Tăng cường tuyên truyền công tác phòng chống lụt bão trong dân
- Cập nhật: Thứ ba, 3/6/2014 | 2:30:54 PM
YBĐT - Chuyện những mùa lũ “lịch sử” với thiệt hại lớn về người và tài sản từng được ghi nhận tại thành phố Yên Bái không hiếm. Mùa lũ năm 2008, mưa lớn, gió giật mạnh, kéo dài, nước sông Hồng dâng cao khiến hệ thống thoát nước nội ô gần như bị tê liệt, gây ứ đọng cục bộ toàn thành phố.
Ở Yên Bái còn nhiều hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở taluy trong mùa mưa bão.
(Ảnh: Khánh Linh)
|
Nhiều đoạn và phân đoạn taluy sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hàng ngàn cửa hàng, nhà kho của các hộ kinh doanh bị nước lũ tấn công, gây thiệt hại nặng về tài sản và làm 2 người chết. Tổng thiệt hại về kinh tế lên tới 56 tỉ đồng. Qua các mùa bão lũ, đa số thiệt hại về người là bị điện giật, hoặc sập taluy, một số ít bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại về vật chất chủ yếu là hư hỏng nhà cửa, tài sản, hàng hóa do không kịp di chuyển…
Mùa bão lũ năm 2014 đang đến. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, công tác tuyên truyền đã được thực hiện rất sớm. Mặt khác, Ban chỉ đạo phòng chống bão lũ các cấp đã được kiện toàn và lập tức vận hành, thực hiện nghiêm các quy định, quy tắc, đề cao tinh thần trách nhiệm trong trực phòng chống bão lũ…
Nhưng một thực tế đáng buồn và rất cần chấn chỉnh, đó là người dân chưa có nhận thức tốt và sự quan tâm đúng mức trước mùa bão lũ. Khu dân cư nằm trên bờ kè sông Hồng thuộc tổ 24a, 24b phường Nguyễn Phúc từ lâu vốn đã làm “đau đầu” chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng bởi vị trí nhà cửa rất “bấp bênh”, sát “bờ vực”. Phía này vốn là “bên lở” của dòng sông nên cứ mỗi năm trôi qua, phần chân “móng” của các nhà lại bị xói thêm vào một chút khiến làm mất an toàn của các công trình kiến trúc của các gia đình, đặc biệt vào mùa lũ, nước sông dâng cao.
Được biết, các cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động, thậm chí phải cưỡng chế nhưng dường như các hộ gia đình ở đây vẫn “bình chân như vại” trước mối đe dọa thường trực này.
Hay ở địa bàn giáp ranh giữa các hộ dân ở mặt đường Điện Biên – thuộc tổ 48 phường Minh Tân (gần ngã tư Km4) với các hộ dân thuộc tổ 51 cùng phường. Ngay sát phía sau khu dân cư tổ 48 là một taluy cao trên 20m thuộc quyền sở hữu của hộ dân tổ 51. Lâu nay, các hộ dân tổ 48 đã nhiều lần “moi chân” taluy này, lấn vào trong phần đất của người khác dẫn đến việc đất taluy sụt lở nghiêm trọng.
Khi chính quyền địa phương can thiệp, nhiều hộ dân của tổ 48 đã viện đủ các lí do để không xuất trình giấy chứng nhận quyền sở hữu và sử dụng đất, dẫn đến đất hàng ngày vẫn cứ lở, tranh chấp vẫn tiếp tục xảy ra. Đây cũng là một điều đáng lo ngại khi mùa bão lũ đang đến gần, đất có thể sập với khối lượng lớn, gây hậu quả khôn lường…
Do tác động của biến đổi khí hậu, tài nguyên rừng bị tàn phá nặng nề…, cấp thiết, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa, sâu sát hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân về hậu quả của bão lũ. Bản thân người dân cũng cần phải hiểu rằng, công tác phòng chống lụt bão là việc làm thường xuyên, liên tục và quan trọng nhất là nó mang lại sự an toàn cho chính bản thân mình.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, hoạt động của Thanh tra huyện Trạm Tấu đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: tranh chấp đất đai, chặt phá rừng làm nương, công tác phòng chống tham nhũng, buôn lậu, thực hành tiết kiệm chống lãng phí…
Khẩu hiệu "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn lựa là chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay.
Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1 quận Hoàn Kiếm với tỷ lệ 1/2.000 đã được chính thức thông qua trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 5.
Ngày 2-6, theo thông báo từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm 333 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 tỉnh, thành phố, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Phú Yên.