"Cánh đồng 45 triệu" ở Văn Yên: Không còn là mơ ước!
- Cập nhật: Thứ tư, 14/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trước đây không chỉ riêng huyện Văn Yên, mà nhiều địa phương khác trong tỉnh coi việc thâm canh đất ruộng để đạt giá trị 40 - 45 triệu đồng/ ha canh tác chỉ là mơ ước. Nhưng chỉ sau một năm thực hiện “Đề án thâm canh 1000 ha đất ruộng đạt giá trị 40 - 45 triệu đồng/ha/năm”, mơ ước ấy ở Văn Yên đã trở thành hiện thực.
Mô hình 2 vụ lúa + vụ rau đậu thực phẩm đã thực hiện ở 166ha, đạt giá trị trên năm 51 triệu đồng/ha. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Một sự thực không thể ngờ tới, đầu năm 2006 khi mà HĐND huyện ra nghị quyết chỉ nhằm thực hiện mục tiêu “Xây dựng xã có cánh đồng đạt giá trị thu nhập 35 triệu đồng/ha/năm trở lên” nằm trong chương trình “5 xoá - 10 xây” của huyện, kết quả đạt được đã nằm ngoài sự tưởng tượng. Cả 12 xã nằm trong vùng đề án thực hiện đạt 1.032,5 ha, vượt 32,5 ha; giá trị thu nhập bình quân/ha canh tác đạt 40 - 45 triệu đồng/ha/năm. Có 4 xã đạt giá trị 45 triệu đồng trở lên/ha canh tác, trong đó: Đại Phác thực hiện 100/130 ha đạt giá trị cao nhất 50,52 triệu đồng/ha/năm; thị trấn Mậu A có 50/60 ha canh tác, đạt 48,69 triệu đồng/ha.
Văn Yên đã thực hiện hiệu quả hai công thức tăng vụ; trong đó công thức 1 làm 2 vụ lúa + ngô đông với diện tích 80,50 ha đã đạt giá trị thu nhập trung bình 42,38 triệu đồng/ha. Với công thức 2 làm 2 vụ lúa + rau màu vụ đông, huyện đã tiến hành theo ba mô hình. Mô hình thứ nhất làm 2 vụ lúa + rau đậu thực phẩm ở 166 ha, đạt giá trị 51,23 triệu đồng/ha. Mô hình thứ 2 làm 2 vụ lúa + khoai tây trên diện tích 14 ha cho thu nhập 52,9 triệu đồng/ha. Mô hình thứ 3 làm 2 vụ lúa + bí xanh đông cho giá trị thu nhập tới 61 - 71 triệu đồng/ha.
Qua thực nghiệm cho thấy, giá trị sản lượng bình quân 2 vụ lúa trong vùng thực hiện đề án của Văn Yên đã đạt 31,8 triệu đồng/ha/năm; trong đó lúa lai năng suất cao đạt 29,46 triệu đồng/ha, chiếm tỷ trọng 77%; lúa thuần chất lượng cao đạt 36,46 triệu đồng/ha, vượt 7 triệu đồng/ha so với lúa lai chiếm tỷ trọng 23%. Ngô đông năng suất đạt 36,53 tạ/ha, đạt giá trị 10,96 triệu đồng/ha. Giá trị cây màu khá khả quan, rau đậu vụ đông trong vùng thâm canh đạt giá trị 20 triệu/ha; khoai tây đạt 22 triệu/ha dự kiến cho năng suất 10 tấn/ha. Bí xanh đang được coi là cây làm vụ đông cho giá trị hàng hoá cao đạt tới 30 - 40 triệu đồng/ha. Mặc dù vậy, cây bí xanh này cũng cần tính tới nhu cầu thị trường và đầu ra cho sản phẩm; nếu cung vượt quá cầu sẽ dễ dẫn tới thất bát cho nông dân.
Năm 2007, Văn Yên sẽ nâng năng suất ngô đông lên 40 tạ/ha. (Ảnh: Nguyễn Giang) |
Quan trọng hơn cả là qua thực hiện đề án, Văn Yên đã tạo được phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Bên cạnh các mục tiêu đạt được, một số mô hình chuyển đổi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giống, cây, con mới có giá trị kinh tế cao đã được xây dựng làm cơ sở chỉ đạo và mô hình tuyên truyền mở rộng sản xuất. Điển hình là mô hình 2 vụ lúa và 1 vụ bí xanh vụ đông ở các xã Đông An, Ngòi A cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng/ha hay mô hình chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang nuôi cá chép lai, rô phi đơn tính cho thu nhập 40 - 45 triệu đồng/năm ở thị trấn Mậu A và xã Tân Hợp.
Đánh giá kết quả thực hiện đề án cho thấy, cùng với thời tiết vụ đông thuận lợi, đặc biệt giá lúa, ngô vụ mùa tăng; nguyên nhân cơ bản giúp Văn Yên đạt được kết quả trên là do quá trình triển khai thực hiện có sự lãnh, chỉ đạo sâu sát cụ thể và cương quyết của huyện uỷ, HĐND, UBND huyện. Các cấp, ngành trong huyện và cơ sở xã đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo thực hiện; kế hoạch và các biện pháp sản xuất được xây dựng phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh và huyện có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất như: trợ giá giống ngô, lúa kỹ thuật, hỗ trợ giống cá chuyển đổi ruộng nước kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản đã động viên, tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng các giống mới vào thâm canh tăng vụ.
Cũng qua thực hiện đề án, Văn Yên đã chỉ ra được những tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, một số địa phương do chưa chỉ đạo cương quyết, sát sao nên thực hiện không đạt chỉ tiêu diện tích được giao. Vẫn còn ngành, đoàn thể chưa xây dựng được phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng xây dựng cánh đồng 40 - 45 triệu đồng/ha trong đoàn viên, hội viên của tổ chức mình. Còn những hộ dân mang nặng tư tưởng trông chờ vào sự bao cấp chưa mạnh dạn vươn lên làm giàu trên chính đồng ruộng quê mình. Không những vậy vẫn còn địa phương chưa tích cực thâm canh tăng năng suất lúa, ngô và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nên năng suất ngô đông thấp chưa đạt bình quân 40 tạ/ha, lúa lai chưa đạt 110 tạ/ha/năm. Một tồn tại lớn nữa là hiện tỷ lệ lúa lai của huyện đang chiếm tới 77%; trong khi giá trị thu nhập của lúa thuần chất lượng cao, cao hơn lúa lai trung bình 7 triệu đồng/ha/ năm. Vì vậy, nếu Văn Yên cấy tỷ lệ lúa thuần lên 50 - 60% sẽ đưa giá trị thu nhập lên từ 3 - đến 3,5 triệu đồng/ha cộng với làm ngô và rau, màu vụ đông sẽ nâng giá trị canh tác lên từ 47 tới 47,5 triệu đồng/ha/năm.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao trong sản xuất lúa và cây vụ đông; năm 2007 này, Văn Yên đề ra mục tiêu thực hiện thâm canh ổn định vững chắc 1.000 ha ruộng, đạt 45 triệu đồng trở lên/ha với các giải pháp cơ bản là tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất và giá trị cây trồng trong các công thức luân canh tăng vụ; nâng tỷ lệ lúa thuần chất lượng cao lên 50% và đạt năng suất 90 tạ/ha cả năm; giảm tỷ lệ lúa lai xuống 50% bằng giống chất lượng cao, đạt năng suất 110 tạ/ha; tăng năng suất ngô đông lên 40 tạ/ha và mở rộng diện tích rau màu vụ đông bằng khoai tây, bí xanh, rau an toàn là những cây có giá trị hàng hoá cao.
Với các giải pháp như: làm tốt công tác xây dựng qui hoạch, kế hoạch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thật cho nông dân tới tận thôn bản, có chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, Văn Yên đang quyết tâm nâng cao thu nhập trên một ha canh tác, góp phần đưa mức tăng trưởng kinh tế của huyện đạt mức cao nhất.
Minh Đức
Các tin khác
YBĐT - Hai cơn mưa lớn vào cuối tháng hai, "Thật đúng là cơn mưa vàng" đối với huyện Văn Yên. Bởi vì nhờ có hai cơn mưa này mà 30 ha ruộng hạn đều được cấy hết chứ không phải chuyển sang trồng màu" - anh Trịnh Huỳnh Yên - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên phấn khởi nói với chúng tôi. Vụ xuân này, huyện Văn Yên gieo cấy 2.645,5 ha.
YBĐT - Vào cuối năm 2006, Công ty cổ phần Yên Sơn và Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái đã đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC). Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi tham gia, giá cổ phiếu của 2 công ty này đã được thị trường định giá gấp 4 - 5 lần mệnh giá ban đầu.
YBĐT - Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007 đã đi qua trong không khí phấn khởi, an toàn và lành mạnh. Lực lượng quản lý thị trường vơi đi những lo toan, mệt mỏi sau những ngày làm việc cao điểm.
YBĐT - Đã thành thông lệ, cứ sau tết Nguyên đán, các lâm trường, trường học, các tổ chức xã hội và bà con nhân dân các dân tộc Yên Bái lại lên đồi trồng cây, trồng rừng. Năm 2007 này cũng vậy, mới ngày mồng 5 tết khi trên các đường phố, vùng miền khác người dân vẫn còn đi du xuân thì nhà nông Yên Bái đã đồng loạt ra quân trồng rừng vụ xuân.