Đảm bảo lộ trình sử dụng hóa đơn điện tử

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/7/2021 | 7:56:41 AM

YênBái - Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020; trong đó, có quy định về sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải sử dụng HĐĐT từ ngày 1/7/2022.

Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Yên Bái kiểm tra danh sách các doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn giấy để tuyên truyền sử dụng hóa đơn điện tử.
Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Yên Bái kiểm tra danh sách các doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn giấy để tuyên truyền sử dụng hóa đơn điện tử.

 Để các tổ chức, cá nhân chủ động chuyển đổi sang sử dụng hóa HĐĐT, cơ quan thuế địa phương tập trung tuyên truyền về lợi ích, thời hạn bắt buộc phải chuyển đổi tránh trường hợp bị động, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp (DN).

Sử dụng HĐĐT đem lại lợi ích cho DN và góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính quốc gia; vì vậy, Nhà nước rất quyết tâm chỉ đạo áp dụng HĐĐT trên toàn bộ nền kinh tế; cụ thể, đã ban hành Nghị định số 119/2020 quy định bắt buộc sử dụng HĐĐT từ ngày 1/11/2020. Tuy nhiên, đến ngày 19/10/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, quyết định lùi thời điểm bắt buộc sử dụng HĐĐT đến ngày 1/7/2022. 

Tại Yên Bái, từ năm 2015, Cục Thuế tỉnh đã triển khai chương trình sử dụng HĐĐT với đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy DN sử dụng HĐĐT. Tuy nhiên, việc thúc đẩy DN sử dụng HĐĐT tại địa bàn tỉnh theo Nghị định 119 đã có hiệu lực từ tháng 11/2018, song trong suốt một giai đoạn dài chưa có quy định về định dạng chuẩn dữ liệu từ Bộ Tài chính, cũng như Thông tư hướng dẫn Nghị định 119. 

Đáng kể, việc chưa kết nối dữ liệu đồng bộ trên môi trường mạng internet giữa các cơ quan quản lý thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường... khiến việc áp dụng HĐĐT gặp khó khăn. Một số DN chần chừ, chưa triển khai sử dụng HĐĐT do chưa hoàn toàn yên tâm tin tưởng về vấn đề an toàn, bảo mật của HĐĐT khi thực hiện trên môi trường internet; phí áp dụng HĐĐT cao hơn so với việc sử dụng hóa đơn giấy nên nhiều DN có tư tưởng chờ đến thời hạn bắt buộc cuối cùng mới chuyển sang sử dụng. 

Về phía người dân, cũng chưa có nhiều người nắm bắt được quy định thay thế hóa đơn giấy bằng HĐĐT khiến nhiều DN gặp khó khăn trong việc giải thích về tính pháp lý HĐĐT cho khách hàng. Trước sức ép về thời gian ngày 19/10/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, quyết định lùi thời điểm bắt buộc sử dụng HĐĐT đến ngày 1/7/2022; đồng thời, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1/7/2022. Tuy nhiên, sau khi thực thi Nghị định 123, việc thúc đẩy DN sử dụng HĐĐT vẫn tiếp tục gặp khó. 

Cụ thể là, để ứng dụng, sử dụng HĐĐT, đối tượng nộp thuế phải có hệ thống máy móc, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ thông tin tương thích trong khi không phải DN nào cũng có đủ điều kiện sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này. Ngoài đầu tư về hệ thống máy móc và trang thiết bị còn cần nhân lực có trình độ về tin học để có thể sử dụng HĐĐT, trong khi trình độ sử dụng công nghệ thông tin của nhân viên, kế toán, lãnh đạo của một số DN chưa cao dẫn đến tâm lý ngại thay đổi cái mới. 

Mặt khác, việc sử dụng HĐĐT phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, đơn vị còn e ngại việc xảy ra sự cố như: mất điện, lỗi hệ thống, máy móc trục trặc không thể lập được hóa đơn khi cần thiết, gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh…

Ông Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ: "Để đảm bảo lộ trình áp dụng HĐĐT trên toàn bộ nền kinh tế nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội và nâng cao kỷ luật tài chính, thời gian tới Cục Thuế tỉnh tăng cường tuyên truyền những quy định và lợi ích của việc sử dụng HĐĐT đến DN để DN thực sự hiểu được những ưu điểm vượt trội của HĐĐT và sớm triển khai HĐĐT. Đẩy mạnh khuyến nghị DN chủ động trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho chủ DN cũng như nhân viên trong đơn vị để tự tin hơn khi bắt đầu sử dụng HĐĐT. Vận động các đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp HĐĐT, nhất là các DN quy mô lớn, năng lực cao tham gia cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh và có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN, người nộp thuế trong đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập và giao dịch HĐĐT. 

Đối với các DN đã sử dụng HĐĐT cần tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin và trình độ nhân lực sử dụng HĐĐT; chủ động lựa chọn hợp lý các dịch vụ của các công ty kế toán hoặc các đại lý thuế chuyên nghiệp và lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ HĐĐT phù hợp để phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Quang Thiều

Các tin khác
Công nhân Công ty cổ phần An Tiến Industries kiểm tra hàng trước khi xuất bán.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sự đồng thuận, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN), Yên Bái đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” là vừa chống dịch vừa chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh (SXKD) thích ứng với tình hình mới.

Các đại biểu cắt băng khai trương Phòng Giao dịch Mường Lò, Chi nhánh Agribank thị xã Nghĩa Lộ.

Theo Quyết định của Tổng Giám đốc Agribank, từ ngày 5/7/2021, Phòng giao dịch Mường Lò thuộc Agribank Chi nhánh Văn Chấn và 7 xã, thị trấn thuộc địa giới hành chính huyện Văn Chấn trước đây được chuyển về thuộc quyền quản lý của Agribank Chi nhánh thị xã Nghĩa Lộ.

Mô hình trình diễn ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa.

Ngày 5/7, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Yên Bái tổ chức trình diễn đưa cơ giới hoá vào sản xuất giống lúa lai LC 212 tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Anh Cao Ngọc Triệu (người ngồi) - công nhân Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái là tác giả của sáng kiến máy cắt liên hoàn phân đoạn quế.

Chương trình “75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động được các cấp công đoàn tỉnh Yên Bái triển khai đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục