Để được như mong muốn
- Cập nhật: Thứ tư, 10/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi, có 70 xã vùng cao với 579 thôn bản. trên 30 dân tộc chung sống, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu.
Những đoạn ống nước phục vụ sinh hoạt này bị người dân xã Bản Mù (Trạm Tấu) chặt đứt thành nhiều đoạn.
|
Để tạo đà cho các xã vùng cao dần từng bước phát triển, từ năm 1997, Chính phủ đã triển khai chương trình xây dựng trung tâm cụm xã( TTCX) nhằm tạo ra các cụm kinh tế - xã hội, nơi giao lưu hàng hoá cho đồng bào các dân tộc trên miền núi cao…
Tổng quan
Theo Quyết định số 35/QĐ- TTg ngày 13/1/1997 của Thủ tướng Chính phủ thì chương trình TTCX được triển khai từ đầu năm 1997, nhưng với Yên Bái, đến ngày 20/12/1999, chương trình mới chính thức phê duyệt được, gồm 32 TTCX với số vốn đầu tư 158 tỷ 530 triệu đồng(sau điều chỉnh lên 170 tỷ 996 triệu đồng).Trong số 32 TTCX được xây dựng theo đề án, có 24 TTCX được Trung ương đầu tư. Hạng mục theo đề án ban đầu được xác định là 305 công trình, nhưng triển khai vốn đến năm 2007 cho các TTCX mới đạt 86 tỷ 654 triệu đồng, bằng 50,6% so với kế hoạch.
Như vậy chỉ có 24 chứ không phải 32 TTCX được đầu tư theo dự toán ban đầu. Các hạng mục đã được đầu tư gồm: hệ thống đường giao thông được đầu tư, nâng cấp 50,3 km; điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt 9 công trình; công trình cấp thoát nước 6 công trình; phòng khám đa khoa khu vực 13 công trình; số lớp học đã được xây 218 phòng; chợ 21 công trình; trạm khuyến nông, khuyến lâm 3 công trình; nhà văn hoá cộng đồng 3 công trình; san tạo mặt bằng 3 công trình và trụ sở xã 2 công trình.
Qua kết quả khảo sát thực tế mới đây, có 5 TTCX được đánh giá là hiệu quả, gồm: Púng Luông, Khao Mang (Mù Cang Chải); Trạm Tấu (Trạm Tấu); Yên Thành (Yên Bình); Minh Tiến (Lục Yên); TTCX phát huy hiệu quả chưa cao gồm: Bản Mù (Trạm Tấu); Tân Lập (Lục Yên); Tân Đồng, Kiên Thành (Trấn Yên). Như vậy, sau 10 năm việc thực hiện, Yên Bái mới đáp ứng được trên 50% khối lượng công việc cũng như kinh phí, đây cũng là vấn đề phần lớn thuộc về lỗi của nhiều địa phương. Một số vùng do kinh tế chưa phát triển mạnh nên có hạng mục công trình phát huy hiệu quả không cao, không thu hút được đầu tư xây dựng các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và chế biến nơi TTCX đã được xây dựng.
Góc nhìn từ cơ sở
Xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu có 100% dân số là đồng bào Mông, kinh tế đặc biệt khó khăn, toàn xã có 527 hộ thì có tới 426 hộ nghèo đói. Chủ tịch xã Sùng A Phang đưa chúng tôi đi thực tế công trình chợ Bản Mù được đầu tư xây dựng năm 2000 với tổng số vốn 400 triệu đồng. Người dân và lãnh đạo địa phương nhận xét, từ ngày xây dựng đến nay, chợ dường như không hoạt động, bởi hàng bán cũng chẳng có người mua. Chợ đã biến thành nơi cai nghiện của xã. 30 đối tượng đang được cai tại đây gặp ngày mưa thì ngủ và đánh bài, trời nắng xã cũng không biết bố trí việc gì, chỉ biết hết thời gian cai tập trung lại về với gia đình, nghiện vẫn hoàn nghiện.
Chợ xã Lang Thíp (Văn Yên) được xây dựng từ nguồn vốn TTCX 5 năm qua vẫn bỏ không. |
Thăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Mù Thấp được đầu tư xây dựng năm 2004 với tổng vốn 350 triệu đồng, tại bể nước đầu mối nước không thiết kế chảy qua bể lọc mà lại chảy thẳng, trong bể lọc thì cây cỏ rậm rì, không thể lọc nước. Hệ thống ống dẫn nước đến các hộ dân thì ai cũng kêu, mấy nhà ở phía trên chặt đứt ống để nước chảy lênh láng, các nhà phía dưới thì nước ăn hàng ngày còn thiếu chưa nói gì đến nước sinh hoạt.
Tại TTCX Trạm Tấu, điểm Trường PTCS bán trú dân nuôi đã được nhiều chương trình dự án đầu tư nên việc dạy và học của thầy và trò đã đáp ứng khá tốt từ chỗ học đến nơi ở của học sinh, còn Phòng khám Đa khoa khu vực được xây dựng 2 tầng khang trang với 880 triệu thì đóng cửa im lìm, tìm mãi mới thấy 2 cán bộ y tế. Khi hỏi về các trang thiết bị của Trung tâm chúng tôi được biết, Nhà nước đầu tư tương đối hoàn chỉnh nhưng bệnh nhân ít khi đến Trung tâm, bởi từ đây xuống Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ chỉ 20 cây số nên họ đi thẳng.
Còn công trình chợ, Chủ tịch UBND xã Giàng A Hếnh cho biết, chợ được xây dựng năm 2002, nhưng gần như không hoạt động, xã đành để cho một số hộ dân xuống ở và bán hàng tại chợ. Trong chợ, chúng tôi thấy nhiều tấm bạt dứa cũ nát được chia thành những ô nhỏ, trong tủ bán hàng chỉ có vài gói mì tôm và vài gói bánh, kẹo mốc thếch không có người mua...
Tại huyện Văn Chấn, chúng tôi tới TTCX Nậm Búng, đây là một trong 3 xã nằm ở vùng thượng huyện, xã có địa hình bằng phẳng, dân cư sống tập trung. Từ năm 1997 đến nay, xã được đầu tư 5 công trình từ vốn xây dựng TTCX, tổng số tiền 2 tỷ 691 triệu đồng. Hiện tại, 4 hạng mục được đầu tư phát huy khá tốt, riêng công trình chợ và kiốt từ khi xây dựng với tổng vốn 437,6 triệu đồng thì gần như bỏ hoang.
Kiến nghị
Có thể khẳng định, hầu hết các công trình TTCX được đầu tư đã phát huy hiệu quả sử dụng, như: trường học, đường giao thông, phòng khám đa khoa,... góp phần tạo động lực thúc đẩy KT- XH của nhiều địa phương. TTCX đã thực sự trở thành nơi cung cấp, giao lưu trao đổi hàng hoá của đồng bào nhằm từng bước xoá đói, giảm nghèo...
Thời gian tới, tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách đầu tư cho các TTCX theo đề án đã phê duyệt; mặt khác, việc đầu tư xây dựng TTCX cần được đặt cả ở các xã vùng II, bởi thực tế đã có tác dụng rất lớn cho việc thúc đẩy kinh tế cho các xã vùng III. Đó là những kiến nghị hợp lý của người dân vùng cao, cần được quan tâm, góp phần nâng cao ảnh hưởng và hiệu quả tích cực của chương trình TTCX ở Yên Bái.
Phong Sơn
Các tin khác
YBĐT - Nằm bên dòng sông Hồng phù sa mầu mỡ, song do trình độ dân trí không đồng đều, diện tích đất nông nghiệp ít và phân tán nhỏ lẻ nên những năm trước đây bà con nhân dân xã Đông An huyện Văn Yên (Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế.
YBĐT - "Trồng 1 ha khoai tây thâm canh tốt cho năng suất từ 18 - 20 tấn củ, thu nhập 50 - 60 triệu đồng; trồng 1 ha dưa chuột Thái Lan, năng suất đạt từ 2 - 2,5 tấn/sào (tương đương 75 - 80 tấn/ha), trừ chi phí đầu tư còn lãi 70 - 80 triệu đồng. Ngoài ra còn chưa kể đến thu nhập từ cà chua, su hào, súp lơ và ngô nếp lai". Đó là hiệu quả từ mô hình cánh đồng 50 triệu đồng ở xã Hưng Khánh.
YBĐT - Bên cạnh việc tiếp tục cho vay hộ nghèo, cho vay vốn giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, từ tháng 5 năm 2007, Ngân hàng Chính sách xã hội Yên Bái đã chính thức triển khai cho vay đối với các hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31 ngày 5 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù mới cho giải ngân được một thời gian ngắn nhưng vốn vay từ chương trình này đã bước đầu đem lại hiệu quả.
YBĐT - Để quản lý nguồn ngân sách đạt kết quả cao, Chi cục Thuế huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chỉ đạo các tổ nghiệp vụ quản lý tốt nguồn thu từ việc kiểm tra lại toàn bộ số hộ kinh doanh, công tác điều hành ngân sách và các nguồn thu khác đều được đưa vào quản lý qua hệ thống vi tính hoá và công khai minh bạch kịp thời đã góp phần chống tiêu cực trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.