Chị Giàng Thị Ái - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số chị em, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, bọn tội phạm đã dụ dỗ, lôi kéo và lừa bán họ để trục lợi, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Với chức năng của mình, Hội LHPN xã Kim Nọi xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ hết sức quan trọng”.
Hội đã chỉ đạo 4/4 chi hội tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động truyền thông cộng đồng về phòng, chống mua bán người. Qua đó, hướng cán bộ, hội viên, phụ nữ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, bước đầu tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em.
Hội cũng chỉ đạo 4/4 chi hội làm tốt công tác nắm bắt tình hình phụ nữ và trẻ em gái bị mua bán và đi khỏi địa phương không rõ lý do, địa chỉ. Qua đó rà soát, nắm số lượng phụ nữ, trẻ em ra khỏi địa phương, số phụ nữ trẻ em gái bị mua bán trở về. Đồng thời, chỉ đạo các chi hội có nạn nhân bị mua bán trở về gặp gỡ, chia sẻ, thăm hỏi, động viên và giúp đỡ họ về vật chất cũng như tinh thần, vận động tham gia vào hoạt động tổ chức Hội nhằm giúp chị em xóa bỏ mặc cảm với quá khứ, tái hòa nhập cộng đồng. Điển hình, Hội LHPN xã đã phối hợp với Hội LHPN huyện, tỉnh, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ cho chị Lý Thị Cầu ở bản Tà Chơ bị mua bán trở về 1 con bò trị giá 10 triệu đồng.
Hàng năm, Hội LHPN xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện, chủ động phối hợp với các ban, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cho phụ nữ, nhất là chị em là người dân tộc thiểu số về phòng, chống mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt Câu lạc bộ Phụ nữ phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em ở cơ sở; tham mưu với cấp ủy, chính quyền phối hợp các ban, ngành liên quan tăng cường công tác phòng, chống mua bán người; quan tâm quản lý các đối tượng có nguy cơ bị mua bán cao, chủ động gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán về vật chất và tinh thần, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, dần xóa bỏ mặc cảm để tái hòa nhập cộng đồng.
"Tuy nhiên, trên thực tế, cũng phải nói rằng, công tác phòng, chống mua bán người chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người chưa được tiến hành thường xuyên. Chị em hội viên, phụ nữ trình độ nhận thức còn hạn chế, dẫn đến thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành liên quan về công tác phòng, chống mua bán người hiệu quả chưa cao; tài liệu tuyên truyền cho cơ sở còn thiếu…” - chị Giàng Thị Ái - Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ thêm.
Theo đó, Hội Phụ nữ các cấp cần tập trung xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên của Hội về phòng, chống mua bán người; tập trung phân loại các nhóm phụ nữ và trẻ em có nguy cơ cao bị mua bán để có các biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp; duy trì, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ, các mô hình điểm về truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống mua bán người có hiệu quả; phối hợp với chính quyền và các ban, ngành liên quan tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện để họ nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm về bản thân, hỗ trợ học nghề, tư vấn tâm lý cho các nạn nhân bị lừa bán sớm ổn định cuộc sống.
Thu Hạnh