Thắp sáng lòng nhân ái

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/6/2011 | 9:37:26 AM

YBĐT - Nói về vị Chủ tịch Hội CTĐ Trường THPT Nguyễn Huệ - ông Nguyễn Xuân Duy - Trưởng Văn phòng đại diện Hội CTĐ NAUY tại Việt Nam nhận xét : “Đó là một trong những người hiếm gặp, cháy hết mình trong phong trào CTĐ và đang góp lửa cùng cộng đồng thắp sáng lòng nhân ái ”.

 Anh ngại nói về mình vì cho rằng đó là câu chuyện nhạt nhất. Nhưng lại rất sẵn lòng chia sẻ những trăn trở về nghề nghiệp, về những việc làm thiết thực của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Huệ trong hoạt động nhân đạo.

 Dường như trong trái tim giàu lòng chắc ẩn của người thầy giáo dạy văn ấy, tình yêu nghề và yêu thương con người lúc nào cũng đầy ắp. Anh là Nguyễn Vĩnh Truyền - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái).

“Mê” học văn và dạy văn

Nguyễn Vĩnh Truyền nói vui rằng, có nhiều lý do cả chủ quan và khách quan khiến cho anh từ nhỏ đã say mê học văn và ước mơ sau này lớn lên trở thành thầy giáo dạy văn. Sinh năm 1956 và là con thứ 2 trong một gia đình có 6 anh chị em ở xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, mảnh đất giàu truyền thống hiếu học và nổi tiếng với những câu dân ca, điệu hò, điệu ví, ... đã thấm đẫm, nuôi dưỡng tâm hồn anh ngay từ khi còn là một cậu bé. Nỗi ám ảnh tuổi thơ của vùng quê nghèo sớm thôi thúc anh ý chí ham học, đức kiên nhẫn vượt khó và khát vọng vươn lên.

Những năm học phổ thông, anh liên tục là học sinh khá giỏi, học đều tất cả các môn nhưng sở trường vẫn là môn Văn. Tốt nghiệp đại học, năm 1980, anh được điều về công tác tại Trường Phổ thông Lao động tỉnh Yên Bái. Năm 1992, được điều về trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành rồi “bén duyên” với công tác CTĐ từ đó. Từ năm 1996, được điều về Trường THPT Nguyễn Huệ công tác cho đến nay.

Từ một thầy giáo dạy văn tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh, tôn trọng đồng nghiệp, nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, rồi được đảm nhận trọng trách Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội CTĐ Trường THPT Nguyễn Huệ. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điều mọi người quý trọng ở thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền là không bằng lòng, thoả mãn với chính mình. Đó là sự đau đáu, day dứt mỗi khi cảm nhận rất rõ ngày càng ít đi lớp lớp học sinh say mê học văn, đọc sách. Đó là trăn trở của một nhà quản lý để tìm ra những giải pháp, góp phần củng cố vị thế và hình ảnh tốt đẹp của người thầy giáo trong xã hội.

Bí quyết để có thể tiếp tục dạy văn có hiệu quả, theo thầy giáo Truyền, đó là việc sắp xếp lịch công tác khoa học và quan trọng nhất là... phải say mê học văn. Học theo cách thức phù hợp, học mỗi khi có điều kiện, chủ yếu là đọc tài liệu, sách báo, qua Internet và tự học từ cuộc sống sinh động. Về giảng dạy, cách “học” của thầy Truyền là luôn soạn bài nghiêm túc, cẩn thận như ngày mới vào nghề, chuẩn bị phương án lên lớp hiệu quả nhất.

Đến nay, dù đã là Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội CTĐ của trường, thầy vẫn luôn là một thầy giáo theo đúng nghĩa, vừa có thể trực tiếp đứng lớp, vừa có thể trao đổi sâu sắc với các đồng nghiệp về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ nhất là ở môn Văn.

Chị Lê Thị Thanh Nga học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (khoá học 1990 - 1993) hiện đang công tác tại Bộ Tài chính tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc và tự hào vì đã được là học trò của thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền. Đó là một người thầy đáng kính”.

Còn Bùi Minh Huyền học sinh lớp 11T2 (năm học 2010 - 2011) trường THPT Nguyễn Huệ thì biểu cảm mong ước: “Cháu hy vọng sẽ được học văn thầy Truyền. Cháu rất ấn tượng khi nghe các bạn, các anh, chị đã được học thầy nói về những giờ giảng văn của thầy”.

“Say” làm việc thiện

27 tháng Chạp, trước tết Nguyên đán Tân Mão 2011, hình ảnh một người thầy giáo trên chiếc xe máy đi băng băng trong giá lạnh mang những món quà tràn đầy nghĩa tình của thầy trò Trường THPT Nguyễn Huệ đến với người nghèo thật xúc động.

Những món quà tết chứa đựng trong đó tinh thần tương thân, tương ái, sự sẻ chia đối với người nghèo, với những số phận không may mắn của thầy trò ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã làm vơi đi nỗi nhọc nhằn và nhân lên niềm vui của các hộ nghèo. Len lỏi qua những con đường đất vòng vèo của xã vùng ven rồi dừng chân trước ngôi nhà thuê ở tạm của gia đình cháu Nguyễn Phạm Mai Quỳnh, sinh năm 2003, ở thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, đôi mắt Nguyễn Vĩnh Truyền bỗng dưng nhoè ướt khi chứng kiến cảnh cháu bé tật nguyền 8 tuổi mà trông như đứa trẻ lên 3 nằm bất động trên chiếc xe lăn.

Nhưng ánh mắt Mai Quỳnh cảm nhận rất rõ hơi ấm tình người đang nêm chặt bên em. Một nỗi thương cảm hoàn cảnh nghèo của gia đình, nỗi xót xa se sắt với số phận trẻ thơ mà tạo hóa nghiệt ngã không cho được may mắn như giằng xé trong lòng người thầy giáo. Nặng trĩu nỗi niềm trên đường về, thầy Truyền bộc bạch: “Làm nhân đạo có nhiều cách, không phải giàu, có của cải nhiều mới làm từ thiện được. Trẻ em tiết kiệm vài ngàn đồng tiền ăn sáng, người lớn tiết kiệm trong chi tiêu, mua sắm để đóng góp ủng hộ cũng là một việc làm từ thiện mà ai cũng có thể làm được. Với tôi, làm việc thiện là trách nhiệm giữa con người với con người”.

Thầy Truyền say sưa kể về những việc làm thiết thực của thầy trò Trường THPT Nguyễn Huệ, công tác tuyên truyền vận động gây quỹ, công tác cứu trợ nhân đạo, công tác góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, công tác phối hợp giữa Hội CTĐ với các tổ chức đoàn thể, hoạt động của Đội thanh niên xung kích CTĐ. Những kết quả mà thầy trò Trường THPT Nguyễn Huệ đã đạt được trong năm học 2010 - 2011 là những con số biết nói và là những tín hiệu vui.

Chỉ tính riêng trong hoạt động nhân đạo đã quyên góp ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam, trợ giúp học sinh nghèo được 12.160.000 đồng, ủng hộ nhân dân Nhật Bản khắc phục hậu quả động đất và sóng thần 13.900.000 đồng ...

31 năm gắn bó với nghề dạy học, trên 15 năm có “duyên nợ” với công tác CTĐ, bước chân thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền cùng các thế hệ thầy trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và Trường THPT Nguyễn Huệ đã đến với những đối tượng dễ bị tổn thương của quê hương Yên Bái.

 Mỗi lần tới thăm các cụ già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, thầy Truyền bảo: “Họ không cần mình đến chỉ để cho vài trăm nghìn đồng. Chỉ cần cái ôm thật chặt, tay trong tay, chia sẻ với họ bằng ánh mắt, nụ cười, bằng chính những khó khăn mình đã trải qua là cảm nhận được hạnh phúc lắm rồi ...”.

Thầy giáo Truyền cũng không thể ngờ rằng món quà 500.000 đồng của thầy trò Trường THPT Nguyễn Huệ lại là món quà thắp sáng ngọn lửa tình người cuối cùng tặng cháu bé tật nguyền Nguyễn Phạm Mai Quỳnh, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái. Vì chỉ ít ngày sau tết Nguyên đán 2011, đứa trẻ tật nguyền xấu số ấy đã trở về với đất mẹ.

Thay lời kết

Bề dày thành tích và trang sử vàng truyền thống của Trường THPT Nguyễn Huệ có sức lan tỏa và được ghi nhận với những thành tích đáng khích lệ trong phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt” và trong các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo.

Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, Hội CTĐ Trường THPT Nguyễn Huệ đã hai lần được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc và hai lần được tặng bằng khen, ba lần được Hội CTĐ tỉnh khen thưởng.

Năm 2011 này, Hội CTĐ Trường THPT Nguyễn Huệ được đề nghị UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, 3 tập thể và 5 hội viên CTĐ của trường đề nghị Hội CTĐ tỉnh khen thưởng. Cá nhân thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền được đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào CTĐ của tỉnh Yên Bái.

Nói về vị Chủ tịch Hội CTĐ Trường THPT Nguyễn Huệ - ông Nguyễn Xuân Duy -  Trưởng Văn phòng đại diện Hội CTĐ NAUY tại Việt Nam nhận xét : “Đó là một trong những người hiếm gặp, cháy hết mình trong phong trào CTĐ và đang góp lửa cùng cộng đồng thắp sáng lòng nhân ái ”.

  Hải Oanh 

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục