Nghĩa Lợi thực hiện giảm nghèo nhanh có hiệu quả
- Cập nhật: Thứ tư, 28/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) có diện tích tự nhiên 366,2 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 139,33 ha; dân số có 724 hộ dân, 3.449 nhân khẩu sinh sống trong 10 thôn và có 6 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 86%. Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều, ngành nghề phụ chưa phát triển... Thu nhập của bà con chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, do vậy năm 2005 toàn xã có 618hộ nghèo trên tổng số 659 hộ, chiếm 88,92% và đây là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thị xã Nghĩa Lộ.
Trước thực trạng trên, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh, chỉ đạo để tìm ra các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 20 - 25%. Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, từ các đơn vị, cơ quan tạo điều kiện giúp đỡ để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh theo nghị quyết của HĐND thị xã cho xã Nghĩa Lợi. Việc thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh có hiệu quả đã được xã đưa vào nghị quyết Đảng ủy, HĐND, trên cơ sở đó phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo cũng như các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.Ông Hoàng Văn Siếng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Một trong những giải pháp để thực hiện tốt chương trình giảm nghèo nhanh có hiệu quả trên địa bàn xã là tổ chức công tác tuyên truyền cho nhân dân về chương trình xóa đói, giảm nghèo. Việc xóa nghèo có nhanh hay không chủ yếu do nội lực của người dân là chính.
Hiện nay trên địa bàn xã, trình độ dân trí không đồng đều, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông lâm nghiệp chưa được tốt nên xã đã tập trung mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu từ một số diện tích lúa sang cá có thâm canh, tăng thêm thu nhập của người dân, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, khai hết các tiềm năng thế mạnh của địa phương như: chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải quyết việc làm tăng thu nhập có hiệu quả.
Xã còn tích cực vận động số lao động dôi dư tham gia lao động xuất khẩu ở nước ngoài, ở trong và ngoài tỉnh được hơn 150 người. Đồng thời, cung ứng nhân lực tham gia lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã cho trên 100 lao động và mức thu nhập của các lao động này đạt từ 600 đến 800 nghìn đồng/tháng; thường xuyên kiểm tra các hộ gia đình sử dụng vốn vay, đầu tư giúp đỡ các hộ gia đình, các thôn bản để thoát nghèo...
Trong năm 2006, xã cũng đã thực hiện lồng ghép các chương trình vào công tác xóa đói giảm nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tạo điều kiện cho các hội vay vốn phát triển kinh tế gia đình, vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi với tổng số 3,983 tỷ đồng. Ngoài ra, từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia như: chương trình vệ sinh môi trường xã đã tổ chức chỉ đạo triển khai tới 4 thôn bản với tổng số tiền 301 triệu đồng cho 142 hộ gia đình; chương trình nước sạch được đầu tư 475 triệu đồng cho 108 hộ gia đình ở 2 bản được sử dụng nước máy; Chương trình 134 với tổng vốn 87.9 triệu đồng hỗ trợ cho 293 hộ nghèo xây giếng, làm bể nước...
Từ sự đầu tư đó năm 2006 đã có 241 hộ vượt nghèo. Hiện nay toàn xã còn 394 hộ nghèo, trong đó có 17 hộ mới phát sinh. Tuy nhiên, trong số hộ thoát nghèo có khoảng 20% số hộ chưa thoát nghèo bền vững và có nguy cơ tái nghèo vì nguồn thu nhập và việc làm thiếu không ổn định, chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa.
Để duy trì và giữ vững những hộ đã thoát nghèo tránh tái nghèo, đồng thời khảo sát đánh giá xét giảm nghèo hàng năm 20 - 25% và thoát nghèo bền vững trong những năm tiếp theo, Đảng ủy và chính quyền xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể và vận động quần chúng, nhân dân vận động xây dựng các quỹ để ủng hộ các hộ nghèo, trước hết tập trung chỉ đạo xóa nhà dột nát, tổ chức triển khai hiệu quả xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm tại các nhà máy xí nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, chú trọng khai thác vật liệu cát sỏi, vận động nhân dân tăng cường phát triển kinh tế gia đình như: trồng trọt, chăn nuôi và các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát tăng thu nhập, có việc làm ổn định
Mỗi đoàn thể xây dựng kế hoạch phù hợp để vận động hội viên tham gia xây dựng quỹ hội giúp đỡ những hội viên thuộc diện đói nghèo; tiếp tục vận động quần chúng nhân dân và các dòng họ giúp đỡ bằng nhân lực, ngày công, vật liệu, tiền mặt và các chương trình dự án của Đảng và Nhà nước trong việc xóa đói giảm nghèo, tiến tới thoát nghèo và thoát nghèo bền vững trên địa bàn xã, góp phần vào việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của thị xã có hiệu quả và thiết thực đối với người dân.
Nguyễn Đức Phương
Các tin khác
YBĐT - Trồng và phát triển rừng đã trở thành phong trào rộng khắp đối với bà con nông dân huyện Văn Yên. Kinh tế đồi rừng đã và đang trở thành một nghề để tăng thu nhập cứ mỗi độ xuân về, người dân Văn Yên lại hăng hái lên đồi cuốc hố trồng cây. Chỉ sau hai tháng đầu năm bà con đã trồng được trên 1.670 ha rừng.
YBĐT - Huyện Trấn Yên hiện có trên 2500 ha chè, trong đó có 2300 ha chè kinh doanh. Cũng giống như nhiều huyện, thị khác trong tỉnh, diện tích chè của Trấn Yên được trồng chủ yếu bằng giống chè trung du. Một số diện tích đã trồng cách đây 30 - 40 năm nay đã già cỗi và cho năng suất thấp.
YBĐT - Đến trung tuần tháng 3/2007, ngành thuế đã thu thuế môn bài đạt 2,5 tỷ đồng, bằng 86% dự toán quí I và bằng 68% dự toán cả năm.
YBĐT - Vụ chiêm xuân năm 2006-2007, theo kế hoạch, huyện Yên Bình được giao trồng 2.005 ha lúa trong đó có 80% lúa lai, 15% lúa thuần và lúa chất lượng cao. Tính đến thời điểm này, toàn bộ diện tích đã gieo cấy xong.