Chuyển dịch kinh tế vùng dân tộc Mông
- Cập nhật: Thứ năm, 11/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Dân tộc Mông ở Yên Bái có trên 7 vạn người, chiếm 8,9% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung chủ yếu tại 44 xã vùng cao của 5 huyện, nhiều nhất ở các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn.
Cây chè Shan đem lại thu nhập cao cho người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
|
Trong đó, 24 xã có gần 100% là người Mông, cư trú tại vùng núi cao nơi xung yếu, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của đa số đồng bào còn nghèo, kinh tế mang tính tự cung tự cấp là chính. Để tạo bước chuyển quan trọng trong việc nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân, gắn ổn định dân cư với việc bảo đảm an ninh quốc phòng ở vùng đặc biệt khó khăn, thời gian qua, Yên Bái đã vận dụng linh hoạt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, thúc đẩy kinh tế ở vùng đồng bào Mông ngày một khởi sắc.
Nhận thức tầm quan trọng của Chỉ thị 45 CT/TƯ ngày 23-9-1994 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa VII) về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Yên Bái đã cử cán bộ tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và đề ra các chủ trương sát đúng, kịp thời giải quyết các bức xúc cho đồng bào.
Tại huyện Mù Cang Chải, nơi có gần 90% dân số là đồng bào Mông sinh sống, Huyện ủy đã chú trọng công tác phát triển đảng viên mới đi đôi với nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Đến nay, toàn Đảng bộ đã có 1.329 đảng viên sinh hoạt ở 166 chi bộ. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức người dân tộc Mông có 218/241 cán bộ toàn huyện; 100% cán bộ cấp xã đều có trình độ chính trị sơ cấp trở lên (có 120 cán bộ trình độ trung cấp chính trị).
Từ công tác quy hoạch cán bộ đúng theo tinh thần Nghị quyết 42-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đến nay, toàn tỉnh có trên 700 cán bộ người dân tộc Mông, trong đó có 42 người có trình độ đại học trở lên; qua đó, đã phát huy tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ cơ sở trong vận động đồng bào thay đổi tập quán sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng lâu đời trong vật nuôi, kiên trì vận động thuyết phục, giáo dục đồng bào bỏ tập quán lâu đời trồng cây thuốc phiện. Do bám sát cơ sở, nên mọi biến động về an ninh vùng cao đều được phát hiện sớm, các tà đạo không xâm nhập vào được cộng đồng; một số âm mưu của kẻ xấu đã kịp thời phát giác và giải quyết đúng pháp luật.
Đến La Pán Tẩn, xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải - nơi có 100% là đồng bào Mông sinh sống, đồng chí Giàng Chứ Ly - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trước năm 1990, cả 7 bản mình đều trồng cây thuốc phiện, người Mông mình khổ vì nghiện hút, bao nhiêu của nả trong nhà chui hết vào cái tẩu hút rồi, cái đói cái nghèo nó bám từ đời này qua đời khác. Giờ thì khác, cán bộ nhìn đấy: trụ sở xã, trạm y tế, đường ô tô đến xã, trường học được xây mới từ các chương trình 133; 135; xóa đói giảm nghèo... được Nhà nước ưu tiên đấy! Ngay như cái chữ, thì gần hết cán bộ xã có trình độ văn hóa 12/12; cả xã giờ có trên 200 xe máy bởi có đường giao thông thuận lợi đến từng bản, giúp đồng bào chở lúa, thảo quả đi bán lấy tiền mua sắm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Điện lưới quốc gia giờ cũng về rồi, có cái máy xay xát chạy điện giúp cho vợ mình và những nhà khác không phải sớm tối dùng cối giã gạo bằng chân nữa".
Tại huyện Trạm Tấu, nơi có trên 75% dân tộc Mông sinh sống tại 69 bản thuộc 12 xã, thị trấn, số hộ nghèo chiếm gần 70%; trong đó, có nhiều xã như Bản Công, Pá Hu, Tà Xi Láng... tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Từ cái nghèo, một bộ phận đồng bào vẫn di dịch cư; tái trồng cây thuốc phiện; việc khai thác gỗ rừng trái phép, phá rừng làm nương rẫy gây ra cháy rừng đã diễn ra gay gắt.
Trước thực trạng này, Tỉnh ủy Yên Bái có Nghị quyết về một số nhiệm vụ cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2010, đưa huyện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách chậm phát triển với các địa phương khác.
Qua một năm thực hiện, huyện đã chỉ đạo việc thâm canh, khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước đạt 835ha; đưa giống ngô lai, đậu tương, sắn vào canh tác trên đất dốc; tập trung phát triển đàn đại gia súc theo hướng hàng hóa với đàn trâu bò trên 8.500 con. Điển hình là gia đình ông Thào A Tông ở xã Pá Hu nuôi 25 con trâu, ông Lầu A Nhìa xã Trạm Tấu nuôi 30 con bò, hàng năm có thu nhập cả chục triệu đồng từ việc bán trâu bò, thực sự thoát nghèo từ việc chăn nuôi đại gia súc. Bắt các nguồn vốn chương trình dự án, 83 công trình cơ sở hạ tầng như: điện nông thôn, nhà lớp học, trạm xá xã, đường giao thông liên xã, công trình thủy lợi... được xây dựng mới với tổng nguồn vốn 68,8 tỷ đồng.
Thảo quả đang đem lại nguồn thu nhập khá cho đồng bào vùng cao Yên Bái. |
Nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đến nay, 100% số xã của tỉnh Yên Bái đã có đường ô tô đến trung tâm; trên 80% số bản có đường đi được bằng xe máy; trên 97% địa bàn dân cư được phủ sóng truyền hình, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của đồng bào Mông nơi này.
Tuy nhiên, tồn tại lớn hiện nay ở vùng cao là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao, nhất là tỷ lệ sinh con thứ ba còn phổ biến ở các bản Mông. Nếu không có giải pháp kiềm chế tốt sẽ tái diễn cái vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo, thiếu đất sản xuất và các vấn đề xã hội khác. Bên cạnh đó, một số chính sách đặc thù và nguồn lực cho thực hiện các đề án ở vùng cao chậm; một bộ phận cán bộ người dân tộc còn tự ty hoặc cục bộ, nặng tư tưởng ỷ lại cấp trên, lúng túng trong công tác điều hành chỉ đạo ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung.
Việc bố trí sắp xếp khu dân cư, định cư cho các hộ có nơi còn lúng túng, chưa chú ý đến các yếu tố văn hóa; các điều kiện về đất sản xuất, nước sản xuất và nước sinh hoạt, chưa đạt được mục tiêu của chương trình 134 đề ra.
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhằm xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào các dân tộc miền núi trong đó có đồng bào Mông, đang là vấn đề cấp thiết cần một chiến lược lâu dài và vững chắc phù hợp với từng điều kiện cụ thể, mà tỉnh Yên Bái đã khẳng định một hướng đi đúng, góp phần ổn định mọi mặt trong khu vực các tỉnh vùng Tây Bắc.
Thanh Sơn
Các tin khác
YBĐT - Anh cán bộ dân vận huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đưa chúng tôi đến với xã Bản Công. Từ thị trấn huyện lỵ, chỉ đi có 600 mét đường đã thấy trụ sở xã khang trang tọa lạc trên một mỏm đồi. Các anh bảo, đất này thuộc phạm vi của thị trấn. Một xã nằm ngay vùng ven huyện lỵ thế này sao lại gọi là vùng đặc biệt khó khăn?
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi, có 70 xã vùng cao với 579 thôn bản. trên 30 dân tộc chung sống, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu.
YBĐT - Nằm bên dòng sông Hồng phù sa mầu mỡ, song do trình độ dân trí không đồng đều, diện tích đất nông nghiệp ít và phân tán nhỏ lẻ nên những năm trước đây bà con nhân dân xã Đông An huyện Văn Yên (Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế.
YBĐT - "Trồng 1 ha khoai tây thâm canh tốt cho năng suất từ 18 - 20 tấn củ, thu nhập 50 - 60 triệu đồng; trồng 1 ha dưa chuột Thái Lan, năng suất đạt từ 2 - 2,5 tấn/sào (tương đương 75 - 80 tấn/ha), trừ chi phí đầu tư còn lãi 70 - 80 triệu đồng. Ngoài ra còn chưa kể đến thu nhập từ cà chua, su hào, súp lơ và ngô nếp lai". Đó là hiệu quả từ mô hình cánh đồng 50 triệu đồng ở xã Hưng Khánh.