Khi tất cả cùng vào cuộc

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/11/2017 | 8:20:33 AM

YBĐT - Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên đã giải thành công bài toán khó mang tên nông thôn mới (NTM), đưa xã về đích trước thời hạn 2 năm. Một trong những nguyên nhân làm nên thành công đó là sự năng động của Đảng ủy, chính quyền xã trong việc tìm ra những hướng đi mới giúp nhân dân phát huy nội lực, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Khoai tây Marabell là một hướng đi bền vững trong vụ đông ở Yên Hợp.
Khoai tây Marabell là một hướng đi bền vững trong vụ đông ở Yên Hợp.

Đồng chí Bùi Xuân Thành - Chủ tịch UBND xã Yên Hợp nhận định: "Thời điểm bắt tay vào triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Gắn với điều kiện thực tiễn, Yên Hợp đặt ra mục tiêu vận động, thay đổi nhận thức trong nhân dân bằng những việc làm cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực. Lợi ích đó được thể hiện bằng diện mạo đổi mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đảm bảo phục vụ tốt đời sống dân sinh. Song, cơ bản nhất vẫn là tạo bước đà để người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, bởi khi ấy tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao trên 34%, sản xuất manh mún, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, đời sống người dân còn nhiều khó khăn”. 

Ở Yên Hợp, đất đai màu mỡ, bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, rất thích hợp để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, trước đây, người dân lại chưa khai thác hết tiềm năng của đất và người Yên Hợp, nên trồng cấy tự do, manh mún, không theo quy hoạch, nên không đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Trước thực trạng đó, Đảng bộ xã Yên Hợp đã chỉ đạo, thực hiện việc phân chia, quy hoạch thành 6 vùng phát triển kinh tế theo đặc thù, tiềm năng phát triển của từng vùng, cụ thể là: vùng phát triển cây lúa và cây ngắn ngày; vùng phát triển cây chè; vùng cây lâm nghiệp; vùng chăn nuôi đại gia súc; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm; vùng nuôi thủy sản kết hợp với nuôi thủy cầm. Việc quy hoạch này là bước đệm để Đảng ủy, chính quyền xã Yên Hợp chỉ đạo đưa những cây, con giống có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất; sản xuất theo hướng hàng hóa theo xu thế tất yếu của thị trường.

Mở đầu cho sự thay đổi là cây lúa. Tuy nhiên, tư tưởng "sợ thay đổi” đã ăn sâu vào nhận thức của người dân nơi đây, nhất là thay đổi những giống lúa truyền thống. Vì vậy, Đảng ủy, chính quyền xã đã tích cực vận động nhân dân thay đổi tập quán, nếp nghĩ trong sản xuất. Những giống lúa mới có giá trị cao như Chiêm hương, Thiên ưu 8, HT1 được đưa vào trồng thử nghiệm thay thế giống lúa thuần kém hiệu quả truyền thống. Ban đầu, chính quyền xã đáp ứng tất cả các yêu cầu về sản xuất, giống, kỹ thuật... cho một vài hộ dân trồng thử nghiệm nhưng với điều kiện thóc sau thu hoạch được phải bán lại cho chính quyền xã. 

Gia đình chị Bùi Thị Huệ ở thôn Yên Dũng 2 - một trong những hộ trồng thử nghiệm lúc bấy giờ cho biết: "Được cung ứng giống, vật tư, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình kỹ thuật, lúa thu hoạch lại có đầu ra luôn thì tội gì không trồng thử. Năm ấy, nhà tôi cũng trồng thử 2 sào. Thấy lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh lại có giá trị cao hơn nhiều nên từ đấy trở đi gia đình tôi chuyển hẳn sang trồng giống lúa mới và chỉ để lại 1 phần diện tích trồng giống cũ để phục vụ chăn nuôi”. Với diện tích 120 ha lúa nước, đến nay toàn xã đã chuyển đổi thành công trên 70% diện tích sang các giống lúa năng suất cao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa bình quân đạt từ 220 đến 250 kg/sào/vụ. 

Cùng với lúa, chè cũng là cây trồng cần phải đổi mới. Yên Hợp có 131 ha trồng chè (cao hơn cả diện tích trồng lúa) tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Khe Hóp, Yên Dũng 1, Yên Thành. Trước đây, người dân Yên Hợp cũng nổi tiếng về chè nhưng không phải nổi tiếng vì chè ngon mà vì ... diện tích. 

Ông Nguyễn Văn Hợp - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hợp kể lại: "Khoảng 6 - 7 năm trước, cây trồng chủ lực ở Yên Hợp là chè. Chè bạt ngàn ở khắp các thôn, đâu đâu cũng trồng chè. Tuy nhiên, người dân chủ yếu trồng chè trung du, năng suất cũng cao nhưng chất lượng kém, giá trị không cao. Khi gặp guồng quay của kinh tế thị trường, chè Yên Hợp bị thất thủ. Trước tình hình ấy, Đảng ủy, chính quyền xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức cho người dân tham quan các mô hình trồng chè các tỉnh bạn. Nhận thấy sự đổi mới, hiệu quả từ các mô hình, người dân đã năng động học theo”. 

Những hộ tiên phong thay đổi cách nghĩ, cách làm là hộ ông Tống Văn Phương, ông Mai Văn Thế ở thôn Khe Hóp, chị Đoàn Thị Dung ở thôn Yên Dũng 1, anh Trần Văn Sơn ở thôn Yên Thành... Đến nay, xã Yên Hợp đã chuyển đổi thành công 80% diện tích chè sang các giống chè có giá trị kinh tế, chất lượng cao. Các hộ trồng chè cũng dần xây dựng được uy tín trên thị trường.

Ngoài việc thay đổi các cây trồng truyền thống, Đảng ủy, chính quyền xã còn năng động tìm và đưa các cây trồng mới về đất Yên Hợp. Một trong số đó là việc mạnh dạn đưa giống khoai tây Marabell vào sản xuất, đem lại những kết quả tích cực. 

Cuối năm 2015, chính quyền xã Yên Hợp đã đưa cán bộ và bà con đi tham quan mô hình kinh tế điển hình, trong đó có mô hình cây khoai tây ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đang được người dân trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy, xã có đất đai phì nhiêu nhưng diện tích đất trồng cây vụ đông chưa phát huy hiệu quả, vì vậy, chính quyền xã phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt mạnh dạn trồng thử 2 ha khoai tây giống Marabell theo hướng sản xuất hàng hóa tại 3 thôn Yên Hòa, Quảng Mạc và Yên Dũng 2. 

Với thời gian thu hoạch ngắn từ 80 - 85 ngày, giống cây mới này trồng được 2 vụ: vụ đông từ tháng 10 - 11 dương lịch và vụ đông xuân từ tháng 1 - 2 dương lịch. Thu hoạch xong cũng vừa kịp sản xuất vụ mùa, không để lãng phí đất. Năm đầu tiên trồng thử nghiệm, cây khoai tây cho năng suất 5 tạ/sào/vụ, chất lượng thơm ngon, ngoại hình đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 lần so với trồng lúa và 7 lần so với ngô. Từ đó trở đi, cây khoai tây trở thành 1 hướng đi mới bền vững trong vụ đông ở Yên Hợp. 



Nhiều hộ dân trồng chè ở Yên Hợp đã có thu nhập khá nhờ việc ứng dụng trong tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa giống mới vào sản xuất.

Năm 2016, từ 2 ha, diện tích cây khoai tây được nâng lên là 15 ha, năm 2017 là 22 ha. Gia đình anh Đinh Xuân Trung ở thôn Yên Dũng 1 là một trong những hộ có diện tích trồng khoai tây lớn ở Yên Hợp tâm sự: "Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng 3 sào lúa kết hợp 1 vụ ngô đông. Thu nhập của gia đình bấp bênh lắm! Nhưng từ khi chính quyền xã đưa giống khoai tây Marabell về, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc cây; được hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ vi sinh để tiết kiệm chi phí mua phân hóa học lại tốt với môi trường, không độc hại cho người sản xuất và người sử dụng; được vay vốn lãi suất thấp để mua giống; được chính quyền liên kết tạo đầu ra ổn định. Vì vậy, sau khi trồng thử nghiệm vào vụ đông năm 2015, năm 2016, gia đình tôi đã thuê đất của các hộ không canh tác để trồng 1 ha khoai tây. Mỗi vụ gia đình tôi lãi được khoảng 2,5-3 triệu đồng/sào. Năm nay, chúng tôi dự định tiếp tục trồng 1 ha khoai tây nữa để kịp bán vào dịp tết”.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động thì chính sự năng động, đổi mới của Đảng ủy, chính quyền xã đã tạo điều kiện để người dân Yên Hợp phát triển kinh tế, động lực để họ phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Đồng chí Chủ tịch UBND xã bày tỏ: "Kinh tế phát triển, nhận thức được nâng cao, người dân tích cực đóng góp ủng hộ, hiến đất làm các công trình phúc lợi bởi hơn ai hết họ hiểu rằng, họ là người trực tiếp tham gia, trực tiếp hưởng lợi. Tất cả đã tạo nên hiệu ứng và sức lan tỏa, góp phần quan trọng thổi bùng ngọn lửa phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM rộng khắp. Vì vậy, việc huy động người dân tham gia làm NTM không quá khó khăn với Yên Hợp”. 

Tổng kinh phí thực hiện NTM trên địa bàn xã là 21,3 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ nhân dân bằng việc đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, tài sản, hoa màu trên 4,4 tỷ đồng, chiếm 21% tổng nguồn vốn. 

Qua 6 năm bền bỉ, nỗ lực xây dựng NTM, hệ thống cơ sở hạ tầng Yên Hợp có bước tiến vượt bậc, cơ bản đáp ứng các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM: 16,3 km đường trục xã, liên xã, 5,5/10,9 km đường thôn, 5,5/11 km đường trục xóm được cứng hóa; 18,8/19 km kênh mương được kiên cố hóa; Trường Tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia; Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia cấp độ II; số hộ dùng điện đạt 99%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; 98% lao động có việc làm thường xuyên; người dân được thụ hưởng các cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang... Tấm áo mới này có được chính là thành công của quá trình xây dựng NTM khi mà Đảng, chính quyền và nhân dân cùng làm.

Hoài Anh

Các tin khác
Cán bộ Chi cục Hải quan Yên Bái tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đến làm thủ tục xuất, nhập khẩu.

YBĐT - Năm 2017, Chi cục Hải quan Yên Bái (HQYB) thuộc Cục Hải quan Hà Nội được giao chỉ tiêu thu ngân sách 160 tỷ đồng. Bằng những giải pháp đồng bộ đến 1/11/2017, Chi cục đã thu đạt 162,2 tỷ đồng, bằng 101% chỉ tiêu kế hoạch giao, 140% so cùng kỳ năm 2016.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Đà Nẵng.

Với nỗ lực trong công tác tổ chức của Việt Nam, APEC 2017 đã hoàn thành mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong tình hình mới.

YBĐT - Với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các giống thủy sản phục vụ bà con chăn nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận, Trại Giống thủy sản Nghĩa Lộ luôn đặt chất lượng giống cá lên hàng đầu. Đồng thời, tuyên truyền đến người nuôi cá cảnh giác với những sản phẩm cá giống không rõ nguồn gốc du nhập vào thị trường làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cá và hiệu quả kinh tế của người dân.

Dự án đầu tư cao tốc Bắc  - Nam sẽ gồm 11 dự án thành phần, trong đó 8 dự án sẽ được đầu tư theo hình thức công - tư khoảng 530km tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục