Suối Bu chuyển đổi cơ cấu cây trồng

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/9/2024 | 7:41:38 AM

YênBái - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ quan trọng để địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân đồng thời, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đã nỗ lực đưa các loại cây trồng mới vào canh tác, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt theo chủ trương này.

Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu Sùng Thị Xía (ngoài cùng bên trái) trao đổi với người dân về kỹ thuật chăm sóc chè Shan.
Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu Sùng Thị Xía (ngoài cùng bên trái) trao đổi với người dân về kỹ thuật chăm sóc chè Shan.


Năm 2021, gia đình chị Vàng Thị Xinh ở thôn Bu Cao trồng thử nghiệm 200 cây na Thái Lan và Đài Loan do dự án của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật - Thông tin khoa học và công nghệ tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ. Đây là dự án nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm cho địa phương. 

Tham gia dự án này, gia đình chị Xinh được hỗ trợ cây giống, phân bón và được các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 3 năm, na cho thu hoạch, vụ đầu tiên thu hơn 60 kg, giá bán từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, thu gần 5 triệu đồng. 

Chị Xinh cho biết: "So với cây ngô, cây sắn, na dễ trồng và sinh trưởng tốt, phù hợp với đồng đất, là giống na ghép nên chỉ 3 năm đã cho thu hoạch. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đợt mưa lũ cơn bão số 3 vừa qua, hơn một nửa diện tích bị sạt lở, cây gãy cành. Hiện nay, gia đình tôi đang khôi phục cải tạo lại diện tích để tiếp tục phát triển kinh tế”. 

Gia đình anh Vàng A Sếnh thôn Bu Cao cũng tham gia dự án trồng na từ năm 2021 với 150 gốc na ban đầu, hiện cây cao khoảng 2 mét, tán rộng (vụ quả năm 2023 anh thu về hơn 1 tạ). 

Anh Sếnh cho biết: "Tôi được cán bộ khuyến nông hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên nên cũng dần quen kỹ thuật chăm sóc. Bên cạnh phân bón được hỗ trợ, tôi còn bón thêm phân chuồng ủ hoại mục để tạo độ tơi xốp cho đất và sinh trưởng cho cây”. Từ 18 hộ dân trồng thử nghiệm năm 2021, đến nay, toàn xã phát triển gần 12 ha, vụ quả bói năm 2023 đạt gần 1 tấn/ha.  

Ở thôn Ba Cầu, năm 2008, anh Sùng A Dê - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đưa vào trồng thử nghiệm cây măng tre Bát độ. Ban đầu chỉ trồng thử nghiệm 200 gốc, đến nay, anh A Dê vận động người dân trồng được hơn 19.000 gốc giống trên diện tích 35 ha tại các thôn: Ba Cầu, Bu Cao, Làng Hua. 

Hiện nay, 5 ha tre măng Bát độ đã cho thu hoạch khoảng 20 tấn/vụ, giá trị kinh tế hơn 100 triệu đồng. Giá măng cao và ổn định khoảng trên dưới 6.000 đồng/kg khiến người dân rất phấn khởi, càng có động lực để chăm sóc cũng như nhân rộng diện tích. Ngoài cây na, măng tre Bát độ, xã cũng phát triển được gần 80 ha chè Shan, trên 70 ha ngô đồi 2 vụ/năm. 

Bà Chu Thị Huế - Chủ tịch UBND xã Suối Bu cho biết: "Với đặc thù là xã đặc biệt khó khăn, việc chuyển đổi, đa dạng tập đoàn cây trồng rất cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Căn cứ trên điều kiện thực tế của từng thôn, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo khảo sát, đánh giá khí hậu, thổ nhưỡng để đưa các loại cây trồng phù hợp để quy hoạch theo từng vùng hợp lý”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã Suối Bu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn xã năm 2023 xuống còn 42%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39 triệu đồng/năm. Xã phấn đấu đến hết năm 2024 giảm 85 hộ nghèo, tương đương tỷ lệ hộ nghèo còn 39%, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.

Thanh Tân

Tags Suối Bu Văn Chấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Các tin khác
Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái.

Thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, ngành phát động, triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, giúp người tiêu dùng dần thay đổi thói quen và tin dùng hàng Việt nhiều hơn.

Viên chức Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn (bên trái) trao đổi với người dân về cách phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô.

Sau gần 10 năm thi hành, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (BV&KDTV) đã đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất, tạo cơ sở pháp lý, có ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Người dân xã Bình Thuận san gạt nền đường để bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2022, cấp ủy, chính quyền xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn tiếp tục huy động nguồn lực hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, vận động nhân dân mở mang, đa dạng hóa hình thức phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để giữ vững và nâng cao các tiêu chí xã NTM.

CCB Nguyễn Thị Năng (đứng giữa) giới thiệu quy trình sản xuất phân viên nén dúi sâu với lãnh đạo Hội CCB huyện Lục Yên.

Những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã trở thành một phong trào lớn trong Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp trên địa bàn huyện Lục Yên, trở thành động lực thôi thúc các CCB vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục