Mong một con đường cho thôn “ba không”!

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/6/2014 | 2:22:16 PM

YBĐT - Cái tên thôn “3 không” (không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch) do các thương lái và bà con ở vùng ngoài đặt cho thôn 8. Con đường từ trung tâm xã vào thôn 8 được Nhà nước đầu tư mở từ năm 2007 nhưng sau 7 năm đưa vào sử dụng, không được tu sửa, đường đã bị sạt lở, xói mòn, xuống cấp nhiều.

Sau cơn mưa, đường giao thông từ thôn 8 ra xã rất lầy lội khó đi.
Sau cơn mưa, đường giao thông từ thôn 8 ra xã rất lầy lội khó đi.

Châu Quế Thượng là xã vùng sâu, vùng xa cách trung tâm huyện lỵ Văn Yên trên 40km, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ...

Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các thôn vùng ngoài (trung tâm xã) đã có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, ba thôn vùng trong vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là thôn 8 - nơi cách xa trung tâm xã trên 13km, 99% là đồng bào Mông đang mong chờ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Cái tên thôn “3 không” (không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch) do các thương lái và bà con ở vùng ngoài đặt cho thôn 8. Con đường từ trung tâm xã vào thôn 8 được Nhà nước đầu tư mở từ năm 2007 nhưng sau 7 năm đưa vào sử dụng, không được tu sửa, đường đã bị sạt lở, xói mòn, xuống cấp nhiều. Những đoạn bằng phẳng thì chủ yếu là rãnh ô tô tải sâu đầy bùn và nước, còn lại là lội suối, dốc, có những đoạn dài cả 2km. Vì vậy, mặc dù từ trung tâm xã vào đến thôn chỉ khoảng hơn chục ki-lô-mét nhưng chúng tôi mất hơn một giờ đồng hồ ngồi trên xe máy “bò” bằng số một mới có mặt tại thôn 8.

Thầy giáo Nguyễn Văn Chấn đã có thâm niên 12 năm cắm bản tại đây cho biết: “Nhìn chung, ở thôn này khó khăn trăm bề. Đối với các thầy cô giáo vào công tác ở đây, hiện nay cần thiết nhất là giao thông đi lại, điện và sóng điện thoại. Hầu như giáo án của chúng tôi hơn chục năm nay là soạn bằng đèn dầu, đèn pin; có những lúc con cái mình ở ngoài nhà ốm hoặc gia đình có công việc đột xuất mà cả tuần vẫn không hay biết vì không có sóng điện thoại nên vợ con không tài nào gọi thông tin cho được. Đặc biệt là một số ngày cuối tuần về nhà, nếu gặp trời mưa thì các thầy, cô dạy ca sáng phải đi bộ vào thôn từ lúc 5 giờ sáng để kịp lên lớp cho học sinh. Thương các em học sinh nghèo vốn đã thiệt thòi nhiều so với học sinh ở ngoài trung tâm xã nên chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng khắc phục, tìm mọi cách để truyền đạt kiến thức cho các em hiệu quả nhất”. Vậy là không riêng gì 82 hộ dân trong thôn mà bất kỳ ai vào đây, mọi sinh hoạt cũng đều chịu chung một cảnh ngộ.

Bên cạnh đường, điện thì nguồn nước sinh hoạt 100% vẫn mắc ống dẫn nước từ các khe suối về sử dụng, không qua hệ thống bể lọc nên cơ bản đều không đảm bảo vệ sinh. Dọc hai bên ven đường, từ đầu thôn đến cuối thôn, hộ nào cũng có một cái bể nước vuông vắn hoặc một cái thùng phi với khối lượng chứa khoảng 0,8 đến 1m3 nước. Nhìn bề ngoài sạch sẽ nhưng khi đến nhìn thực tế tận bể mới thấy, dưới các đáy bể lắng đọng lại một lớp bùn, cát bụi bẩn; nước của một số hộ còn có màu hơi đục do gia súc ủi bới ở phía đầu nguồn...

 

Các hộ dân trong thôn hàng ngày sử dụng nguồn nước dẫn từ khe suối về, không qua hệ thống bể lọc.

Điều này đang trực tiếp hàng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe của trên 440 con người ở trong thôn. Đó là còn chưa kể một số khe hai bên xung quanh là nương đồi trồng sắn nên hàng năm, nhân dân còn phun một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ. Mặc dù chưa có ca ngộ độc nào xảy ra song về lâu dài luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc.       

Khó khăn nhất đối với các hộ dân ở đây trong phát triển kinh tế là đường giao thông đi lại còn rất khó khăn. Chỉ vào đứa con trai kháu khỉnh chừng 19 tháng tuổi, anh Thào A Chu - một người dân mạch lạc kể lại câu chuyện như vừa mới xảy ra hôm trước: “Đúng tối hôm mẹ nó đau bụng đẻ thì trời mưa nên không đưa đi được Trạm Y tế, chúng tôi vận dụng hết các mẹo cổ truyền mà sau một ngày vẫn không đẻ được. Tôi đi nhờ anh em dân làng đến lấy võng cáng ra đến trạm, cán bộ y tế ở trạm cũng không giúp được. Phải gọi xe cấp cứu chuyển tuyến nhưng may mắn thế nào sau đấy mẹ nó đã tự đẻ được trước khi xe cấp cứu đến, làm cả nhà được một trận hết hồn”.

Nhưng không phải ai cũng có may mắn như anh Chu, đó là trường hợp của anh Tráng A Hlu mới xảy ra đầu năm 2014. Vợ anh Hlu đau bụng đẻ vào dịp trời mưa rào, sương mù cả tuần, đường trơn, không đưa ra Trạm Y tế kịp nên con bị ngạt thở và chết trước khi đẻ ra. Về lĩnh vực phát triển kinh tế, thôn 8 hiện có trên 7ha ruộng nước, trong đó trên 80% diện tích cấy được hai vụ nhưng do khí hậu lạnh hơn và kỹ thuật canh tác của nhân dân còn hạn chế nên năng suất còn thấp so với mặt bằng chung của xã.

Các sản phẩm lúa, ngô, sắn do giao thông không thuận lợi, giá cả chênh lệch từ 4 đến 5 giá so với ngoài trung tâm xã. Vì vậy, phần lớn nhân dân sản xuất để tự cung tự cấp. Vụ sắn năm 2013, trời mưa, ô tô không vào thu mua được, để lâu ẩm mốc, cả thôn hỏng hết trên 50 tấn sắn khô, cuối cùng phải bán từ giá 3.500 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg, thiệt hại cả mấy chục triệu đồng...

Hiện nay, trên 85% số hộ trong thôn là hộ nghèo; 80% số người độ tuổi từ 30 trở lên không biết chữ, tỷ lệ học sinh sau khi học xong trung học cơ sở học tiếp trung học phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay...

Đối với 82 hộ dân ở thôn 8 thì mong muốn hơn hết trong lúc này vẫn là có một con đường thông suốt để đi lại thuận lợi 4 mùa. Ông Hoàng Xuân Thượng - Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng cho biết: “Với những khó khăn của thôn 8, xã đã có kiến nghị với UBND huyện Văn Yên và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp về những vấn đề này. Trong thời gian tới, cùng với việc địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức thực hiện tốt hơn nữa các phong trào lao động, sản xuất thì cũng mong Nhà nước sớm quan tâm đầu tư nâng cấp đường, điện, nước để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

Những năm gần đây, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước đã dần được đẩy lùi, hàng năm bà con đã tự chủ động giống cây trồng, vật nuôi, vật tư cần thiết cho mùa vụ, tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình. Song với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 85%, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm thì nhân dân cũng chưa thể tự đóng góp làm nên những công trình lớn trong một sớm một chiều. Vì vậy, đồng bào nơi đây rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hơn nữa để tạo đà phát triển! 

A Mua

Các tin khác
Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị hư hỏng do bị tàu Trung Quốc cố tình đâm va (Ảnh: Cục Kiểm ngư cung cấp)

Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, ngày 1/6, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc không ổn định vị trí.

Thị trường hoa quả, bánh tro, lá tắm mát... sôi động trong dịp Tết Đoan ngọ.

YBĐT - Hôm nay là Tết Đoan ngọ (dân gian còn gọi là Tết giết sâu bọ - mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Từ chiều hôm trước đến sáng sớm nay, không khí của ngày tết này thực sự sôi động.

YBĐT - Cùng cả nước, hôm nay 2/6, 7.505 thí sinh (6.262 thí sinh THPT, 1.243 thí sinh khối giáo dục thường xuyên) tại 26 hội đồng coi thi và 312 phòng thi trong tỉnh đã bước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nắng nóng gay gắt trên diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xảy ra đan xen với các đợt mưa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục