"Chào mừng quý vị đại biểu khách quý đến với không gian trải nghiệm "Dấu ấn dòng thời gian” của Trường Tiểu học Phúc Sơn. Theo dòng chảy của thời gian từ khởi thủy đến đương đại, người Thái đã mang đến tầng tầng sản vật sắc hương từ những làng nghề truyền thống, những nét đẹp trong đời sống lao động sản xuất hay những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng” - lời giới thiệu của em Việt Anh - học sinh lớp 5 của nhà trường như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ.
Lần lượt em giới thiệu với các vị khách tới thăm nhà trường các không gian mang đậm nét văn hoá của địa phương như: không gian "quầy lưu niệm”; "quay tơ - dệt vải”; thêu thùa - đan lát; bếp Thái; chữ thái cổ - khắp Thái; không gian trà.
Theo cô giáo Phu Minh Diệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Sơn, mô hình không chỉ mang đến niềm vui và sự hứng thú mà còn giúp mở rộng kiến thức và kỹ năng sống của các em. "Chúng tôi tin rằng, khi học sinh được tiếp xúc với những hoạt động du lịch và khám phá, các em sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế và phát triển các kỹ năng quan sát, giao tiếp và làm việc nhóm. Điều này tạo ra một môi trường học tập thực tế và thú vị hơn cho các em” - cô Diệp chia sẻ.
Năm học 2020 - 2021, nhà trường bắt tay vào xây dựng trường học hạnh phúc và đạt được một số kết quả đáng khích lệ đối với 3 tiêu chí cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Từ những thành công bước đầu, năm học 2023 - 2024, cùng với chủ trương "Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hoá và du lịch”, được sự định hướng của ngành GD&ĐT địa phương, nhà trường tiếp tục xây dựng "Trường học hạnh phúc gắn với du lịch” nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa Thái nói riêng và các dân tộc Mường Lò nói chung, tạo cơ hội để học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, giúp các em tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương.
Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, nhà trường đã xác định các nhóm giải pháp cụ thể như: nhóm giải pháp về cơ sở vật chất; trang trí cảnh quan; lồng ghép giảng dạy; các hoạt động ngoài giờ lên lớp; giải pháp giúp học sinh trở thành hướng dẫn viên du lịch… Theo đó, nhà trường được đầu tư xây dựng một số công trình phụ trợ, công tác xã hội hoá được đẩy mạnh.
Các phòng học được trang trí các biểu tượng, hoạ tiết, hoa văn, những sản phẩm tự nhiên của địa phương để xây dựng các góc trang trí trong không gian trường; thiết kế khu trải nghiệm tái hiện lại đời sống, nét văn hóa bản sắc của đồng bào Thái như: cối giã gạo, cối xay lúa, khung dệt…; lớp học xây dựng góc địa phương, huy động sự đồng hành của phụ huynh học sinh ủng hộ trang phục, nông sản, làm mô hình nông cụ để trưng bày.
Ngoài ra, thiết kế sân, vườn đảm bảo thẩm mỹ để trở thành các khu check-in khi có khách tham quan. Trong công tác giảng dạy, nhà trường phối hợp giữa giáo dục kiến thức theo chương trình phổ thông và bảo tồn gìn giữ, khai thác văn hóa, đặc biệt là một số kỹ năng cơ bản làm du lịch. Thành lập các câu lạc bộ khắp Thái, múa xòe, múa sạp; câu lạc bộ chữ Thái cổ; Câu lạc bộ trò chơi dân gian; Câu lạc bộ "Thêu truyền thống”...
Nhà trường tổ chức cho tất cả học sinh được tham gia mọi hoạt động trong việc xây dựng mô hình "Trường học du lịch” với mục tiêu tất cả học sinh được rèn kỹ năng, được định hướng, được bồi dưỡng để trở thành hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về nét văn hóa, phong tục, ẩm thực của đồng bào Thái, là tiền đề trang bị kiến thức làm du lịch cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, tuyên truyền học sinh vận động gia đình thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; xây dựng mô hình homestay đón du khách vào trải nghiệm.
Cô Diệp chia sẻ thêm: "Nhờ sự đổi mới và tận dụng tài nguyên địa phương, nhà trường đã thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho các em học sinh. Các em học sinh đã tỏ ra năng động, sáng tạo và tự tin hơn trong quá trình học tập. Ý tưởng này cũng đã nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh và cộng đồng địa phương, những người nhìn nhận giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là sự phát triển toàn diện của học sinh”.
Với mô hình trường học hạnh phúc gắn với du lịch, Trường Tiểu học Phúc Sơn đang khẳng định vai trò tiên phong của mình trong việc thay đổi cách giáo dục truyền thống. Điều này không chỉ mang lại niềm vui và sự phấn khởi cho học sinh mà còn định hướng tương lai cho các em, góp phần vào sự phát triển của địa phương.
Thanh Ba