Yên Bái chống hạn cứu lúa xuân: Đã chủ động nhưng còn nhiều bất cập

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/3/2010 | 2:26:01 PM

YBĐT - Do không có mưa trong nhiều tháng qua, đã làm cho lượng nước ở sông suối, ao, hồ, đầm chứa nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái giảm từ 20 - 30% so với nhiều năm trước. Tỉnh và các địa phương đã chủ động chống hạn cứu lúa xuân nên hầu hết diện tích lúa đã cấy có đủ nước dưỡng. Nhưng thực tế, công tác chống hạn vẫn còn nhiều khó khăn và còn những tồn tại cần phải khắc phục.

Nhiều cánh đồng, thửa ruộng sau cấy đang nằm chờ nước về nhưng có lẽ chưa biết đến bao giờ mới có nước?
Nhiều cánh đồng, thửa ruộng sau cấy đang nằm chờ nước về nhưng có lẽ chưa biết đến bao giờ mới có nước?

Trước khi bước vào vụ sản xuất đông xuân 2009 - 2010, tỉnh Yên Bái, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương đã xác định sản xuất đông xuân năm nay sẽ gặp khó khăn do hạn hán kéo dài. Vì vậy, tỉnh đã có sự chỉ đạo rất cụ thể và thu được một số kết quả bước đầu, đó là đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy trên 17.300 ha lúa xuân đảm bảo khung thời vụ quy định.

Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, lượng mưa ít nên toàn tỉnh đã có gần 1.500 ha lúa sau cấy bị thiếu nước dưỡng, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây lúa ở nhiều địa phương. Trước thực trạng trên, các địa phương đã chủ động, tích cực chống hạn cho lúa.

Hơn 2 tháng nay, chiếc máy bơm dã chiến đặt tại thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán (huyện Trấn Yên) hoạt động liên tục để có đủ nước cho bà con nông dân trong thôn và một vài thôn lân cận sản xuất lúa xuân.

Vụ xuân năm nay, huyện Trấn Yên gieo cấy trên 2600 ha lúa. Tuy nhiên, ở các xã hiện có khoảng 500 ha lúa bị thiếu nước, cần phải bơm nước thường xuyên thì lúa mới có thể sinh trưởng phát triển bình thường. UBND huyện Trấn Yên đã có nhiều biện pháp tổ chức chỉ đạo công tác chống hạn. Vì vậy, đến thời điểm cuối tháng 3, phần lớn diện tích lúa đã cấy của huyện đang sinh trưởng phát triển bình thường. Thành phố Yên Bái cũng có trên 64 ha lúa bị thiếu nước. Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của UBND thành phố, các xã, phường và bà con đã tích cực chủ động chống hạn cho lúa, nhưng công tác chống hạn đang rất khó khăn do không có nguồn nước để bơm, tát. Hợp Minh là xã hiện có diện tích lúa sau cấy bị thiếu nước dưỡng lớn nhất thành phố. Vụ xuân này, cả xã gieo cấy trên 70 ha lúa thì đến nay đã có gần 30 ha không đủ nước dưỡng. Nhiều diện tích lúa có khả năng không thể sinh trưởng và phát triển được do thiếu nước.

Không chỉ ở thành phố Yên Bái mà ở các huyện: Yên Bình, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, công tác chống hạn cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều cánh đồng, thửa ruộng sau cấy đang nằm chờ nước về nhưng có lẽ chưa biết đến bao giờ mới có nước? Bởi nguồn nước dự trữ ở các ao, hồ, đầm, ngày một cạn đi, dẫn đến không thể có nguồn để tưới cho lúa. Mặt khác, do giá xăng dầu tăng, lại đang vào thời điểm giáp hạt nên nhiều nông dân không đủ tiền mua nhiên liệu để bơm nước.

Hiện nay, công tác chống hạn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa đang được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và các địa phương. UBND tỉnh đang tiếp tục yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, tập trung cho công tác chống hạn và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong vụ sản xuất đông xuân 2009 - 2010.

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh đối với công tác chống hạn trong vụ sản xuất đông xuân 2009 - 2010 là nhất quán. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn không biết giải quyết thế nào đối với yêu cầu xin hỗ trợ kinh phí chống hạn của nông dân? Do không có hướng dẫn nên đến khi công tác chống hạn ở cơ sở gặp khó khăn, nhất là vào thời điểm hiện tại, các địa phương mới làm văn bản đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho công tác chống hạn. Đề nghị còn phải chờ tỉnh phê duyệt, sau đó các cơ quan chức năng mới căn cứ quyết định của tỉnh triển khai thực hiện theo đúng quy trình. Vậy thì, không biết đến khi nào, nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho công tác chống hạn mới về đến các huyện, thị xã, thành phố, trong khi công tác chống hạn đang rất cấp bách?

Với chức năng tham mưu với UBND tỉnh, lẽ ra trước khi bước vào vụ sản xuất đông xuân năm nay, trước dự báo tình hình hạn hán sẽ xảy ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chính sách hỗ trợ bao gồm: mức hỗ trợ, biện pháp quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác chống hạn, để tỉnh ra quyết định hỗ trợ sớm nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo thực hiện tại cơ sở. Nhưng do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa làm được việc này nên đến khi các địa phương làm văn bản đề nghị xin hỗ trợ, UBND tỉnh mới có phương án hỗ trợ. Và như vậy, kinh phí hỗ trợ cho công tác chống hạn chậm so với yêu cầu và hiệu quả hỗ trợ sẽ không cao.

Vấn đề này cần được rút kinh nghiệm không chỉ trong công tác chống hạn cho vụ sản xuất đông xuân năm nay mà trong tất cả các lĩnh vực khác để các địa phương có thể chủ động hơn nữa trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất tại cơ sở.

Bạch Liên

Các tin khác

YBĐT-Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi đón tết Nguyên đán song các lâm trường, trường học các tổ chức xã hội và bà con nhân dân các dân tộc Yên Bái lại lên đồi trồng cây, trồng rừng. Năm 2010 này cũng vậy, ngay những ngày đầu của năm mới nhà nông Yên Bái đã đồng loạt ra quân trồng rừng vụ xuân rất sôi động.

Ngày 28.3, Vietnam Airlines (VNA) đã cùng một lúc khởi động 3 đường bay mới, trong đó 2 đường bay quốc tế là TP.HCM và Hà Nội đi Thượng Hải và đường bay TP.HCM - Cần Thơ - Phú Quốc.

USD đột ngột tăng trở lại, vượt mức 19.300 đồng/USD

Sáng 29/3, phiên giao dịch đầu tuần, giá USD đã tăng ngược trở lại sau một tuần liền giảm giá khi nhanh chóng vượt qua mốc 19.300 đồng.

YBĐT- Thực hiện kế hoạch trồng mới trên 14 ngàn ha rừng trong năm 2010, ngay từ những ngày đầu năm các huyện, thị, thành phố, công ty lâm nghiệp đã tổ chức đồng loạt ra quân trồng rừng vụ xuân. Do chuẩn bị tốt diện tích đất, cây giống và các vật tư thiết yếu nhờ vậy đến hết tháng 3, toàn tỉnh đã trồng được trên 2 ngàn ha rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục