Có thể khẳng định, sau 2 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những bước phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn những khó khăn, tồn tại, những "nút thắt” cần được tháo gỡ và có những giải pháp tích cực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công.
Sau hai năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, sản xuất nông nghiệp Yên Bái đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hình thành các vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết giữa các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản. Song, qua thực tiễn 2 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu đang bộc lộ những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được khắc phục.
Về công tác triển khai thực hiện các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cơ bản các địa phương đều tích cực trong triển khai, thực hiện tốt các nội dung phát triển sản xuất theo chủ trương, định hướng, chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của các ngành chức năng, đã có những đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực thực hiện đạt và vượt cao so với chỉ tiêu kế hoạch hàng năm như: phát triển trồng quế tại huyện Văn Yên, Văn Chấn; trồng sơn tra tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; trồng cây ăn quả có múi tại huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình; tre măng Bát độ huyện Trấn Yên, nuôi cá lồng huyện Yên Bình, phát triển chăn nuôi tại huyện Văn Yên...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những đề án, chính sách chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra như: trồng tre măng Bát độ tại huyện Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên; ngô đông trên đất 2 vụ lúa tại huyện Lục Yên, Trấn Yên...
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta mới chỉ hỗ trợ cho đầu vào, cho sản xuất chứ chưa có chính sách, cơ chế và quan tâm tới đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề chế biến và sau chế biến, tiêu thụ nông sản đang là hạn chế lớn cần tháo gỡ trong thời gian tới”.
Bên cạnh đó, nhìn một cách tổng thể có thể thấy, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, chưa có sự đột phá; sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn, còn nhiều vướng mắc về thị trường tiêu thụ, do sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa gắn kết với thị trường, khả năng cạnh tranh về giá, chất lượng một số nông sản chưa đáp ứng đòi hỏi ngày một cao của thị trường. Chưa hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất tập trung rõ nét, quy mô lớn. Tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết, xây dựng chuỗi giá trị đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng hiệu quả chưa cao.
Đặc biệt, việc sản xuất gắn với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế, bất cập. Ngành trồng trọt đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung (vùng lúa, vùng cây ăn quả, vùng sắn, vùng chè) nhưng vẫn thiếu sự hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gặp khó khăn. Trong chăn nuôi đã có bước phát triển tốt nhưng sản xuất nhỏ lẻ, nông hộ là chính, sản xuất theo phong trào, thiếu quy hoạch, thiếu liên kết dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ.
Công tác xúc tiến thương mại rất yếu, chưa giới thiệu được sản phẩm chủ lực của tỉnh ra bên ngoài, chưa có gắn kết với các siêu thị, thị trường có tiềm năng. Nhất là khả năng, theo dõi, dự báo, thông tin thị trường còn nhiều yếu kém nên tình trạng cung vượt cầu, "được mùa mất giá" vẫn thường xuyên xảy ra. Qua đó, nông dân chưa thực sự yên tâm, không mạnh dạn đầu tư sản xuất thâm canh. Việc triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước với nông nghiệp, nông thôn còn chậm.
Mặt khác, chúng ta vẫn chưa có chính sách đặc thù riêng để tạo sự đột phá. Ngay trong cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các đề án thành phần vẫn chưa hợp lý cần có sự điều chỉnh phù hợp. Hiện nay, cơ chế hỗ trợ đối với trồng cây ăn quả, trồng chè, trồng tre măng Bát độ... phải có diện tích từ 0,5 ha trở lên mới được hỗ trợ, nhưng thực tế không phải gia đình nào cũng có diện tích đất trên 0,5 ha đề trồng; do vậy, không nên khống chế hỗ trợ về diện tích mà cứ trồng, cứ phát triển trồng mới hỗ trợ.
Có như vậy, mới liền ô, liền khoảnh, mới tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn. Hay như trong quy định hỗ trợ trồng quế cũng vậy, theo kỹ thuật thì mỗi héc - ta quế trồng hiệu quả chỉ với mật độ 3 ngàn đến 4 ngàn cây là cùng nhưng quy định lại yêu cầu trồng 7 ngàn cây là không hợp lý. Đối với Đề án hỗ trợ ngô đông trên ruộng 2 vụ trong quá trình thực hiện hiệu quả không cao bởi mức hỗ trợ quá thấp chỉ là 320.000 đồng/ha, tương đương 16.000 đồng/kg giống nên hầu hết người dân trồng ngô đông không thực hiện.
Thực tế cho thấy, các hộ trồng ngô đông của ta là rất nhỏ lẻ, lượng giống hỗ trợ ít, định mức hỗ trợ thấp nên nhiều hộ không đăng ký mà tự chủ động tự túc giống; bởi lẽ, để được hỗ trợ, các hộ phải đăng ký qua thôn, thôn đưa lên xã, xác minh diện tích rồi đi lại ký duyệt vài ba lần. Nếu một gia đình sản xuất hai sào ngô, mức hỗ trợ là 32 ngàn đồng và để lấy được 32 ngàn đồng phải tốn nhiều công sức đi lại, chi phí tiền xăng xe vừa đủ.
Đối với đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, vì quy định phải mua mới 100% con giống với quy mô 10 con nên rất khó khăn cho nông dân tham gia. Để đầu tư mua 10 con trâu, bò mỗi hộ phải bỏ ra ít cũng trên 230 triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ chỉ là 15 triệu đồng chỉ đủ để làm chuồng. Trong khi các hộ chăn nuôi chủ yếu là nông hộ, nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế khó khăn, khó có khả năng đầu tư mua mới đủ số lượng...
Hạn chế vướng mắc trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do năng lực tham mưu, triển khai Đề án còn hạn chế. Việc quán triệt và chỉ đạo, triển khai thực hiện ở cấp huyện, xã chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện, toàn tỉnh có trên 1.700 doanh nghiệp, nhưng phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa tham gia đầu tư nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rủi ro nhiều, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, thời gian thu hồi vốn lâu dẫn tới nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà. Công nghiệp chế biến lạc hậu, phần lớn mới chỉ chế biến thô giá trị thấp, thiếu sức cạnh tranh. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu tính ổn định, nông dân không mạnh dạn đầu tư dẫn đến làm ăn manh mún, tự phát, chạy theo phong trào tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Qua thực tế sản xuất và cũng tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020, lãnh đạo các huyện, thị, thành phố đều cho rằng, khó khăn, vướng mắc nhất là việc thay đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là thay đổi các loại giống cây ăn quả có múi, phát triển những vùng cây ăn quả theo chuỗi, đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm; đề nghị nâng cao mức hỗ trợ kinh phí trồng tre măng Bát độ; đẩy mạnh việc xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cam Văn Chấn, bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh điều chỉnh mật độ trồng cây quế trên một đơn vị diện tích; hỗ trợ kinh phí sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao... Một vấn đề không thể không nói đến, đó là các đề án, chính sách bước đầu mới giải quyết được về tăng quy mô, số lượng sản phẩm chủ lực của tỉnh, còn các yêu cầu đặt ra về nâng cao chất lượng, giá trị vẫn còn hạn chế, chưa có sự gắn kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, nên tiềm ẩn nguy cơ dư thừa, mất giá khi sản xuất với số lượng lớn là rất cao.
Thanh Phúc
Bài 5: Cần có giải pháp mang tính đột phá