ đó, phân tích đánh giá hiệu quả từng trường để có biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Nhờ đó, trong những năm gần đây, tỷ lệ chuyên cần được nâng cao vào ổn định, chất lượng đã được nâng lên đáng kể, đặc biệt ở bậc tiểu học. Năm học 2022-2023, tỷ lệ chuyên cần đạt 96% trở lên. Chất lượng giáo dục chuyển biến rõ nét, 100% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn Toán và tiếng Việt.
Chất lượng giáo dục học sinh người DTTS bậc tiểu học được nâng lên có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện, làm nền tảng cho các bậc học cao hơn, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
Thanh Ba