Cần đáp ứng đủ giáo viên dạy nghề

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/10/2011 | 9:36:28 AM

YBĐT - Nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020 là rất lớn, bình quân mỗi năm là 18.000 người. Để đảm bảo năng lực đào tạo nghề, các cơ sở cần tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
Tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 22 cơ sở dạy nghề, trong đó có 2 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề, 2 trường trung cấp có hoạt động dạy nghề, 10 trung tâm dạy nghề và 7 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề. Thực hiện quy hoạch mạng lưới dạy nghề của tỉnh, hệ thống mạng lưới các cơ sở dạy nghề của Yên Bái ngày càng được củng cố và phát triển.

Tỉnh đã hoàn thành việc phát triển mạng lưới trung tâm dạy nghề công lập tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động các địa phương. Bên cạnh việc đầu tư về cơ sở vật chất, giáo án, giáo trình dạy nghề, các trường nghề, các trung tâm dạy nghề chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên.

Toàn tỉnh hiện có 380 giáo viên  dạy nghề. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn còn huy động đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ sư chuyên ngành, thợ có tay nghề cao tham gia vào công tác đào tạo nghề.

Ông Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: “Tỉnh đã huy động đội ngũ giáo viên thỉnh giảng trên tất cả các lĩnh vực. Họ là những kỹ sư xây dựng, giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, bảo vệ thực vật... đang công tác tại các trung tâm, trạm, trại, các xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, mang lại hiệu quả cao và giảm gánh nặng kinh phí cho Nhà nước do không phải bố trí thêm biên chế giáo viên, lại đào tạo được nguồn lao động sát với nhu cầu thực tiễn của địa phương. Tuy nhiên, cần đào tạo thêm nghiệp vụ sư phạm cho những giáo viên thỉnh giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy”. 

Việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)” trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn do tình trạng thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu giáo viên bên cạnh việc thiếu giáo trình, học liệu dạy nghề cho LĐNT. Một số giáo viên tham gia giảng dạy chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ sư phạm nên trình độ và phương pháp dạy có những hạn chế.

Chất lượng đội ngũ giáo viên  còn nhiều bất cập, đặc biệt đối với các ngành, nghề truyền thống như: mây tre đan, thêu ren chỉ sử dụng được đội ngũ thợ lành nghề, nghệ nhân tham gia giảng dạy, chưa có nghiệp vụ sư phạm nên khả năng truyền đạt còn hạn chế. Bên cạnh đó, chương trình, giáo trình đào tạo của một số ngành, nghề chưa theo chuẩn, chưa được thẩm định nội dung trước khi đưa và giảng dạy, gây khó cho cả “thầy và trò”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thành Phố Yên Bái cho biết: “Trung tâm có 6 cán bộ, trong đó có 2 người làm quản lý và 2 cán bộ giáo viên. Theo quy mô, Trung tâm cần có 8 giáo viên nhưng hiện nay do thiếu giáo viên nên đơn vị chưa chủ động trong việc bố trí cán bộ, thường xuyên phải huy động giáo viên là kỹ sư thuộc các chuyên ngành tham gia giảng dạy. Việc tuyển dụng giáo viên cơ hữu vào Trung tâm cũng khó do quỹ biên chế và yêu cầu tuyển đòi hỏi cao”.

Ông Nguyễn Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Trấn Yên cho biết: “Do Trung tâm Dạy nghề huyện chưa có giáo viên cơ hữu nên chưa chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Trung tâm đề nghị bổ xung thêm biên chế giáo viên cơ hữu, cho trung tâm được hợp đồng thêm giáo viên để đáp ứng nhu cầu đào tạo”. Đây là tình trạng chung của 9/9 trung tâm dạy nghề các huyện, thị, thành phố.

Nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 là rất lớn, bình quân mỗi năm là 18.000 người. Để đảm bảo năng lực đào tạo nghề, các cơ sở cần tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ bổ xung 9 biên chế cán bộ quản lý dạy nghề cho phòng lao động, thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố, mỗi trung tâm dạy nghề có 16 - 17 biên chế.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ bổ xung thêm 310 giáo viên dạy nghề, nâng tổng số giáo viên dạy nghề trong toàn tỉnh lên 690 người. Đồng thời huy động thêm khoảng 300 cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tham gia vào công tác đào tạo nghề.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho đội ngũ giáo viên thỉnh giảng, mỗi năm tỉnh Yên Bái sẽ mở 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 60 người, phấn đấu đến năm 2020, 80% cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp để thu hút những người giỏi, có năng lực giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tăng cường liên kết với các trường đại học trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho các cơ sở dạy nghề, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh.

Hà Anh

Các tin khác
Các làng nghề nông thôn đã tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30%-60% lực lượng lao động ở nông thôn. (Ảnh minh họa - nguồn internet)

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm phát triển làng nghề nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ, tổ chức sáng 20-10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết tính đến tháng 10-2011, cả nước đã có 4.575 làng nghề. Tốc độ phát triển làng nghề đang tăng 6%-15% mỗi năm.

Giáo viên hướng dẫn tại lớp sửa chữa ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. (Ảnh: Thanh Ba)

YBĐT - Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Tỉnh ủy Yên Bái chủ trương đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, bảo đảm cho tăng trưởng bền vững phục vụ cho CNH-HĐH.

Nhiều hộ gia đình hội viên nông dân ở Trấn Yên xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Đối tượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) chủ yếu là nông dân có nhu cầu học nghề và tìm việc làm. Do vậy, để thực hiện thành công Đề án này, vai trò của hội nông dân các cấp là rất quan trọng.

YBĐT - Huyện Văn Yên sẽ chỉ đạo Trung tâm dạy nghề tập trung đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tăng dần tính chủ động, phát huy tính sáng tạo của người học, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm cho người lao động để việc thực hiện Quyết định 1956 trên địa bàn mang tinh hiệu quả cao nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục