Đánh thức tiềm năng du lịch hồ Thác Bà

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/8/2022 | 7:55:44 AM

YênBái - Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 đã mở ra cơ hội lớn để đưa Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế và là một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước.

Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng hồ Thác Bà phát triển sớm, khá sầm uất, nổi tiếng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội. Hồ Thác Bà có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thảm thực vật phong phú. Khu vực hồ Thác Bà còn là nơi hội tụ các giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực, lễ hội truyền thống và các phong tục, tập quán phong phú các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... 



Thời gian qua, hoạt động du lịch vùng hồ Thác Bà dựa trên việc khai thác các tiềm năng và lợi thế về giá trị cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa, bước đầu đã có những khởi sắc với lượng khách du lịch ngày một tăng. 

Trong đó, hai mô hình du lịch chủ yếu đang phát triển mạnh ở đây là khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung và mô hình du lịch cộng đồng cho thấy ưu thế đối với việc thu hút khách du lịch và khả năng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng. Việc khai thác di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ du lịch vùng hồ Thác Bà được thực hiện khá tốt thời gian vừa qua, chủ yếu thông qua hoạt động của các làng văn hóa truyền thống ven hồ, mang lại sự thích thú với nhiều du khách.

Tuy nhiên, hiện nay không gian văn hoá truyền thống có phần biến đổi, bản sắc văn hoá có chiều hướng bị mai một. Nhiều thôn, bản có tình trạng thanh, thiếu niên ít sử dụng trang phục truyền thống cũng như tiếng nói; chưa biết về các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình; mô hình du lịch cộng đồng trong vùng hiện còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ… 

Mặt khác, cơ sở vật chất thiếu, không đồng bộ, chưa có định hướng phát triển các lĩnh vực, phân khu phục vụ du lịch, nên du lịch hồ Thác Bà đến nay phát triển chưa đáp ứng được kỳ vọng của tỉnh, chưa tương xứng với tiềm năng.



Nhiều năm nay, Yên Bái đã có chủ trương khai thác tiềm năng, xây dựng vùng hồ Thác Bà thành vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay, du lịch vùng hồ Thác Bà vẫn chưa tạo sức bật lớn. 

Vùng hồ Thác Bà thực sự là viên ngọc quý. Để có thể khai thác hồ Thác Bà thành sản phẩm du lịch độc đáo, phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội địa phương một cách bền vững và hiệu quả trong tương lai rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành.

Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 đã mở ra cơ hội lớn để đưa Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế và là một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước.



Đến năm 2040, tích hợp đồng bộ, kết hợp giữa phát triển du lịch và phát triển đô thị, nông thôn bền vững trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao điều kiện sống của nhân dân trong vùng... 

Cùng với đó, cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư, định hướng các không gian phát triển du lịch cộng đồng, hệ thống các công trình hạ tầng xã hội, khu dân cư, làng nghề, khu vực sản xuất, khu vực cung cấp sản phẩm hàng hóa, lưu niệm đặc thù... phục vụ dân cư và phát triển du lịch; định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại phục vụ dân cư trong vùng và khách đến du lịch tại Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà… 

Đặc biệt, khai thác tối ưu tiềm năng và lợi thế của hồ Thác Bà như giá trị cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng núi, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị phi vật thể và văn hóa tín ngưỡng, giao thông thủy bộ... Qua đó, làm tiền đề để thu hút đầu tư xây dựng phát triển thương mại - du lịch xứng tầm cấp quốc gia.



Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với trọng điểm là phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) hồ Thác Bà, thời gian qua, huyện Yên Bình đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để phát triển không gian du lịch, các khu trung tâm động lực, góp phần đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Từ tiềm năng, lợi thế, Yên Bình đã phát triển thế mạnh du lịch, trong đó tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng (homestay). Đây là mô hình được thiết kế dựa trên những bản sắc văn hóa của người dân địa phương, từ những nếp nhà sàn đơn sơ mộc mạc với không gian mở giao hòa với thiên nhiên giúp du khách có cảm giác thư thái, dễ chịu và gần gũi. Tiêu biểu như homestay ở thôn Đồng Tý, Phúc An; Ngòi Tu, xã Vũ Linh; Ngòi Cụ, xã Yên Thành; Trung Tâm, xã Xuân Lai… 

Huyện khuyến khích phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá hồ Thác Bà, Nhà máy Thủy điện, du lịch tâm linh, nuôi trồng thủy sản trên hồ hay trải nghiệm vườn bưởi… Phát triển du lịch trên hồ Thác Bà, các công ty lữ hành, hiệp hội du lịch còn xây dựng các tour du lịch kết nối, gắn với tham quan hồ Thác, các di tích chùa, đình, đền, khám phá cảnh quan hồ Thác... 



Quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo tiền đề để Yên Bình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. 

Theo ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện: Thực hiện Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu DLQG hồ Thác Bà của Thủ tướng Chính phủ, huyện Yên Bình đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. 
Định hướng phát triển các khu trung tâm động lực phát triển Khu DLQG hồ Thác Bà có tổng diện tích 1.200 ha, bao gồm 4 trung tâm chính: Trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng; Trung tâm du lịch Linh Sơn - Cao Biền; Trung tâm Du lịch Phúc Ninh - Cảm Nhân; Trung tâm dịch vụ phụ trợ Tây Nam hồ Thác Bà. 

Huyện đã triển khai nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư khu vực ngoài Nhà nước, thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn như: Dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng An Bình trên khu vực hồ Thác Bà, xã Tân Hương của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương nghiệp; Dự án đầu tư xây dựng công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của Công ty cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà; Dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Thác Bà của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch hồ Thác Bà… 

Huyện cũng đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mời gọi, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp nhà đầu tư, nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát, để đầu tư vào địa bàn như các Tập đoàn: Sun Group, Anphanam, Flamingo... 



Yên Bình cũng quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, nước sạch đến từng hộ dân; 100% số xã, thôn có đường truyền Internet băng thông rộng, có điểm truy cập Internet, mạng lưới điện thoại phủ kín, thông tin liên lạc bảo đảm; tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá điểm đến vào các thị trường, mục tiêu phù hợp với đối tượng khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và xây dựng bộ chỉ số theo dõi phát triển du lịch bền vững tại Khu DLQG hồ Thác Bà… 

Đến nay, Yên Bình đã có 5 công ty, 1 chi hội du lịch, 2 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực du lịch, 2 tổ hợp tác du lịch, 26 mô hình du lịch cộng đồng, 38 cơ sở lưu trú, 3 sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng (1 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao).

Những kết quả đã đạt được sẽ là cơ sở để Yên Bình từng bước phát triển không gian du lịch. Tương lai gần, Khu DLQG hồ Thác Bà sẽ là điểm đến đáp ứng niềm kỳ vọng của du khách yêu mến cảnh quan thiên nhiên, sông nước hữu tình giữa núi rừng Tây Bắc, từng bước đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển.



Hồ Thác Bà - nơi được ví như "Hạ Long trên núi”, là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Hồ Thác Bà là sự kết hợp hoàn mỹ của thiên nhiên kỳ thú, là lợi thế, là "đặc sản” để huyện Yên Bình nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung phát triển đa dạng loại hình du lịch. 

Đặc biệt, Đồ án quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đang được hoàn thiện theo Quyết định số 234 ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ như "bệ phóng” để ngành "công nghiệp không khói” Yên Bái cất cánh mạnh mẽ.



Phong cảnh hữu tình, phong phú về nguồn lợi thủy sản, ven hồ là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với những nếp nhà sàn truyền thống. Đây là điểm đến khiến nhiều du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài thích thú. Nắm bắt được điều đó, người dân ven hồ đã nhanh chóng tận dụng và phát triển dịch vụ du lịch homestay để tăng thêm thu nhập và quảng bá nét văn hóa truyền thống. 

Có mặt tại Làng văn hóa Ngòi Tu, xã Vũ Linh trong những ngày giữa tháng 8, đoàn du khách từ Úc đã lựa chọn homestay của gia đình chị Lý Thị Sam Sung là nơi nghỉ chân. Ở đây, du khách nước ngoài không chỉ trầm trồ bởi cảnh quan thiên nhiên bình yên, mộc mạc mà còn ấn tượng bởi được trải nghiệm cuộc sống bản làng ven hồ Thác cùng những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Anh Leonard Artur hào hứng: "Tôi rất thích khi thăm cảnh hồ Thác bằng thuyền nan, tận hưởng không gian tươi xanh và xem người dân đánh bắt cá, tôm. Rồi chiều về được cùng bà con chế biến món ăn từ cá vừa đánh bắt dưới hồ rất tươi ngon, thưởng thức các tiết mục văn nghệ do người dân biểu diễn mộc mạc mà hấp dẫn. Trở về, tôi sẽ giới thiệu với bạn bè để mọi người biết và đến nơi này”.



Sở hữu nhiều tiềm năng phát triển cùng sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ khi Đồ án quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đang được hoàn thiện theo Quyết định số 234 ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu phát triển hồ Thác Bà trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá truyền thống và hệ sinh thái lòng hồ. Yên Bình đang đón "thời cơ vàng” trong phát triển du lịch. 

Để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, hình thành thương hiệu cho Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, cùng với những nỗ lực của tỉnh, huyện Yên Bình đặc biệt quan tâm tới khai thác hiệu quả những thắng cảnh mà thiên nhiên ưu đãi, thực hiện có hiệu quả các chính sách, đề án phát triển du lịch. 

Dựa trên lợi thế về cảnh quan mặt nước và bản sắc văn hóa của người dân vùng ven hồ, huyện đã và đang hình thành sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng cho du lịch hồ Thác Bà, xây dựng Đề án về phát triển du lịch cộng đồng vùng Đông hồ Thác Bà; đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động du lịch theo chiều sâu như: du lịch văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, homestay, vui chơi, giải trí, sinh thái tại các xã Đại Minh, Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai… 



Đồng thời, triển khai các hoạt động hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như: cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, bưởi Đại Minh, dưa hấu Xuân Lai; các sản phẩm đan lát làng nghề…; chú trọng tuyên truyền, khuyến khích, giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Cùng với đó, huyện tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư trong khảo sát, triển khai dự án du lịch nghỉ dưỡng trong khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà như: Dự án công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà; khu du lịch sinh thái; khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Thác Bà. 

Với tiềm năng và những giải pháp cụ thể cho từng bước đi, những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, huyện Yên Bình phấn đấu đến trước năm 2025, Khu du lịch hồ Thác Bà sẽ đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Khu du lịch quốc gia và trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế, với sản phẩm du lịch có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế trong tương lai không xa. 

Thành Trung - Minh Huyền - Thanh Chi
Ảnh: Thanh Miền - Thanh Chi - Minh Huyền và tư liệu Internet

Tags Yên Bái du lịch hồ Thác Bà du khách du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo dân ca dân vũ

Các tin khác
Qua 3 tháng thực hiện, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được khoảng 1,5 tỷ đồng.

Theo quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh muốn nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất 2% phải không có nợ xấu; có doanh thu, có tài sản đảm bảo mới được tiếp cận.

Một cơ sở chế biến quế tại xã Yên Hợp, huyện Văn Yên.

Quế là loài cây bản địa, cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, 1 kg vỏ quế tươi loại 1 có giá 28.000 - 32.000 đồng/kg, trung bình 1 ha rừng trồng quế khoảng 12-15 năm tuổi có giá trị từ 600 - 800 triệu đồng (chưa kể các khoản thu từ việc tỉa thưa, bán cành, lá từ năm thứ 3 trở đi). Nhờ thế, rừng quế tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân.

Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để cung ứng đủ xăng dầu.

Vải thiều Thanh Hà được bán tại siêu thị ở Paris (Pháp).

Từ vị trí là một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới, nông sản Việt Nam ngày càng khẳng định được thương hiệu nhờ nỗ lực định danh thương hiệu và đòn bẩy từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục