Lục Yên: Không còn "điểm nóng" phá rừng
- Cập nhật: Thứ năm, 23/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Huyện Lục Yên (Yên Bái) có diện tích rừng khá rộng lớn và cũng một thời là điểm nóng trong chặt phá, khai thác rừng, nhất là rừng tự nhiên.Với diện tích trên 50 ngàn ha rừng, trong đó có 32.089 ha rừng tự nhiên, 20.600 ha rừng trồng nhưng có lẽ không còn ngọn núi cao nào, cánh rừng nào là lâm tặc không đặt chân tới.
Rừng sồi nguyên sinh ở Khai Trung (Lục Yên)
|
Nhiều khu rừng tự nhiên ở Khánh Thiện, Mai Sơn, Trúc Lâu, Lâm Thượng, Khai Trung và các xã dọc tuyến đường quốc lộ 70 luôn bị khai thác, chặt phá nghiêm trọng. Số vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện và xử lý ngày một gia tăng và mức độ vi phạm cũng phức tạp hơn. Trước thực trạng đó, huyện Lục Yên, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng (BVR), phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR).
Huyện yêu cầu UBND các xã phải vào cuộc để bảo vệ và phát triển vốn rừng, xã nào để xảy ra tình trạng khai thác chặt phá rừng thì bí thư, chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác xây dựng và thực hiện quy ước BVR trong cộng đồng dân cư. Việc xây dựng quy ước BVR phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, thôn, bản và thể chế hoá Luật Bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao chất lượng khoán và bảo vệ rừng tới hộ, nhóm hộ dân.
Hàng năm lực lượng kiểm lâm tiến hành nghiệm thu chất lượng BVR, hộ, nhóm hộ bảo vệ có chất lượng rừng tốt mới chi trả tiền công theo quy định. Qua đó chất lượng rừng được giao khoán, bảo vệ đã được nâng lên rõ rệt, cùng với trách nhiệm người dân được nhận BVR tốt hơn. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý khai thác vận chuyển chế biến, tiêu thụ lâm sản trên địa bàn. Hình thành ba cụm BVR là: cụm xã Minh Tiến, xã Trung Tâm và trên tuyến quốc lộ 70, mỗi lãnh đạo của Hạt Kiểm lâm phụ trách một cụm.
Với tổng số 16 cán bộ kiểm lâm mà diện tích rừng rộng nằm ở trên địa bàn 24 xã và thị trấn, do vậy lực lượng kiểm lâm luôn phải bám cơ sở. Vào các ngày làm việc, đến Hạt kiểm lâm huyện thường chỉ thấy duy nhất một lãnh đạo và cán bộ văn phòng trực còn kiểm lâm viên, lãnh đạo "nằm vùng" ở các xã, thôn bản.
Không chỉ có kiểm lâm mà vào những dịp cao điểm chặt phá, khai thác rừng cả chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện cùng các ngành chuyên môn cũng thường xuyên đi kiểm tra tại cơ sở về công tác BVR. Bằng những việc làm và giải pháp cụ thể việc chặt phá, khai thác rừng ở Lục Yên đã giảm rõ rệt. Việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép chỉ còn diễn ra nhỏ lẻ, đã xoá được những "điểm nóng" về khai thác rừng trái phép.
Cụ thể năm 2006, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 60 vụ vi phạm lâm luật giảm 2 vụ so năm 2005, nhưng 7 tháng đầu năm 2007 mới phát hiện xử lý 21 vụ giảm 16 vụ. Năm 2007 nhiều địa phương khác đang "nóng" về tình trạng xâm chiếm đất đai sau rà soát, phân loại rừng và chuyển đổi các nông-lâm trường thì Lục Yên không để xảy ra tình trạng này.
Không chỉ có vậy, ý thức bảo vệ, quản lý rừng ở các cấp cơ sở cũng được nâng lên, nhất là ý thức của đồng bào dân tộc ít người ở các xã như: Lâm Thượng, Khai Trung, Khánh Thiện... Trước đây họ lấy khai thác chặt phá rừng là chính, thì nay cũng đã biết bảo vệ, trồng và tu bổ rừng. Trong hầu hết các vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện thì có quá nửa số vụ là do người dân phát giác và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng xử lý.
Bài học rút ra từ kết quả của công tác BVR là, muốn hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép thì kiểm lâm phải làm tốt công tác dân vận, bám rừng, bám nhân dân; chính quyền cơ sở xã thực hiện tốt Quyết định số 245 của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, tạo ra ý thức "nhập cuộc" của mỗi người dân trong công tác bảo vệ rừng.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có diện tích tự nhiên 858,9 ha, ngoài diện tích đất trồng lúa nước 210 ha và diện tích thổ cư, còn lại 280 ha là đất sông suối, đồi núi và riêng diện tích có thể trồng rừng là 230 ha.
YBĐT - Cuộc sống của người Làng Nhì thay đổi từ khi có đường. Gạo, dầu, tấm lợp và những hàng hóa thiết yếu đã đến với người vùng cao dễ dàng hơn. Những sản phẩm của bà con vùng cao được trao đổi với bên ngoài thuận tiện. Quan trọng hơn, có đường Làng Nhì không còn cách biệt với bên ngoài, vì vậy tư duy và nhận thức của người dân đã có sự thay đổi căn bản.
YBĐT - Sau 3 năm tổ chức Chương trình Du lịch về cội nguồn hợp tác giữa 3 tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ đã thu hút trên 10 triệu lượt du khách. Trong đó, ngành du lịch Yên Bái đã đón và phục vụ trên 380 nghìn lượt khách với doanh thu 115 tỷ đồng.
YBĐT - Để xây dựng mô hình thâm canh lúa lai cải tiến đạt giá trị kinh tế 50 triệu đồng/ha/năm, vụ mùa năm nay, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã đưa bốn giống lúa lai có năng suất chất lượng cao là giống SYN6, Nghi Hương 2308, Tiên ưu 95, N.ưu 69, Nhị ưu 838 vào gieo cấy thử nghiệm theo mô hình cải tiến, với diện tích 5 ha giao cho 42 hộ dân tại thôn Trung Tâm, xã An Thịnh trồng thí điểm.