Yên Bái phòng chống dịch LMLM: Kiểm soát giống, kiểm dịch chặt gia súc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/3/2010 | 8:54:28 AM

YBĐT - Yên Bái tuy đã kiềm chế được dịch bệnh, gần đây nhất là 41 con trâu, bò mắc bệnh LMLM ở Yên Bình, nhưng việc phòng chống dịch bệnh LMLM đang có những hạn chế, khó khăn và dịch bệnh thời gian tới sẽ rất khó lường và khái niệm triệt để trong diệt dập bệnh LMLM chỉ mang tính tương đối.

Đó là nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Yên Bái - ông Phạm Văn Lái  với  phóng viên Báo Yên Bái về những vấn đề liên quan đến việc phòng chống dịch LMLM ở đàn gia súc, chủ yếu là trâu, bò. 

- Việc tăng đàn trâu bò ở một số địa phương thời gian qua không đạt mục tiêu có nguyên nhân từ bệnh LMLM bùng phát thành dịch, ý kiến của ông như thế nào?

Ông Phạm Văn Lái - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Yên Bái.

Văn Chấn là một trong những địa phương như vậy trong năm 2009. Nhưng không thể dừng việc tăng đàn, quan điểm của tôi là bệnh LMLM không thể dập diệt triệt để vì mầm bệnh luôn có sẵn trong môi trường và trong một số lượng trâu bò nhất định. Vì thế, khi có dịch ở địa bàn nào thì ngừng việc xuất nhập trâu, bò vùng đó, tập trung dập dịch, địa bàn khác vẫn tiến hành bình thường. Ví dụ, huyện Văn Chấn bùng phát thành dịch, công bố dịch thì ngừng nhập xuất trâu bò, huyện Yên Bình vẫn tiến hành bình thường, nếu tỉnh công bố dịch thì ngừng xuất nhập toàn tỉnh.

- Yên Bái thời gian qua nhập số lượng lớn trâu, bò từ các tỉnh về để tăng đàn, việc kiểm soát dịch đã tốt chưa thưa ông?

Phải khẳng định việc kiểm dịch đã khá nghiêm ngặt nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi đã có ý kiến nhiều về việc phải lập các trạm tại các "cửa khẩu"- tức là vùng giáp ranh với các tỉnh trên các tuyến giao thông, chứ tiểu ngạch thì chưa nói tới. Tính ra cần phải có gần 10 trạm chốt thường xuyên với ít nhất 3 cán bộ trực, nhưng hiện nay chưa được đáp ứng, chỉ khi nào có dịch thì mới thành lập và duy trì các chốt trạm-đó là một khó khăn. Còn việc doanh nghiệp cung ứng trâu, bò cho các chương trình phát triển gia súc của tỉnh thì doanh nghiệp đã hoàn chỉnh các yêu cầu kiểm dịch, được cấp có thẩm quyền chứng nhận. Nhưng tôi cũng thấy rõ là công tác kiểm dịch còn nhiều việc phải làm, thú y cấp xã còn rất yếu - đó là một thực tế.

- Kinh phí có phải là một vấn đề không, vì có tỉnh như Thanh Hoá khi dập dịch và thực hiện phòng ngừa đã chi tới 400 tỷ đồng. Với Yên Bái thì sao, thưa ông?

Thanh Hoá là tỉnh lớn, vấn đề ở Yên Bái cũng có một mặt là kinh phí. Ví dụ năm 2010, ngành xác định cần 91.000 liều vắc xin tiêm phòng cho trâu, bò nhưng Trung ương chỉ bao cấp 50% vì Yên Bái được coi là vùng đệm chứ không phải trọng điểm dịch bệnh LMLM. Vì thế, 50% còn lại, tức là 45.000 liều nhân với giá bình quân 20.000 đồng/liều thì đó là tiền tỷ, kể cả các chi phí khác. Kinh phí này ngành đã báo cáo, hiện chờ chỉ đạo từ UBND tỉnh, nói chung là khó khăn.

- Cũng liên quan đến kinh phí, nông dân nói họ cần có sự hỗ trợ kịp thời khi trâu, bò của họ mắc bệnh LMLM phải tiêu huỷ?

Khi trâu bò mắc dịch bệnh, theo quy định, có thể tiêu huỷ hoặc giết mổ những con mới chớm bệnh và phải giữ môi trường tốt. Nông dân có trâu bò tiêu huỷ sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30.000 đồng/kg hơi. Còn lại có thể giết mổ, việc này đã rõ ràng theo quy định của Nhà nước.

- Ông cho rằng không thể diệt dập bệnh LMLM triệt để. Vậy ông dự đoán tình hình năm nay sẽ thế nào khi mà 41 con trâu, bò ở Yên Bình đầu năm nay đã được phát hiện mắc bệnh LMLM và đâu là công việc phải tập trung để phòng chống dịch bệnh?

Năm nay sẽ rất khó lường, môi trường, khí hậu biến đổi rất rõ rệt, nền nhiệt độ ấm và hanh khô nên sẽ tiếp tục phát sinh bệnh, không loại trừ thành dịch. Thứ nhất, phải tuyên truyền sao cho người dân hiểu rõ về bệnh LMLM ở gia súc, nhất là trâu, bò. Phải hiểu là bệnh có sẵn trong môi trường, trong trâu, bò, khi có điều kiện thuận lợi là bùng phát. Như người mắc vi rút viêm gan B chẳng hạn, không phát bệnh nhưng trong cơ thể đã có sẵn mầm bệnh. Thứ hai, phòng là cơ bản, phải làm tốt vệ sinh, chăm sóc gia súc (trâu, bò) nhưng quan trọng nhất là kiểm soát chặt về giống, nắm chắc lí lịch trâu bò xuất nhập, cần nhanh chóng lập các trạm chốt kiểm dịch tại các "cửa khẩu", trên lưu thông và phải làm tốt việc tiêm phòng cho gia súc (trâu, bò).

- Câu hỏi bên lề, thưa ông việc nhập đàn với số lượng lớn để tăng đàn cơ học có phải là cách tốt nhất để tăng đàn trâu bò hay không?

Mấy năm vừa rồi, chúng ta tăng đàn chủ yếu bằng nhập trâu, bò từ các địa phương. Cũng có mặt tích cực của nó và thực tế đàn trâu bò có tăng nhưng tôi nghĩ đã tới lúc phải thực hiện hai biện pháp để tăng đàn, nhập trâu, bò nhưng phải hướng mạnh vào tăng đàn bằng "nhập" trâu bò nội bộ trong tỉnh, vậy mới bền vững. Việc này, ngành đã tham mưu cho tỉnh tới đây thực hiện chương trình bò nghèo với số lượng 7.000 con.

- Xin cảm ơn ông!

Q.K (thực hiện)

Các tin khác

Theo tin từ Bộ Tài chính, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được áp dụng từ năm 2003 sẽ kết thúc trong năm nay.

Lãnh đạo KBNN Yên Bái và Vụ Thanh tra KBNN trao thưởng cho thí sinh Vũ Thị Liên, đạt giải xuất sắc trong hội thi nghiệp vụ kế toán KBNN Yên Bái năm 2009.

YBĐT - Được thành lập từ ngày 1/7/1995 và là đơn vị thuộc Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, KBNN Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về quỹ ngân sách Nhà nước; các quỹ tài chính Nhà nước và các quỹ Nhà nước khác; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước (NSNN), cho đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.

Chị Hồ Thị Nhu thôn Thanh Sơn - Tuy Lộc -  (thành phố Yên Bái) thu hái hoa.

YBĐT - Đã gần mười năm kể từ khi nghề trồng hoa “bén rễ” trên mảnh đất xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái). Trồng hoa không chỉ mang lại thu nhập thường xuyên mà còn giúp nhiều hộ nông dân nơi đây thoát nghèo và từng bước có cuộc sống khá giả. Gia đình chị Hồ Thị Nhu (ở thôn Thanh Sơn) là một trong những hộ như thế.

Ngày 18-3, giá vàng trong nước phản ứng khá chậm so với vàng thế giới do giới đầu cơ còn neo giá bán.

Giá vàng bán ra trong nước đến trưa 18-3 chỉ còn 26,57 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục