Nghĩa Lợi: Tự tin làm du lịch

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2016 | 8:08:00 AM

YBĐT - Nói đến chuyện làm du lịch cộng đồng, chị Lường Thị Hồng Chung ở bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi được biết đến như một người tiên phong trên lĩnh vực này. Là người con của dân tộc Thái, chị Chung hiểu hơn ai hết về những nét văn hóa đặc trưng, những món ăn ngon miệng, khác lạ chỉ có ở vùng Mường Lò.

Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình chị Lường Thị Hồng Chung hàng năm đón trên 1.600 lượt khách.
Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình chị Lường Thị Hồng Chung hàng năm đón trên 1.600 lượt khách.

Làm gì để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước luôn được chị Chung ấp ủ, trăn trở.

Là người con của dân tộc Thái, chị Chung hiểu hơn ai hết về những nét văn hóa đặc trưng, những món ăn ngon miệng, khác lạ chỉ có ở vùng Mường Lò. Làm gì để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước luôn được chị Chung ấp ủ, trăn trở.

Đầu năm 2011, chị quyết định đầu tư vào mô hình du lịch cộng đồng. “Lúc đầu, gia đình mình làm trên cơ sở nhà sàn có sẵn (lưu trú được 10 người) nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, con người, những nét văn hóa và các món ăn gắn với không gian nhà sàn độc đáo của dân tộc Thái đến với du khách thập phương. Chính bản sắc văn hóa đặc trưng này mà hàng năm du khách trong nước, đặc biệt là du khách ở nước ngoài đến với thị xã Nghĩa Lộ và xã Nghĩa Lợi ngày càng nhiều”- chị Chung chia sẻ.

- Làm du lịch cộng đồng vất vả không chị? - tôi hỏi.

- Không hề vất vả, ngược lại vui lắm! - chị Chung cười tươi.

- Cái được khi làm du lịch cộng đồng là gì?

- Nhiều lắm em ạ! Thứ nhất là tăng thêm thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động. Thứ nữa, ngoài việc giới thiệu cho du khách về văn hóa, các điệu dân ca, dân vũ, văn hóa tâm linh, phong cách sống mộc mạc, giản dị của người Thái thì mình còn được học hỏi, khám phá nhiều nét văn hóa của các vùng miền - chị bộc bạch.

Từ chỗ chỉ lưu trú được 10 người, đến nay gia đình chị Chung đã đầu tư thêm nhà sàn mang bản sắc của người Thái và lưu trú được trên 50 chỗ ở cho du khách. Từ mô hình du lịch này, hàng năm, gia đình chị đã đón trên 1.600 lượt khách, trong đó có trên 600 lượt khách nước ngoài.

Chia tay với chị Chung, theo con đường bê tông uốn lượn quanh co nằm bên suối Thia thơ mộng từ bản Chao Hạ 1 đến bản Sà Rèn, chúng tôi tìm đến gia đình chị Hoàng Thị Loan - một mô hình du lịch cộng đồng được nhiều khách biết đến.

- A lô! Chị Loan ạ! Em là Hoa ở Đà Nẵng. Đoàn em có 15 người, nhà chị còn chỗ không?

- Nhà chị còn em ạ! - chị Loan trả lời.

Trả lời xong điện thoại với khách đặt phòng, chị Loan quay ra pha nước mời chúng tôi. Tôi chưa kịp mở lời thì chị Loan hỏi:

- Các em thấy bản Sà Rèn có thơ mộng không?

Trong khi tôi chưa kịp đáp, chị Loan cười xòa và giới thiệu: “Bản Sà Rèn được ví như một hòn đảo thu nhỏ, xung quanh được bao bọc bởi suối Thia, suối Nung, suối Đôi, khí hậu quanh năm mát mẻ. Đến với Sà Rèn, du khách như được tìm về với những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái. Ở đây, du khách được hòa mình vào không gian của nhiều lễ hội, của kiến trúc nhà sàn Thái, những điệu múa xòe, ẩm thực nhà sàn...”.

Tôi nghe mà không khỏi ngạc nhiên. Cũng như nhiều hộ dân khác trong xã, chị Hoàng Thị Loan đầu tư vào mô hình du lịch cộng đồng vào tháng 2/2015 với mục đích ban đầu là gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa của dân tộc mình và tăng thu nhập. Chính vì vậy, gia đình chị đã đầu tư hệ thống nhà vệ sinh, nhà tắm và tu sửa 8 buồng ngủ, đáp ứng lưu trú cho 16 du khách. Theo chị Loan, đầu tư vào du lịch cộng đồng hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm nông nghiệp hay chăn nuôi, học hỏi được nhiều điều mới mẻ, gìn giữ được môi trường thôn, bản trong lành”.

Chị Hoàng Thị Loan tu sửa nhà cửa, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Anh Trần Văn Hải - du khách đến từ Đà Nẵng nói: “Mình đã đi rất nhiều điểm du lịch nhưng ấn tượng nhất vẫn là vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ. Đến với mô hình du lịch cộng đồng ở đây và các thành viên trong đoàn được tìm hiểu về văn hóa, phong tục của dân tộc Thái và thưởng thức các món ăn, như: thịt trâu sấy, các món thịt nướng, rau ban, xôi ngũ sắc...”.

Ông Roben - du khách đến từ nước Anh cho biết: “Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình chị Loan rất tuyệt vời. Ở đây còn lưu giữ được những nét văn hóa, phong tục của người Thái. Môi trường xung quanh rất gần gũi với con người”. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, gia đình chị Hoàng Thị Loan đã đón hơn 1.700 lượt du khách, trong đó có trên 50% là khách nước ngoài.

Cùng với gia đình chị Chung, chị Loan, người dân ở nhiều bản trong xã đã mạnh dạn tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, tiêu biểu như các gia đình: Lò Văn Bình, Lò Văn Chiến, Hoàng Văn Tính, Lò Văn Vượng, Đồng Văn Chình ở bản Chao Hạ 1; Lò Văn Păn, Lò Văn Tiến, Lường Văn Thịnh, Điêu Thị Thái ở bản Sà Rèn... Dẫu biết rằng, Nghĩa Lợi vẫn là một xã khó khăn của thị xã Nghĩa Lộ nhưng người dân đã năng động trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều đặc biệt, hiện nay, các gia đình tham gia xây dựng mô hình du lịch cộng đồng không những giữ nguyên vẹn các bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt và kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò mà họ còn tự khôi phục các ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm; nghề mây tre đan; chế tác nhạc cụ dân tộc; cách nấu các món ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái để tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Đồng chí Lò Văn Hải - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi cho biết: “Là xã 100% thuần nông, không có ngành nghề phụ nhưng vài năm trở lại đây, thực hiện Đề án "Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ", chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, vận động và có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, ý thức của người dân về làm du lịch thay đổi một cách rõ nét".

"Hiện, Đảng ủy xã đã có Nghị quyết về “Xây dựng và bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch”. Giai đoạn 2015 - 2020, xã phấn đấu xây dựng 1 - 2 bản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm mục đích gìn giữ bảo tồn văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái”. Ông Hải nói.

Người dân ở Nghĩa Lợi đang tự tin làm du lịch, điều đó đồng nghĩa với việc du khách trong và ngoài nước đến với địa phương này ngày càng nhiều. Để du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lợi phát triển mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa và không gian vốn có của nó, ngoài sự nỗ lực của người dân thì chính quyền địa phương, đặc biệt là các ngành liên quan cần quan tâm đầu tư xây dựng các hạng mục, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, có quy hoạch chi tiết, có điểm dừng chân lý tưởng gắn với các tour du lịch cộng đồng để du khách khi đến với địa phương này được trải nghiệm nhiều hơn.

 Văn Tuấn

Các tin khác
Lực lượng kiểm lâm huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho bà con.

YBĐT - Văn Chấn là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái có diện tích đất lâm nghiệp trên 70.000 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là hơn 47.000 ha, diện tích rừng trồng là hơn 20.000 ha còn lại là diện tích cây công nghiệp và cây đặc sản.

Lãnh đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Yên Bái trao đổi kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh hại cây dưa chuột với người dân.

YBĐT - Vụ đông năm 2016, thành phố Yên Bái xây dựng kế hoạch gieo trồng 303,5 ha rau, đậu các loại trên đất soi, đất màu, đất ruộng. Diện tích này phần lớn tập trung ở các xã: Tuy Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú, Âu Lâu, Phúc Lộc, Minh Bảo...

Cán bộ Cục Thuế tỉnh Yên Bái hướng dẫn doanh nghiệp nộp thuế điện tử.

YBĐT - Công tác quản lý thuế; thanh tra, kiểm tra thuế thời gian qua được Cục Thuế tỉnh đặc biệt chú trọng.

Khu vườn trồng chanh tứ thời của gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn - thành viên HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh.

YBĐT - Nhận thấy được nhu cầu rất lớn của thị trường với các sản phẩm trái cây sạch có thương hiệu như: cam Đường canh, cam sành, bưởi Diễn, chanh tứ thời..., Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh đã ra đời, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các hộ dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục