Cái khó ở bản Công
- Cập nhật: Thứ năm, 11/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Anh cán bộ dân vận huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đưa chúng tôi đến với xã Bản Công. Từ thị trấn huyện lỵ, chỉ đi có 600 mét đường đã thấy trụ sở xã khang trang tọa lạc trên một mỏm đồi. Các anh bảo, đất này thuộc phạm vi của thị trấn. Một xã nằm ngay vùng ven huyện lỵ thế này sao lại gọi là vùng đặc biệt khó khăn?
Nghị quyết phát triển kinh tế đã đi vào lòng dân. (Ảnh Thanh Chi)
|
Ừ, thì ngay chính cái trụ sở cũng là một trong những khó khăn đấy thôi! Bởi vì hầu hết các thôn bản đều cách xa trụ sở, từ bản Sán Trá về đây người dân đi bộ thật giỏi cũng phải mất gần 4 tiếng đồng hồ. Từ trung tâm xã về bản, đường lên dốc liền liền thì phải lâu hơn thế. Đã vậy, trường học, trạm y tế cũng đóng ngay sát trụ sở xã. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã phân bua: "Trạm xá còn bé và thiếu nhiều thứ lắm, người ốm đã về đến đây thì ra bệnh viện huyện luôn thôi!"
Làm việc với đồng chí Bí thư Đảng ủy, đồng chí Chủ tịch UBND và trưởng các đoàn thể của xã, chúng tôi thoáng vui vì bộ máy lãnh đạo xã vừa được củng cố, kiện toàn, nhiều cán bộ trẻ được Đảng giao nhiệm vụ, các ý kiến phát biểu đều nêu được những ý tưởng hay và có phần táo bạo nhằm vực dậy những tiềm năng nội lực của xã. Nhưng trước mắt, Bản Công đang còn vô vàn những khó khăn, thách thức trước nhu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhất là ở nông thôn miền núi.
Toàn bộ diện tích đất tự nhiên của xã là 9.443 ha, trong đó chỉ có 75 ha ruộng nước, 37 ha cấy được 2 vụ, năng suất chỉ đạt 42,5 tạ/ha. Diện tích lúa nương có khoảng 125 ha, 80,6 ha trồng ngô nhưng do độ dốc cao nên năng suất đạt thấp. Vừa qua vận động bà con trồng thêm được 6,43 ha đậu tương nhưng so với tiềm năng đất thì chưa thấm tháp gì cả. Mặt khác, do trồng trên nương, canh tác giản đơn, còn nặng về trông chờ đầu tư của nhà nước nên thu nhập thấp. Như vậy, sản xuất nông nghiệp còn rất manh mún và giá trị sản xuất không cao.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy tỏ ra nghi ngại với diện tích kể trên, vì xuống thực địa mới thấy hiện tượng cứ đo đại để lấy tiền dự án cho việc khai hoang ruộng nước. Để phát huy lợi thế đồi rừng, xã chỉ đạo trồng chè, nay đã được hơn 150 ha nhưng rất phân tán, mật độ thưa, năng suất thấp. Diện tích chiếm phần lớn là rừng già, rừng khoanh nuôi bảo vệ nhưng từ nhiều năm qua rừng không phải là nguồn sống chính của người dân, bởi vì số tiền giao cho khoanh nuôi bảo vệ chỉ có 30.000 đồng/ha, đến tay người dân còn 27.000 đồng. Nay chủ trương của Nhà nước cho tăng mức lên 200.000 đồng/ha thì xã sẽ phải khảo sát và phân chia lại, đảm bảo cho mọi hộ dân đều được nhận và nêu cao trách nhiệm cộng đồng trong việc khoanh nuôi bảo vệ rừng. Dự án chăn nuôi gia súc đã giúp cho xã phát triển đàn bò lên 923 con, đàn trâu 421 con, đàn dê 55 con, song do giống bò và dê đem từ miền xuôi lên có thể chưa quen khí hậu nên thường bị chết, dê bị ghẻ và lây sang đàn dê của dân.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, mặc dù cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã triển khai thực hiện nhưng kết quả chưa được là bao. Những hủ tục lạc hậu trong việc ma chay, cưới xin còn nặng nề; tập quán sinh hoạt ít đổi mới, việc vận động làm nhà vệ sinh, làm chuồng gia súc ra xa nhà còn gặp khó khăn do người dân luôn đòi hỏi phải cho tiền mới làm được. Cũng do nhận thức như vậy, nên chưa thôn bản nào làm được nhà văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo còn trên 70%, diện đói giáp hạt thường xuyên trên 53 hộ do thiếu ruộng, thiếu lao động, nhà đông con, có người nghiện hút...
Tìm hiểu nguyên nhân của những "cái khó" ấy, đồng chí bí thư Đảng ủy khẳng định: "Trước hết là do nhận thức rất hạn chế của người dân, tư tưởng trông chờ ỷ lại còn lớn. Trong cái tồn tại đó thì lỗi lớn thuộc về vai trò lãnh đạo của cán bộ xã và vai trò vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, chất lượng của đội ngũ cán bộ còn yếu. Thứ hai, là do địa hình miền núi cao, dân cư phân tán nên công tác quản lý điều hành gặp khó khăn. Thứ ba là sự đầu tư của Nhà nước tuy có nhiều nhưng chưa tập trung, chất lượng một số công trình dự án chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Xã Bản Công đã có nhiều cố gắng, huyện đã có nghị quyết về phát triển kinh tế đồi rừng, đưa xen canh cây song mây, thảo dược, sơn tra dưới tán rừng. Tình hình an ninh chính trị ổn định, sự nghiệp giáo dục, y tế đang được quan tâm, trường học đã xây dựng đẹp đẽ, các cháu trong hộ nghèo về học bán trú được tỉnh trợ cấp 140.000 đồng/tháng, trẻ mầm non được 70.000 đồng/tháng; chương trình 134 đang được triển khai có hiệu quả; đội ngũ cán bộ đang được quan tâm bồi dưỡng, có 5 đồng chí được cử đi học lớp sơ cấp lý luận, một số cán bộ tự đăng ký học nâng cao trình độ chuyên môn...
Với những điều kiện ấy, tin chắc rằng những cái khó ở Bản Công sẽ nhanh chóng được khắc phục, Bản Công sẽ là một trong những xã sớm bước ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu.
Nguyễn Thị Thanh
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi, có 70 xã vùng cao với 579 thôn bản. trên 30 dân tộc chung sống, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu.
YBĐT - Nằm bên dòng sông Hồng phù sa mầu mỡ, song do trình độ dân trí không đồng đều, diện tích đất nông nghiệp ít và phân tán nhỏ lẻ nên những năm trước đây bà con nhân dân xã Đông An huyện Văn Yên (Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế.
YBĐT - "Trồng 1 ha khoai tây thâm canh tốt cho năng suất từ 18 - 20 tấn củ, thu nhập 50 - 60 triệu đồng; trồng 1 ha dưa chuột Thái Lan, năng suất đạt từ 2 - 2,5 tấn/sào (tương đương 75 - 80 tấn/ha), trừ chi phí đầu tư còn lãi 70 - 80 triệu đồng. Ngoài ra còn chưa kể đến thu nhập từ cà chua, su hào, súp lơ và ngô nếp lai". Đó là hiệu quả từ mô hình cánh đồng 50 triệu đồng ở xã Hưng Khánh.
YBĐT - Bên cạnh việc tiếp tục cho vay hộ nghèo, cho vay vốn giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, từ tháng 5 năm 2007, Ngân hàng Chính sách xã hội Yên Bái đã chính thức triển khai cho vay đối với các hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31 ngày 5 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù mới cho giải ngân được một thời gian ngắn nhưng vốn vay từ chương trình này đã bước đầu đem lại hiệu quả.