Cơ bản thống nhất với dự thảo luật, song Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng quy định về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự khá phức tạp, việc dẫn chiếu các điều luật khác vào cần theo một trình tự logic hơn.
Về các trường hợp công trình quốc phòng và khu quân sự được chuyển đổi mục đích sử dụng, đại biểu Đỗ Đức Duy bày tỏ quan tâm đến hai loại gồm: công trình không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cần chuyển về mục đích sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu dân sinh và công trình, khu quân sự nằm trong phạm vi ranh giới thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch cần cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đại biểu viện dẫn thực tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái có các trụ sở Ban chỉ huy quân sự cấp huyện đã xây dựng trụ sở mới, đã chuyển sang làm việc ở trụ sở mới nhưng mà hiện nay là công trình cũ lại bỏ công, bỏ hoang, rất là lãng phí, mất công bảo vệ. Nhưng để mà giao về cho địa phương thì rất là phức tạp đấy, nào là phải điều chỉnh quy hoạch đất quốc phòng để đưa ra khỏi quy hoạch lớp quốc phòng trong công trình thì lại phải sắp xếp theo quy định của Chính phủ, rồi là Bộ Tài chính điều chuyển...
Cho rằng cái này là vướng cả Luật đất đai và Luật Quản lý tài sản công, rất khó mà rất lãng phí. Có những nơi là 3 - 4 năm nay rồi, kể cả công trình của Bộ Công an cũng vậy.
Đại biểu đề nghị: "Đưa nội dung này vào và hết sức đơn giản thôi. Đã không còn nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng thì không không phải sắp xếp gì cả. Đây là chuyển giao về cho địa phương quản lý, sử dụng, còn kể cả tài sản như thế nào đó thì chỉ là việc chuyển giao trên sổ sách, giấy tờ ghi tăng, ghi giảm; giảm của Bộ Quốc phòng và tăng cho địa phương. Còn khi về địa phương thì lúc ấy và quản lý sử dụng theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị để tránh lãng phí”.
Liên quan đến vấn đề bồi thường, đại biểu cho rằng cần phải cân nhắc. Dự thảo đang thiết kế theo hướng là giải tỏa các công trình quốc phòng ấy đi để chúng ta thực hiện các phương án khác thì phải bồi thường vào ngân sách, rồi lấy cái tiền đó để xây dựng một cái công trình mới.
"Cần phải nghiên cứu, rà soát lại để đảm bảo phù hợp với pháp luật về đất đai và pháp luật về tài sản công, ứng xử chỗ này như thế nào cho đơn giản, nếu không thì phải bồi thường, rồi định giá… rất rối. Nếu là thực hiện bồi thường theo pháp luật về đất đai chúng ta thực hiện theo pháp luật về đất đai; nếu mà xử lý theo tài sản công thì ta nói là xử lý theo tài sản công” - Đại biểu Đỗ Đức Duy nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Luật phải thể hiện có sự phối hợp, sự thống nhất giữa bên Bộ Quốc phòng, lực lượng quân đội và chính quyền địa phương.
Còn theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, dự án luật chưa có những quy định cụ thể trong xử lý tranh chấp đối với đất công phòng. Các công trình quốc phòng và khu vực quân đều gắn liền với đất, vấn đề đặt ra là khi xử lý chúng ta không đơn thuần chỉ xử lý mỗi cái tài sản trên đất mà xử lý cả đất này nữa. Do vậy, nếu không quy định trong luật thì cũng phải có dẫn chiếu với Luật đất đai, để làm sao khi ban hành ra nó phải có cái sự dẫn chiếu, liên kết với nhau để có sự đồng bộ.
Tham gia vào quy định tại Điều 11 về vấn đề thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng, đại biểu cho rằng nên để Bộ trưởng Quốc phòng quyết định nhưng trên cơ sở phải có sự thống nhất với địa phương chứ không phải Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cứ ra quyết định là có thể là chuyển về địa phương được; trong luật phải thể hiện một cái ý nào đấy để thể hiện có sự phối hợp, có sự thống nhất nào đấy giữa bên Bộ Quốc phòng, lực lượng quân đội và chính quyền địa phương.
Về thẩm quyền, trách nhiệm Điều 32 có quy định HĐND quyết định chủ trương, biện pháp bảo đảm cho hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được giao theo quy định pháp luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, rà soát lại Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương về quy định về cái thẩm quyền HĐND cấp tỉnh để đảm bảo cho cái sự tốt nhất với các dự án luật.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung phát biểu trong phiên thảo luận ở tổ chiều 9/6.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khái niệm về công trình quốc phòng và khu quân sự thì theo quy định tại Khoản 5, Điều 3 dự thảo luật định nghĩa là đây là tăng sản công; làm rõ sự thống nhất với khái niệm tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại Khoản 5, Điều 3 Luật quản lý, sử dụng tài sản công rồi phân biệt với công trình phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật phòng thủ dân sự.
Về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Trung thống nhất với dự thảo luật là, quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác. Ban soạn thảo làm rõ việc phân cấp thẩm quyền này, tránh tình trạng quy định thiếu cụ thể, gây ra cái thực hiện không được thống nhất.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm quy định quỹ đất sau khi được thu hồi, chuyển đổi mục đích từ đất quốc phòng lên bàn giao về cho địa phương quản lý và thực hiện các cái dự án phát triển kinh tế - xã hội thì phải thực hiện đấu thầu hoặc là đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai để đảm bảo tránh lãng phí hoặc phát sinh tiêu cực liên quan đến đất này.
Quang Tuấn - Hoàng Sâm (lược ghi)