Sức bật Đông An
- Cập nhật: Thứ tư, 10/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nằm bên dòng sông Hồng phù sa mầu mỡ, song do trình độ dân trí không đồng đều, diện tích đất nông nghiệp ít và phân tán nhỏ lẻ nên những năm trước đây bà con nhân dân xã Đông An huyện Văn Yên (Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế.
Nông dân xã Ngòi A, huyện Văn Yên khai thác tiêu thụ gỗ rừng trồng.
|
Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã không ngừng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây con giống mới vào sản xuất, tập trung mọi nguồn lực phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Lấy đó là động lực chính để thúc đẩy kinh tế - xã phát triển.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Phan Thiết, Phó chủ tịch UBND xã Đông An cho biết: Trước đây bà con nhân dân Đông An do thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất và kiến thức khoa học kỹ thuật nên năng suất và chất lượng sản phẩm làm chưa đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ khi được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, được các kênh ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi thì đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con nhân dân trong xã đã được cải thiện rất nhiều.
Nếu như trước đây, tỷ lệ hộ nghèo tại Đông An luôn ở mức cao so với các xã khác trong huyện thì đến hết năm 2006 tỷ lệ đó đã giảm xuống chỉ còn 9%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4 triệu đồng/người/năm. Riêng đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngoài nguồn vốn trợ cấp của Chính phủ, chúng tôi còn thường xuyên vận động bà con nhân dân trong xã đóng góp ngày công cùng các loại cây con giống để giúp các hộ phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo.
Những năm trước do độc canh giống lúa thuần địa phương nên bà con nhân dân Đông An chỉ thu hoạch được 40 - 45 tạ/ha. Từ khi áp dụng giống lúa mới có ưu thế về thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và hạn chế sâu bệnh như: giống Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Việt lai 20, HT1, NT2 và Chiêm hương, năng suất lúa đã được nâng lên đạt 54 - 56 ta/ ha. Vì thế, trong 130 ha lúa nước đã có 75% là lúa lai được đưa vào gieo trồng, còn lại là lúa thuần và lúa chất lượng cao.
Ngoài ra, Đông An còn có 605 ha sắn, 120 ha ngô, 10 ha mía và hàng chục rau màu các loại, bà con nhân dân trong xã mỗi năm đã thu về được hàng tỷ đồng. Không những tập trung hướng dẫn bà con nhân dân gieo cấy đúng thời vụ, thực hiện thâm canh sắn bền vững, Đảng bộ, chính quyền xã còn chủ động phối hợp với các kênh ngân hàng, Quỹ tín dụng xã triển khai lập hồ sơ cho các hộ gia đình trong xã vay vốn đầu tư sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại với tổng số vốn đạt trên 9,3 tỷ đồng.
Thông qua các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn cách thức sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả rất nhiều hộ gia đình tại Đông An đã hoàn trả nợ ngân hàng và có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm như: hộ gia đình anh Nguyễn Văn Huấn, thôn Toàn An; anh Hoàng Văn Hoàng, thôn Gốc Đa; anh Vũ Văn Tình, thôn Đức Tiến...
Thực hiện kế hoạch trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền xã cũng đã tổ chức vận động hướng dẫn bà con nhân dân tham gia trồng rừng kinh tế một cách có hiệu quả. 8 tháng đầu năm 2007, Đông An đã trồng mới được trên 200 ha rừng kinh tế các loại, trong đó có 174,06 ha keo, 16,9 ha quế và 11,9 ha cây lâm nghiệp các loại. Với tổng đàn gia súc, gia cầm lên tới hàng chục ngàn con, Đông An còn là một trong những xã làm tốt công tác xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp. Đến nay, toàn xã có 1254 con trâu, 217 con bò, 4011 con lợn và gần 2 chục nghìn con gia cầm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đông An vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế. Sự xuống cấp của hệ thống đường giao thông, đặc biệt là đường liên thôn, liên bản cũng là một cản trở không nhỏ đến quá trình sản xuất và tiêu thụ nông lâm sản.
Thêm vào đó, do trình độ dân trí chưa đồng đều nên nhiều hộ gia đình chưa chủ động phát triển sản xuất mà có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước. Để giải quyết các khó khăn và tao những điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đảng bộ, chính quyền xã xác định sẽ tiếp tục đầu tư thâm canh tăng vụ, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại cây con giống mới vào sản xuất; phối hợp với các ngành đoàn thể huy đồng sự đóng góp của nhân dân đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường giao thông liên thôn...
Đức Thành
Các tin khác
YBĐT - "Trồng 1 ha khoai tây thâm canh tốt cho năng suất từ 18 - 20 tấn củ, thu nhập 50 - 60 triệu đồng; trồng 1 ha dưa chuột Thái Lan, năng suất đạt từ 2 - 2,5 tấn/sào (tương đương 75 - 80 tấn/ha), trừ chi phí đầu tư còn lãi 70 - 80 triệu đồng. Ngoài ra còn chưa kể đến thu nhập từ cà chua, su hào, súp lơ và ngô nếp lai". Đó là hiệu quả từ mô hình cánh đồng 50 triệu đồng ở xã Hưng Khánh.
YBĐT - Bên cạnh việc tiếp tục cho vay hộ nghèo, cho vay vốn giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, từ tháng 5 năm 2007, Ngân hàng Chính sách xã hội Yên Bái đã chính thức triển khai cho vay đối với các hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31 ngày 5 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù mới cho giải ngân được một thời gian ngắn nhưng vốn vay từ chương trình này đã bước đầu đem lại hiệu quả.
YBĐT - Để quản lý nguồn ngân sách đạt kết quả cao, Chi cục Thuế huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chỉ đạo các tổ nghiệp vụ quản lý tốt nguồn thu từ việc kiểm tra lại toàn bộ số hộ kinh doanh, công tác điều hành ngân sách và các nguồn thu khác đều được đưa vào quản lý qua hệ thống vi tính hoá và công khai minh bạch kịp thời đã góp phần chống tiêu cực trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
YBĐT - Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, là quy luật phát triển tất yếu của sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Kinh tế trang trại ở Yên Bái bắt đầu phát triển mạnh từ khi có Nghị quyết số 03 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIII(năm 1993) về phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện và xây dựng nông thôn mới.