Khẩn trương khắc phục hậu quả do thi công công trình kè chống sạt lở bờ sông Hồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/5/2014 | 8:36:39 AM

YBĐT -Dự án kè chống sạt lở bờ sông Hồng khu vực thành phố Yên Bái được phê duyệt tại Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 22/9/2009 với tổng mức đầu tư 278,03 tỷ đồng. Quá trình thi công Dự án kéo dài, chậm tiến độ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu nhà cửa của một hộ dân ở đây.

Thi công gói thầu số 43 công trình kè chống sạt lở bờ sông Hồng.
Thi công gói thầu số 43 công trình kè chống sạt lở bờ sông Hồng.

Vừa qua, Báo Yên Bái đã nhận được đơn thư của ông Nguyễn Thế Hải, số nhà 519, tổ 48, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái với nội dung xoay quanh vấn đề thi công kè sông Hồng kéo dài, chậm tiến độ làm ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu nhà cửa của gia đình ông và nhiều hộ dân khác trong khu vực, gây nguy hiểm đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân. Trong thư ông Hải cho biết, đã 2 lần làm đơn gửi chính quyền phường Hồng Hà nhưng chưa được giải quyết.

Trên cơ sở nội dung đơn thư, phóng viên Báo Yên Bái đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân bị ảnh hưởng. Theo quan sát của phóng viên, phía sau nhà ông Hải rất gần khu vực thi công công trình kè bờ sông Hồng. Nhà ông Hải là công trình nhà cấp IV được xây dựng từ năm 2003. Hiện tại, toàn bộ công trình vệ sinh và một phần bếp của gia đình đã bị sạt phần nền. Kết cấu bếp, nhà bị nứt nhiều chỗ rất nguy hiểm. Hai hộ liền kề là gia đình ông Đường Văn Hồng và bà Nguyễn Thị Minh Hiền cũng chung tình trạng lún sụt, kết cấu nhà bị nứt rất nguy hiểm. Tại thời điểm ngày 9/5, ba hộ dân này đã di chuyển đến nơi khác tạm trú.

Tiếp tục tìm hiểu vấn đề trên, phóng viên Báo Yên Bái đã có buổi làm việc với ông Ngô Kim Ngọc - Chủ tịch UBND phường Hồng Hà. Ông Ngọc cho biết: Ngày 2/4/2014, UBND phường Hồng Hà đã mời đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án và xây dựng công trình thủy lợi (thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cùng UBND phường Hồng Hà kiểm tra thực tế tại các hộ gia đình, lập biên bản ghi nhận những ảnh hưởng và tiếp tục theo dõi. Trong thời gian này, nhà của các hộ tiếp tục bị ảnh hưởng đến kết cấu. Ngày 8/4/2014, UBND phường tổ chức buổi làm việc với chủ đầu tư, đơn vị thi công, đại diện Phòng Quản lý đô thị thành phố Yên Bái và người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Tại cuộc họp này, Phòng Quản lý đô thị đã xác định nguyên nhân lún nứt nhà của các hộ dân là do thi công kè sông Hồng và đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công phối hợp với UBND phường, cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ thiệt hại và đền bù cho người dân. Chủ đầu tư và đơn vị thi công đã hứa sẽ mời đơn vị tư vấn kiểm tra mức độ thiệt hại của các hộ dân để đền bù nhưng không đưa ra thời gian cụ thể. Chủ đầu tư cũng yêu cầu UBND phường tổ chức di dời 3 hộ dân khỏi nơi ở để đảm bảo an toàn tính mạng. Trong khoảng thời gian di dời, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ tiền nhà cho các hộ theo quy định.

Tuy nhiên, đến ngày 24/4/2014, UBND phường Hồng Hà mới có thông báo về việc di chuyển chỗ ở đảm bảo an toàn cho người dân. Trong khi đó, do lo sợ nguy hiểm nên người dân đã di chuyển từ đầu tháng 4. Nguyên nhân sự chậm trễ khi ra thông báo di dời do UBND phường phải có căn cứ là văn bản đề nghị của chủ đầu tư là Ban quản lý dự án và xây dựng công trình thủy lợi, mà văn bản này ngày 23/4/2014 UBND phường mới nhận được. Do vậy, việc hỗ trợ di dời cho người dân cũng chỉ được tính từ ngày 24/4/2014.

 

Công trình nhà vệ sinh, kết cấu nhà cửa của gia đình ông Hải bị ảnh hưởng do quá trình thi công.

Tại buổi làm ngày 8/4/2014, do chủ đầu tư chưa đưa ra thời gian cụ thể khắc phục hậu quả dẫn đến những lo lắng băn khoăn của người dân. Ông Hải và các hộ dân khác chịu ảnh hưởng không biết khi nào mới có thể quay lại nơi ở cũ và được nhận đền bù sửa chữa nhà.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Đôn - Trưởng Ban quản lý dự án và xây dựng công trình thủy lợi cho biết: “Chúng tôi không né tránh trách nhiệm, theo quy định của UBND tỉnh, trong quá trình thi công các công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận thì đơn vị thi công, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hiện, chúng tôi đang tìm kiếm đơn vị tư vấn độc lập tiến hành đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hộ dân, xác định tổng số tiền đền bù. Trong tháng 5/2014, sẽ tìm được đơn vị tư vấn và tháng 6 sẽ hoàn thành xác định, đánh giá thiệt hại, tính toán số tiền bồi thường trình UBND thành phố Yên Bái. Trong thời gian người dân phải di dời tạm thời, chúng tôi sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ dân theo quy định của UBND tỉnh”.

Dự án kè chống sạt lở bờ sông Hồng khu vực thành phố Yên Bái được phê duyệt tại Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 22/9/2009 với tổng mức đầu tư 278,03 tỷ đồng. Các đoạn kè đang triển khai thực hiện có tổng chiều dài 1.248,8 m. Gói thầu số 43 (đoạn từ M24-2+25,78m đến M30), nhà thầu thực hiện là Liên doanh Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nông thôn 6 và Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Hợp An là gói thầu trực tiếp gây ảnh hưởng đến các hộ dân đang sinh sống tại tổ 48, phường Hồng Hà có tổng chiều dài 270,1m. Hiện nay, các nhà thầu thi công cơ bản hoàn thành xong phần tường móng chân kè. Dự kiến hoàn thành toàn bộ tường móng kè và hoàn thiện một số đoạn mái xung yếu trước mùa mưa lũ. Phấn đấu hoàn thành toàn bộ đoạn kè này trong năm 2014.

Như vậy, chủ đầu tư đã có kế hoạch tiến hành đền bù cho người dân, tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi, Ban quản lý dự án và xây dựng công trình thủy lợi cần đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là việc đắp móng kè. Để khi người dân được đền bù có thể tu sửa lại các công trình bị hư hỏng, tránh tình trạng sau này tu sửa xong trở về nơi ở cũ lại tiếp tục bị lún sụt, gây lãng phí tiền của Nhà nước, công sức cũng như sự an toàn của người dân.

Anh Dũng

Các tin khác
Giàn khoan HD 918 của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngày 19/5, Hội Tem Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hội Tem Việt Nam phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép

Đó là một trong những nội dung của Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu vực các KCN, KCX đến năm 2020” vừa được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức triển khai vào ngày 19-5.

Để kiểm chứng nguồn gốc và độ chính xác của bộ bản đồ, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã phải đến tận nơi nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen vẽ và tổ chức in bản đồ.

Bộ bản đồ cổ do Bỉ sản xuất năm 1827 được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao đã khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

YBĐT – Ngày 19/5, Huyện đoàn Trấn Yên (Yên Bái) tổ chức Ngày hội mổ heo đất năm học 2013 – 2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục