Yên Bái: Tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/7/2022 | 7:51:05 AM

YênBái - Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái có 26 công trình, dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư trên 12.742 tỷ đồng. Các dự án trọng điểm chiếm tỷ lệ lớn trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025.

Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.


Trong tổng số 26 dự án được đưa vào danh mục trọng điểm để tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện có 5 dự án chuyển tiếp giai đoạn trước chuyển sang thực hiện giai đoạn 2021-2025; 8 dự án đã khởi công năm 2021; 8 dự án dự kiến khởi công mới năm 2022; còn lại 5 dự án khởi công sau năm 2022. 

Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, một số chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng ban hành kế hoạch triển khai các dự án; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Tuy nhiên, đứng trước hàng loạt khó khăn như: ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá nguyên, vật liệu biến động, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đã khiến tiến độ triển khai một số dự án, công trình trọng điểm chưa đạt so với yêu cầu đề ra, một số dự án dự kiến khởi công trong năm nhưng đến nay chưa thể khởi công theo kế hoạch. Trong đó, phải kể đến một số dự án công trình dân dụng như: Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Trụ sở Tỉnh ủy và các ban Đảng, Trụ sở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Đây là các dự án yêu cầu cao về kiến trúc, cần tổ chức thi tuyển kiến trúc nên cần nhiều thủ tục, qua nhiều bước thực hiện nên mất nhiều thời gian tổ chức thực hiện dẫn đến chưa thể khởi công. 

Một "điểm nghẽn” cố hữu và cũng là lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án phải kể đến là các vướng mắc trong công tác triển khai hỗ trợ đền bù, bố trí tái định cư; trong đó, phải kể đến Dự án đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 

Công trình có chiều dài khoảng 4,15 km, tổng kế hoạch vốn giao đến nay là trên 158,2 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn giao năm 2022 là 80 tỷ đồng; đến nay, giải ngân trên 21 tỷ đồng, vốn còn lại trên 58,9 tỷ đồng. Về khối lượng thi công, tại gói thầu số 09 (lý trình từ Km0 - Km2) hiện đang triển khai thi công nền đường đoạn từ Km1+100 - Km1+700m. 

Đến nay, thi công khối lượng đào nền đường 3.500/304.500 m3, giá trị mới đạt 100/62.685 triệu đồng (0,16%). Tại gói thầu số 10 (lý trình Km2 - Km4+150) hiện đang thi công nền đường đoạn Km4 - Km4+150 và đoạn Km3+700 - Km3+850, khối lượng đào nền đường đạt 23.000/488.900 m3; giá trị thực hiện ước đạt 1.000/140.003 triệu đồng (0,7%). 

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông vướng mắc chính hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng; nhiều vật kiến trúc xây dựng, công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp chưa được xác định thời điểm xây dựng hoặc xác định chậm, chưa đầy đủ, không rõ ràng nên khó khăn cho công tác lập phương án; nhiều hộ dân không đồng ý kiểm kê, không cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên công tác xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn. 

Đến ngày 15/6, vẫn còn 40 hộ chưa được kiểm kê, 82 hộ đã kiểm đếm chưa phê duyệt, 19 hộ đang trình thẩm định. Tương tự, Dự án đường nối quốc lộ 32 với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Dự án có tổng kế hoạch vốn trên 263 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn đã giao năm 2022 là 30 tỷ đồng. 

Đến nay, giải ngân đạt 58,7% kế hoạch vốn năm 2022. Về khối lượng thi công hiện tại các gói thầu đến nay đạt từ 51,9% - 67,8% khối lượng. Tuy nhiên, hiện công trình còn vướng mắc 11 hộ chưa bàn giao mặt bằng để thi công. 

Tương tự, Dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với tỉnh lộ 174 (huyện Trạm Tấu), tỉnh Yên Bái; Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trạm Tấu (Yên Bái) - Bắc Yên (Sơn La); Dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); Dự án "Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái" công tác giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo tiến độ đề ra, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. 

Trước thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư cần tập trung cao độ nhân lực, vật lực cho các công trình trọng điểm. Trong đó, các chủ đầu tư cần phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phát sinh trong quá trình thi công để kịp thời xử lý, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công thực hiện các phần công việc theo đúng tiến độ, trên quan điểm có mặt bằng đến đâu thi công đến đó. 

Cùng với đó, nhằm đảm bảo tiến độ thi công, kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng công trình và tỷ lệ giải ngân vốn đối với từng dự án; chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu cần nâng cao trách nhiệm trong tổ chức, giám sát, huy động nguồn lực, trang thiết bị máy móc kỹ thuật đẩy mạnh thi công các dự án. Các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, thực hiện mọi giải pháp có thể để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành các dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh. 

Chủ đầu tư cần cử cán bộ trực tiếp xuống hiện trường theo dõi, đôn đốc từng vị trí thi công và yêu cầu đơn vị nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết từng hạng mục theo từng tuần, báo cáo chủ đầu tư. Trong quá trình thi công, đối với những nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, phải có biện pháp bổ sung nhà thầu phụ, thay thế nhà thầu đáp ứng yêu cầu.

Văn Thông

Tags Yên Bái công trình dự án giải phóng mặt bằng

Các tin khác
Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục