Trồng rừng vụ xuân bên sườn núi Cao Biền

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau những ngày đỏng đảnh của thời tiết, nắng nóng đến gai người, trời đã đổ mưa xuân, cộng với tiết trời ấm áp khiến cây cối đâm chồi, nảy lộc, khoác lên núi đồi, đường phố một màu xanh non tươi trẻ. Từ ngã ba Cát Lem, qua Đại Minh, Hán Đà thơm ngát mùi hương hoa bưởi chúng tôi đến Công ty Lâm nghiệp Thác Bà thuộc huyện Yên Bình để hoà mình vào không khí lao động khẩn trương của những người công nhân lao động đang thi đua trồng cây gây rừng, thực hiện kế hoạch năm 2007.

Công nhân Đội sản xuất Cao Biền - Công ty Lâm nghiệp Thác Bà làm đất trồng cây vụ xuân. (Ảnh: Đức Thành)
Công nhân Đội sản xuất Cao Biền - Công ty Lâm nghiệp Thác Bà làm đất trồng cây vụ xuân. (Ảnh: Đức Thành)

Trụ sở Công ty Lâm nghiệp Thác Bà khá khang trang, nằm ngay dưới chân núi Mèn đã được phủ kín bằng các giống cây bạch đàn mô và keo lai. Kỹ sư Vương Quốc Đạt đón chúng tôi ngay tại tiền sảnh. Vẫn phong cách trẻ trung, dễ mến, sau cái bắt tay nồng ấm, Giám đốc Đạt vui vẻ báo tin: “Năm 2006 vừa qua, Công ty hoàn thành toàn diện mục tiêu sản xuất kinh doanh trong đó: trồng rừng kinh tế 200 ha, chăm sóc và bảo vệ hơn 1200 ha rừng kinh tế, gần 2000 ha rừng phòng hộ, bảo vệ an toàn 671 ha rừng tự nhiên, khai thác và tiêu thụ gần 9 nghìn m3 gỗ các loại. Đời sống cán bộ công nhân viên tiếp tục được cải thiện với thu nhập bình quân 950 nghìn đồng/người/tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 triệu đồng”.

Anh Đạt nhấn mạnh thêm: “Những thành tựu đạt được của đơn vị chưa thật sự cao, nhưng đó cũng là điều hết sức đáng mừng. Bởi lẽ, đơn vị mới chuyển đổi mô hình từ lâm trường quốc doanh sang công ty lâm nghiệp; tình hình buôn bán, vận chuyển gỗ ngày càng phức tạp nên công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng khó khăn và cái khó nhất là 3 năm qua không được vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng rừng, thời vụ đến gần, thiếu vốn Công ty phải chạy đôn, chạy đáo vay ở các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác với mức lãi suất cao để đầu tư”.

Những ngày này, cả Công ty đang tập trung vào nhiệm vụ trồng 200 ha rừng trong kế hoạch trồng 270 ha của năm 2007. Trên cơ sở diện tích đã khai thác của năm 2006, Phòng Kế hoạch – kỹ thuật đã lập hồ sơ, dự toán và chỉ đạo 5 đội sản xuất của Công ty bố trí lực lượng chuẩn bị cây giống (với hai loại cây trồng chính là keo lai và bạch đàn mô), phát đốt dọn và bổ hố, bỏ phân NPK đúng quy cách, ngay khi có mưa là tập trung trồng ngay, đảm bảo thời gian, diện tích và tỷ lệ cây sống.

Cùng với anh Trần Đức Tuấn - Đội trưởng Đội sản xuất Cao Biền đi trên những sườn đồi thuộc hai xã Vĩnh Kiên và Vũ Linh, ngắm nhìn những đồi keo, bạch đàn của Công ty được trồng theo hàng, cây nào cũng vươn cao, thẳng tắp như bó đũa. Cây trồng được 4 năm mà gốc đã to hơn bắp đùi, búp non tua tủa xanh nõn nà. Xen lẫn những đồi cây là những mảnh nương đã và đang được chuẩn bị đất để đưa cây vào một chu kỳ mới.

Đội trưởng Tuấn người nhỏ nhắn mà leo đồi cứ thoăn thoắt. Câu chuyện mà anh nói tập trung nhiều đến đời sống của mọi người trong đội; có lẽ đây là điều mà người đội trưởng tâm huyết với nghề rừng này thấy phấn khởi: “Không vui sao được, 17 anh chị em trong đội đều chịu thương, chịu khó, công lao động mỗi ngày được vài chục nghìn, nhà ai cũng có đồi, có rừng, có nhà cửa đàng hoàng, có xe máy, con cái được học hành”.

Trong tổng số 160 ha đất mà Công ty giao cho Đội sản xuất và quản lý, năm 2007 này có 10 ha phải trồng mới. Đây là nhiệm vụ không phải là lớn vì đó là nhiệm vụ thường xuyên (năm nào Đội cũng khai thác và trồng mới từ 10 đến 15 ha rừng), toàn bộ diện tích đồi rừng của đơn vị đã được Lâm trường trước đây và Công ty ngày nay đầu tư làm đường giao thông đến tận chân lô nên việc vận chuyển phân bón, cây giống và khai thác gỗ đã rất thuận lợi. Tuy vậy vụ trồng rừng này không phải là không có khó khăn, đặc biệt là tình trạng hạn hán kéo dài. Không có mưa, thời điểm trồng rừng đã lùi lại một tháng vậy mà sau tết Nguyên đán trời vẫn khô hạn, mưa phùn không đủ làm ẩm đất, nên tiến độ làm đất giảm đáng kể do đất cứng khó cuốc và đưa cây non xuống cũng không thật sự đảm bảo, 3 ha đã trồng phải tiến hành dặm lại rất nhiều mới đảm bảo mật độ. Vừa qua, anh em còn phải gánh nước tưới để cứu cây non. Trời đã mưa nặng hạt hơn cũng là lúc 9/10 ha đất đã được bổ hố, 1,8 vạn cây giống chất lượng tốt đã được chuẩn bị, những thửa đất cuối cùng đang được đào hố và toàn đội quyết tâm trồng xong 10 ha rừng trong tháng 3 năm 2007.

Tại gò Pháo, xã Vĩnh Kiên anh chị công nhân trong đội Cao Biền đang đào những hố đất cuối cùng. Mồ hôi đã ướt đầm lưng áo, từng hố đất hiện lên sau những nhát cuốc chắc khoẻ, Chị Trần Minh Thuận đã là thế hệ thứ hai gắn bó với Lâm trường, với Công ty, tâm sự: “Tháng 3 vừa là Tháng thanh niên, vừa có ngày phụ nữ, tôi vừa là phụ nữ vừa là thanh niên nên cuốc khoẻ. Nói vui vậy thôi, chúng tôi là công nhân nên phải gắn bó với đơn vị, Công ty phát triển, đời sống của mình sẽ được nâng lên. Vụ này hạn hán nên mỗi người cố gắng khắc phục một tý để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch”.

Câu chuyện giữa chúng tôi với chị Thuận bị gián đoạn vì một chiếc xe công nông đã theo con đường nhỏ, chở đầy những túi cây bạch đàn mô đến chân gò Pháo, anh chị em công nhân ùa lại, nhanh nhẹn chuyển từng túi, từng túi cây xuống ven nương. Cây non được rạch bầu và trồng xuống những hố đất vuông vắn, chồi non khẽ lay động trong gió xuân, đợi mưa xuống là bén rễ.

Minh Thuận và các anh chị công nhân miệng vui, chân chạy, đôi bàn tay nhẹ nhàng đặt từng cây giống, tiếng cười nói rộn vang một góc núi. Tôi phóng tầm mắt ngắm nhìn ngọn núi Cao Biền cao vời vợi đã được phủ kín bằng những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hẳn ông Cao Biền trong chuyện cổ tích xửa xưa sẽ rất vui và tự hào, vì  quê hương này đã có những con người chịu đựng gian khó, đoàn kết vươn lên ươm trồng những mầm xanh no ấm cho quê hương, đất nước.

Lê Phiên

Các tin khác
Nông dân huyện Trấn Yên làm đất ươm chè để phục vụ cho nhu cầu trồng chè niên vụ 2007.

YBĐT - Sản xuất kinh doanh chè năm 2006 đã khép lại, đánh dấu một năm thành công trên tất cả các phương diện. Không vui sao được khi năng suất chè đã đạt bình quân 62 tạ/ha, trồng mới, trồng cải tạo 635 ha, thị trường tiêu thụ khá ổn định, các doanh nghiệp đều tìm được đối tác tiêu thụ sản phẩm. Giá trị thu được từ chè đạt trên 220 tỷ đồng, người làm chè phấn khởi tự tin cuộc sống dư giả.


Mô hình 2 vụ lúa  + vụ rau đậu thực phẩm đã thực hiện ở 166ha, đạt giá trị trên năm 51 triệu đồng/ha. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Trước đây không chỉ riêng huyện Văn Yên, mà nhiều địa phương khác trong tỉnh coi việc thâm canh đất ruộng để đạt giá trị 40 - 45 triệu đồng/ ha canh tác chỉ là mơ ước. Nhưng chỉ sau một năm thực hiện “Đề án thâm canh 1000 ha đất ruộng đạt giá trị 40 - 45 triệu đồng/ha/năm”, mơ ước ấy ở Văn Yên đã trở thành hiện thực.

Ảnh minh họa.

YBĐT - Hai cơn mưa lớn vào cuối tháng hai, "Thật đúng là cơn mưa vàng" đối với huyện Văn Yên. Bởi vì nhờ có hai cơn mưa này mà 30 ha ruộng hạn đều được cấy hết chứ không phải chuyển sang trồng màu" - anh Trịnh Huỳnh Yên - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên phấn khởi nói với chúng tôi. Vụ xuân này, huyện Văn Yên gieo cấy 2.645,5 ha.

Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Nhà máy Xi măng Yên Bái.(Ảnh: Nguyễn Giang)

YBĐT - Vào cuối năm 2006, Công ty cổ phần Yên Sơn và Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái đã đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC). Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi tham gia, giá cổ phiếu của 2 công ty này đã được thị trường định giá gấp 4 - 5 lần mệnh giá ban đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục