Sản xuất kinh doanh chè ở Yên Bái:

Gió đã yên, sóng đã lặng !

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Là tỉnh có "truyền thống" trong sản xuất, kinh doanh chè, nhưng có lẽ chưa năm nào các nhà sản xuất, chế biến chè ở Yên Bái được "thuận buồm, xuôi gió". Năm thì mất mùa chè, tranh giành nguyên liệu, năm thì khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá nguyên liệu rẻ như cho, lúc lại không có cho chế biến khiến các nhà máy, doanh nghiệp lao đao, khốn khó.

Được mùa chè. (Ảnh Quang Tuấn)
Được mùa chè. (Ảnh Quang Tuấn)

Đầu vụ chè 2007 này cũng vậy, các cơ sở chế biến gặp phải "cơn lốc" chè vàng, đã có doanh nghiệp tưởng như không trụ nổi! Bước sang tháng 7 đầu tháng 8, "cơn lốc" chè vàng đã "hạ nhiệt", các doanh nghiệp mới đi vào sản xuất ổn định trở lại.

Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè lại hối hả đi vào sản xuất, chế biến chè. Sau hơn hai tháng, sự "vùng vẫy" của "cơn lốc" chè vàng đã đẩy giá nguyên liệu lên cao, bình quân 4.500-5.000 đồng/kg búp nguyên liệu. Cùng với đó là sự bung ra hàng loạt các lò chế biến "chè vàng" theo phương thức thủ công làm cho thị trường chè rối như "canh hẹ". Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở chế biến không thể mua nổi nguyên liệu mà có đi chăng nữa thì cũng không dám mua với giá cao như vậy.

Nhiều doanh nghiệp lao đao, khốn khó, ngay cả vùng nguyên liệu của mình cũng không thể giữ nổi, bởi sự chênh lệch giá. Công nhân trong nhà máy thu hái song tuồn một lượng lớn ra bán cho các tư thương để ăn phần chênh lệch này. Nhiều giám đốc các nhà máy, doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất cũng như trên thương trường vẫn phải "bó tay" không dám cạnh tranh mua nguyên liệu và chấp nhận sản xuất cầm chừng.

Lý do rất đơn giản: nhà máy, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất chế biến chè đen bán thành phẩm bán với giá thị trường cao nhất cũng chỉ được 13-15 ngàn đồng/kg, trong khi giá nguyên liệu cao mà cứ cố mua vào để sản xuất thì cầm chắc là lỗ. Có doanh nghiệp không chịu được cảnh nhà máy "đắp chiếu" cũng chuyển hướng sang sản xuất "chè vàng" theo nhu cầu thị trường. Thế rồi từ cuối tháng 6 khi thị trường chè vàng đã dần "hạ nhiệt" và bước sang tháng 7 hết sóng gió thì sản xuất, chế biến chè mới hoàn toàn trở lại bình thường.

 Được mùa chè. (Ảnh Thanh Sơn)

Cuối tháng 7 đầu tháng 8 các doanh nghiệp lại đi vào sản xuất hối hả!.

Hậu quả của "cơn lốc" chè vàng để lại là hàng loạt lò chế biến thủ công, nhiều ông chủ "ôm hận", hàng tấn chè vàng bán chẳng ai mua, cả vùng nguyên liệu xơ xác bởi sự thu hái không theo quy trình kỹ thuật, sản lượng chè búp giảm rõ.

Thị trường chè đã dần đi vào đúng quỹ đạo của nó, các nhà máy, cơ sở chế biến lại nhộn nhịp hối hả đi vào hoạt động. Công ty cổ phần Chè Trần Phú, Chè Nghĩa Lộ, Liên Sơn, Văn Hưng, Yên Ninh, Phú Tân, Việt Cường... không còn cảnh "máy ngủ" chờ nguyên liệu nữa. Những xe chở đầy chè tiến vào nhà máy, tiếng nói tiếng cười lại vang khắp các phân xưởng sản xuất. Một khung cảnh hoàn toàn ngược lại cách đây gần hai tháng về trước.

Anh Phạm Ngọc Tú - Phó giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn (Văn Chấn) vui mừng nói: "Cuối cùng "cơn lốc" chè vàng cũng đã qua đi, việc thu mua nguyên liệu cho chế biến cũng đã khá hơn. Hiện nay, bình quân mỗi ngày Công ty thu mua được hơn 20 tấn búp tươi, tuy chưa đảm bảo công suất nhưng thế đã là quý lắm rồi ! Giá thu mua hiện tại của Công ty giao động từ 2.300-2.600 đồng/kg.

Quan điểm của Công ty là chấp nhận cạnh tranh bình đẳng, đúng luật. Nhưng với mức giá do các cơ sở chế biến "chè vàng" vừa qua thì không thể cạnh tranh được, bởi họ sản xuất nhất thời, thị trường không ổn định. Đến hết tháng 7, Công ty đã thu mua được trên 1.300 tấn búp nguyên liệu và đã sản xuất được 300 tấn chè thành phẩm. Do làm tốt công tác tìm kiếm thị trường nên toàn bộ sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ hết ngay.

Cùng với việc chế biến chè đen, Công ty đang tiến hành sản xuất chè xanh phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, phấn đấu sản lượng đạt 60-70 tấn". Công ty cổ phần Chè Văn Hưng (Yên Bình) với dây chuyền chế biến chè theo công nghệ CTC cũng đang vận hành hết công suất. Vùng chè Việt Cường (Trấn Yên) cũng không kém phần sôi động. Trong các phân xưởng, máy sấy, máy vò, máy sàng... chạy hết công suất, trên khuôn mặt những người công nhân rạng người niềm vui có việc làm.

Sản xuất kinh doanh chè "gió đã yên, sóng đã lặng", cuộc sống người làm chè cũng như các doanh nghiệp, cơ sở chế biến dần đi vào ổn định. Theo dự báo của những nhà kinh tế và bằng kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều năm làm chè thì từ nay đến cuối vụ, thị trường cũng như sản xuất chè ổn định, không thể có biến động lớn. "Chè vàng" đã hết thời, tàn dư của nó để lại cũng đã là bài học lớn cho người làm chè, các cơ sở chế biến và các thương lái. Song việc sản xuất kinh doanh chè vẫn báo hiệu những điều bất an trong sản xuất cũng như cung cách làm ăn của người trồng chè và doanh nghiệp. Nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung mà vẫn mạnh ai nấy làm.

Trong quy hoạch, định hướng của tỉnh là rất rõ. Một vấn đề mấu chốt để mang lại thành công là việc đầu tư, đổi mới công nghệ trong chế biến cũng như tổ chức thu mua chè đúng phẩm cấp. Nhưng cho đến nay không thấy có sự chuyển biến tích cực nào, doanh nghiệp không xây dựng được chiến lược sản xuất, sản phẩm lâu dài, sản phẩm chè đen bán thành phẩm vẫn là chủ yếu, nông dân thu hái không theo phẩm cấp kỹ thuật nào.

Vẫn biết những định hướng của tỉnh, của các cơ quan quản lý nhà nước là rất đúng và phù hợp, song để tạo bước chuyển và đưa ngành chè phát triển chủ thể phải là các doanh nghiệp.

Đã đến lúc các doanh nghiệp chè Yên Bái phải nhìn thẳng vào những khiếm khuyết để đi lên làm ăn lớn, không thể mãi đổ lỗi cho giống chè, khó khăn, cạnh tranh gay gắt của thị trường. Cái chính là các nhà quản lý doanh nghiệp phải có cái nhìn thấu đáo và vận hành theo cơ chế thị trường mà muốn vận hành tốt mỗi doanh nghiệp trước hết phải xây dựng cho mình một chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp; đầu tư cùng nhân dân xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, tìm kiếm thị trường, bạn hàng, quan trọng hơn là xây dựng cho mình một thương hiệu sản phẩm, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, làm sao để đôi bên cùng chung một nhịp cầu.

Thanh Phúc

Các tin khác
Rừng sồi nguyên sinh ở Khai Trung (Lục Yên)

YBĐT - Huyện Lục Yên (Yên Bái) có diện tích rừng khá rộng lớn và cũng một thời là điểm nóng trong chặt phá, khai thác rừng, nhất là rừng tự nhiên.Với diện tích trên 50 ngàn ha rừng, trong đó có 32.089 ha rừng tự nhiên, 20.600 ha rừng trồng nhưng có lẽ không còn ngọn núi cao nào, cánh rừng nào là lâm tặc không đặt chân tới.

YBĐT - Xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có diện tích tự nhiên 858,9 ha, ngoài diện tích đất trồng lúa nước 210 ha và diện tích thổ cư, còn lại 280 ha là đất sông suối, đồi núi và riêng diện tích có thể trồng rừng là 230 ha.

Có đường, Làng Nhì không còn cách biệt với bên ngoài.

YBĐT - Cuộc sống của người Làng Nhì thay đổi từ khi có đường. Gạo, dầu, tấm lợp và những hàng hóa thiết yếu đã đến với người vùng cao dễ dàng hơn. Những sản phẩm của bà con vùng cao được trao đổi với bên ngoài thuận tiện. Quan trọng hơn, có đường Làng Nhì không còn cách biệt với bên ngoài, vì vậy tư duy và nhận thức của người dân đã có sự thay đổi căn bản.

Lễ hội Mường Lò. (Ảnh Thành Trung)

YBĐT - Sau 3 năm tổ chức Chương trình Du lịch về cội nguồn hợp tác giữa 3 tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ đã thu hút trên 10 triệu lượt du khách. Trong đó, ngành du lịch Yên Bái đã đón và phục vụ trên 380 nghìn lượt khách với doanh thu 115 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục