Tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc
- Cập nhật: Thứ năm, 31/7/2014 | 8:56:58 AM
YBĐT - Năm 2014, Văn Yên hỗ trợ kinh phí cho nhân dân trồng cỏ cao sản, chăn nuôi trâu, bò nhốt tại chuồng ở 8 xã vùng thượng huyện. Đây là cơ sở quan trọng để người dân thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống sang hình thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp có chuồng trại, tận dụng đất đai trồng cỏ thâm canh để chủ động thức ăn chăn nuôi cung cấp cho đàn trâu bò.
Huyện Văn Yên tập trung triển khai các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi đại gia súc bền vững.
(Ảnh: tô anh hải)
|
Văn Yên là một huyện miền núi có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi gia súc bởi có nguồn thức ăn tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Song, những năm qua, chăn nuôi của địa phương không những không phát triển mà còn giảm sút số lượng; hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, huyện đang tập trung áp dụng cơ chế, chính sách và triển khai các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển bền vững.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên, đến hết năm 2013, tổng đàn trâu của toàn huyện có 19.385 con, giảm 1.018 con; đàn bò có 966 con, giảm 453 con so với năm 2012. Nguyên nhân tổng đàn gia súc chính giảm do công tác chỉ đạo chăn nuôi của ngành chuyên môn và một số xã, thị trấn chưa được quan tâm, thiếu toàn diện, chưa đầu tư đúng mức đối với phát triển chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản; chưa hình thành các cơ sở chăn nuôi tập trung, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát dịch bệnh.
Đợt rét đậm, rét hại cùng với dịch bệnh trong vụ đông năm 2010 - 2011 đã làm chết 673 con trâu, bò. Số trâu, bò chết rét chủ yếu ở các xã vùng cao, không có chuồng hoặc chuồng trại không đảm bảo chống rét; còn tình trạng thả rông gia súc trong những ngày mưa rét, thiếu thức ăn cho gia súc. Dịch bệnh làm cho người chăn nuôi hoang mang, xuất bán và không tái đầu tư bổ sung đàn. Cùng với đó là diện tích chăn thả tự nhiên ngày càng bị thu hẹp; cơ giới hóa áp dụng trong sản xuất ngày càng nhiều đã thay thế dần sức trâu, bò. Giá bán trâu, bò cao nên số lượng trâu, bò bán nhiều hơn số trâu, bò được sinh ra trong năm.
Để khắc phục tình trạng chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh là phát triển chăn nuôi tập trung với quy mô trang trại, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, huyện cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi. Năm 2014, huyện đã đầu tư kinh phí 300 triệu đồng giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình điểm “Trồng cỏ cao sản VA06, chăn nuôi trâu, bò nhốt tại chuồng” ở 8 xã vùng thượng huyện. Các hộ dân được lựa chọn tham gia mô hình này được hỗ trợ kinh phí sửa chữa chuồng trại, xây máng ăn và hỗ trợ giống cỏ có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Cụ thể, các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi trâu bò nhốt, biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Đồng thời, mỗi hộ đã được hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo quy chuẩn và được cấp giống cỏ cao sản VA06 để triển khai trồng trên diện tích 600m2/hộ. Đến nay, huyện đã hỗ trợ được 10 tấn cỏ VA06 cho xã Đông An và tiếp tục cung ứng hoàn thành trong tháng 7.
Chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Đông An tham gia mô hình trồng cỏ, chăn nuôi trâu nhốt cho biết: “Giống cỏ VA06 sinh trưởng và phát triển tốt, tránh được tình trạng đồng cỏ khan hiếm vào mùa khô, đảm bảo lượng thức ăn cung cấp cho đàn trâu của gia đình”.
Ông Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Trong thời gian qua, huyện có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi. Năm 2014, Văn Yên hỗ trợ kinh phí trồng cỏ cao sản, chăn nuôi trâu, bò nhốt tại chuồng ở 8 xã vùng thượng huyện. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để người dân thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống sang hình thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp có chuồng trại, tận dụng đất đai trồng cỏ thâm canh để chủ động thức ăn chăn nuôi cung cấp cho đàn trâu bò, tạo giá trị kinh tế cao hơn đối với hình thức chăn thả rông theo phương thức truyền thống của nhân dân”.
Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi thì hàng loạt các giải pháp được thực hiện, trong đó thực hiện tốt các chính sách về chăn nuôi; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y; đưa những giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sử dụng; vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ thâm canh phục vụ chăn nuôi; tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp để bổ sung nguồn thức ăn; hướng dẫn người chăn nuôi cách chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho chăn nuôi. Bên cạnh đó, huyện xác định tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học đến người chăn nuôi, thực hiện chăn nuôi an toàn.
Văn Thông
Các tin khác
Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa phối hợp với các bên liên quan tổ chức thảo luận về phương án điều chỉnh lương tối thiểu sẽ áp dụng trong năm 2015.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vừa ban hành kế hoạch thực hiện tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong ngành Ngân hàng.
YBĐT - Ngày 30/7, đoàn công tác của UBND tỉnh Yên Báido đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đi thăm mô hình phát triển kinh tế trang trại tại huyện Yên Bình.
YBĐT - Trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Tú Lệ (Văn Chấn) luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tu sửa kênh mương thủy lợi, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Trong đó, xã đặc biệt quan tâm đến việc tăng diện tích gieo trồng và tìm hướng đi cho sản phẩm gạo đặc sản nếp tan Tú Lệ cùng với phát triển chăn nuôi theo hướng bán trang trại.