Ngày mới trên đất Bạch Hà

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trời xế trưa nhưng khu chợ trung tâm xã Bạch Hà (Yên Bình - Yên Bái)vẫn dập dìu người mua bán. Người ta bảo, muốn biết một vùng quê nào đó nghèo hay giàu thì hãy cứ ra xem chợ. Quả thực chợ Bạch Hà khang trang, sạch sẽ, thoáng mát, tọa lạc trên một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông với tổng kinh phí xây dựng khoảng 1,2 tỷ đồng, hàng hoá đa dạng, phong phú, so với chợ huyện chẳng kém là mấy. Không chỉ người dân địa phương mà còn tư thương các địa phương lân cận như huyện Lục Yên và một số huyện của tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai…cũng tới đây trao đổi hàng hoá.

Cách đây hơn chục năm, nhà cửa của dân Bạch Hà phổ biến là nhà tranh tre, nứa lá, cái đói, cái nghèo kéo theo thất học cứ đeo đẳng người Tày, Dao, Cao Lan nơi đây. Quan niệm chỉ cần học hết lớp 4 để biết đọc, biết viết là được nên vào những năm 1997-1998 học sinh hầu như không học hết cấp, thậm chí cả xã chỉ có một vài học sinh theo học lớp 9, mà cũng phải học lớp ghép ở tận xã Vũ Linh. Bấy giờ, đường sá đi lại quá khó khăn, toàn là đường đất, mưa lũ thì ngập úng lầy lội nên sản phẩm của địa phương sản xuất ra không tiêu thụ được.

Làm sao để thoát nghèo đây là nỗi trăn trở được cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã nhiều lần đưa ra bàn bạc. Trước hết phải xác định đúng thế mạnh của địa phương, kết hợp với các chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 2094km2, có 809 hộ, 3877 nhân khẩu nhưng chỉ có 150 ha ruộng nước, không thể mở rộng sản xuất nên xã phải đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt chủ trương phát triển thế mạnh của địa phương như vườn rừng, trồng và chế biến sắn, phát triển trang trại chăn nuôi. Từ định hướng đó của Đảng uỷ, chính quyền xã cùng với các nguồn vốn vay với lãi suất thấp của chương trình xoá đói giảm nghèo, Bạch Hà đã đưa giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là các giống lúa thơm, dẻo ngon vào thâm canh trên 150 ha ruộng nước cấy 2 vụ và một vụ màu chủ yếu trồng ngô. Nhờ vậy, trong những năm qua, tổng sản lượng lương thực đạt 1.776 tấn/năm. Bà con khấm khá, nạn đói giáp hạt hàng năm đã chấm dứt.

Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đến nay toàn xã đã có 3.500 con lợn (400 con lợn nái); 804 con trâu, 400 con bò, đàn gia cầm là 18.731 con và trên 20 mô hình trang trại chăn nuôi lợn hàng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, xã còn thực hiện xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, giao đất giao rừng tới từng hộ dân để bà con khoanh nuôi, bảo vệ, sử dụng và khai thác có hiệu quả rừng của chính mình. Toàn xã có 1.170ha rừng các loại mỗi năm cho thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng.

Thổ nhưỡng ở đây rất hợp với cây sắn nên xã đã dành 280 ha đất trồng sắn. Giờ đây, nhờ có nhà máy chế biến sắn Vũ Linh và một số xưởng chế biến sắn mi ni, người dân trồng sắn được hưởng lợi rất nhiều, sản phẩm được bán tại chỗ, giá ổn định, cao gấp 3 lần so với những năm trước. Anh Nguyễn Văn Hồng - Chủ một xưởng chế biến sắn tâm sự: "Để có thu nhập cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác trong xã, tôi đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến sắn gần 1 tỷ đồng, với công suất cán 20 tấn sắn tươi/ngày, ước tính cho thu nhập hàng năm khoảng 150 triệu đồng".

Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã Bạch Hà đã chú trọng đến vấn đề xây dựng cơ bản. Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Văn Lập cho biết: "Xác định dù có nỗ lực phát triển kinh tế đến đâu đi chăng nữa thì cũng khó mà thoát nghèo, nếu địa phương không cải thiện được tình trạng yếu kém về cơ sở hạ tầng". Đó là lý do trong suốt những năm qua, địa phương đã huy động mọi nguồn lực để tập trung xây dựng cơ bản.

Một trong những vấn đề nan giải của Bạch Hà là đường sá đi lại quá khó khăn, còn ảnh hưởng cả đến việc giao lưu, trao đổi kinh tế, văn hoá với các địa phương lân cận. Vì vậy, việc củng cố đường sá, làm giao thông nông thôn là ưu tiên hàng đầu. Mỗi năm, xã đã huy động khoảng 10 nghìn lượt người tham gia làm giao thông nông thôn. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", từ năm 2001 đến nay, toàn xã đã làm được 4,5km đường bê tông; san đường, rải đá cấp phối những đoạn đường còn lại với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp được 2 tỷ đồng. Bạch Hà được đánh giá là điểm sáng về làm đường giao thông nông thôn của huyện Yên  Bình.

Bằng các giải pháp đưa ra, đến nay, Bạch Hà đã thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu. Đời sống vật chất và tinh thần từng bước được nâng lên. Con em nông dân được đến trường học tập đầy đủ và thuận tiện. Trước năm 2000 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,5 triệu đồng, thì đến năm 2007 là 5 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm từ  41,5% năm 2005 xuống còn 23,8% năm 2007 (theo tiêu chí mới)...

Bạch Hà đang chuyển mình và đã có một thế đứng mới, tạo đà cho sự phát triển trong tương lai. Chia tay Bạch Hà trong nắng xuân ấm ấp, từng đàn cò trắng bay về như những dải lụa, đâu đó trong mỗi vườn nhà hoa đào đang chớm nụ báo hiệu một mùa xuân đến sớm!

Văn Tuấn

 

Các tin khác

YBĐT - Đón xuân Mậu Tý - 2008, người dân Văn Yên (Yên Bái) lại có thêm nhiều niềm vui mới nối tiếp vào trang sử vàng của huyện anh hùng! Trên khắp các nẻo đường từ thị trấn Mậu A đến Lâm Giang, Lang Thíp, Xuân Tầm, Châu Quế Thượng hay Đại Sơn, Nà Hẩu... đều rực rỡ cờ hoa mừng xuân, mừng Đảng, mừng những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong một năm qua.

YBĐT - Những bông hoa mận, hoa đào, hoa tớ dảy nở rực hồng cả vùng núi non hùng vì vốn đã đẹp lại càng nên thơ. Thời gian trôi đi làm cho vùng cao miền Tây Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái) có thêm những đổi thay kỳ diệu. Một mùa xuân mới lại đến khiến lòng người không khỏi xao xuyến... Vậy là lại thêm một năm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc miền Tây của tỉnh hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế, xã hội.

Công nhân Công ty cổ phần XDGT Yên Bái đang đẩy nhanh tiến độ làm đường xã Nà Hẩu (Văn Yên).

YBĐT - Đã bao mùa xuân trôi qua, cũng là chừng ấy thời gian, người dân ở Nà Hẩu, Đại Sơn, An Thịnh (Văn Yên - Yên Bái) mong mỏi về con đường rộng dài cho họ. Và không còn lỗi hẹn, xuân này, đường giao thông huyết mạch An Thịnh- Nà Hẩu đã đang được thi công.

Nếu như những năm trước, các nhà vườn trồng lan truyền thống trong nước phải điêu đứng do hoa lan Trung Quốc tràn ngập, chiếm lĩnh thị trường vì giá rẻ, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng thì năm nay, hoa lan nội (các giống lan nội và ngoại được trồng trong nước) đang có ưu thế vượt trội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục