Hưởng ứng ngày Dân số Việt Nam 26/12

Tăng cường giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/12/2014 | 1:17:51 PM

YBĐT - Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Yên Bái triển khai lồng  ghép các nội dung chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, sinh đẻ kế hoạch tới nhân dân trong đợt truyền thông dân số tại Trạm Y tế xã Hợp Minh tháng 10/2014.
Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Yên Bái triển khai lồng ghép các nội dung chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, sinh đẻ kế hoạch tới nhân dân trong đợt truyền thông dân số tại Trạm Y tế xã Hợp Minh tháng 10/2014.

Tình trạng gia tăng dân số nhanh đã được kiểm soát, tốc độ tăng dân số bình quân hiện nay là 0,95%/năm, giảm mạnh so với thời kỳ 1989 - 1999 (là 1,7%/năm). Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2013 là 1,23%, năm 2014 là 1,16%. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2013 là 2,13 con (năm 2001 là 2,56 con). Nhiều địa bàn ở thành phố, thị xã, vùng thấp đã đạt mức sinh thay thế hoặc tiệm cận mức sinh thay thế. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2013 là 9,67%, năm 2014 là 9,45%. Nhận thức của nhân dân về DS-KHHGĐ có sự chuyển biến tốt.

Quy mô gia đình ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi. Phong trào thi đua xã, phường, thôn, bản không có ngươi sinh con thứ 3 trở lên được duy trì, nhân rộng. Các kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy  nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác DS-KHHGĐ đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Yên Bái vẫn thuộc nhóm  tỉnh có mức sinh cao trong toàn quốc.


Giai đoạn 2015-2020, số phụ nữ từ 15-49 tuổi sẽ tăng nhanh và gấp khoảng 1,3 lần so với hiện nay, trong đó, nhóm phụ nữ từ 20-34 tuổi chiếm đa số. Do vậy, theo dự báo, trong những năm tới, dân số Yên Bái tiếp tục tăng và có nguy cơ tăng sinh trở lại. Nếu để mức sinh tăng trở lại và tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3-2,5 con/phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số của tỉnh sẽ ở mức quá cao, kéo theo mật độ dân số cao. Điều này gây áp lực lớn đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm, rất bất lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu nhân khẩu học của tỉnh trong tương lai.

Ngược lại nếu để mức sinh giảm xuống quá thấp và tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ sẽ dẫn đến dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động; giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” ngắn lại; “già hóa dân số” diễn ra nhanh, rất bất lợi đối với  sự phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu nhân khẩu học của tỉnh trong tương lai.

Do đó, cần duy trì mức sinh ở mức thấp hợp lý với tổng tỷ suất sinh khoảng từ 1,9-2,0 con/phụ nữ thì quy mô dân số sẽ ổn định. Điều này sẽ phát huy được các lợi thế của dân số, đó là  quy mô dân số sẽ ổn định ở mức thấp hơn, cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng hơn, giảm dần được sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các vùng, duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, kéo dài giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm thời gian chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già”, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh trong cả hiện tại và tương lai.

Cần duy trì mức sinh ở mức thấp hợp lý với tổng suất sinh khoảng 1,9-2,0 con/phụ nữ. Ảnh: Tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ xã Xuân Tầm (Văn Yên).(Ảnh: Thanh Ba)

Để duy trì mức sinh thấp hợp lý, ngành y tế Yên Bái cần tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan thông tin đại chúng để phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước về DS - KHHGĐ, đặc biệt là mối quan hệ giữa dân số và phát triển; về thực trạng mức sinh và những khó khăn, thách thức cần giải quyết; về lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ và duy trì mức sinh thấp hợp lý đối với những vùng đã đạt mức sinh thay thế; tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh đối với vùng có mức sinh cao; tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã để đẩy mạnh các hoạt động tư vấn trực tiếp về lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ, về sử dụng các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tăng cường giám sát hỗ trợ việc kiểm soát mức sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông, ngành y tế cần đẩy mạnh triển khai đồng bộ các loại hình cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho nhân dân, đặc biệt là các địa bàn khó khăn trong tỉnh; tăng cường cung cấp và đa dạng hóa các biện pháp tránh thai để đáp ứng mọi nhu cầu của các cặp vợ chồng, nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên.

Bên cạnh đó, mở rộng hoạt động tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển, điều kiện tự nhiên thuận lợi và đối với các đối tượng có thu nhập ổn định; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách để bảo đảm mỗi cặp vợ chồng có quyền và nghĩa vụ sinh đủ 2 con; cung cấp biện pháp tránh thai miễn phí cho một số nhóm đối tượng không có khả năng chi trả ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn song song với đẩy mạnh các chương trình y tế, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.

Để có được kết quả đó cần có sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc và tham gia phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số và cuộc sống nhân dân. 

Kim Huế (Chi cục DS-KHHGĐ Yên Bái)

Các tin khác
Năm nay là năm thứ 3, đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ vui đón chung tết Nguyên đán.

YBĐT - Với mục đích tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng các dân tộc, năm 2012, tỉnh Yên Bái có chủ trương vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc vận động, hưởng ứng chủ trương của tỉnh, bước sang năm thứ 3 đón chung một tết, xã Bản Mù (Trạm Tấu) đã vui hơn với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo vượt trội.

Chị Hoàng Thị Dung (giữa) tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.

YBĐT - Nà Tạng là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Minh Xuân (Lục Yên), có 117 hộ dân với trên 400 khẩu, gồm các dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Thái, Nùng… cùng chung sống. Cuộc sống của người dân Nà Tạng trước đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chủ đề của ngày Dân số Việt Nam năm nay là “Duy trì mức sinh thấp hợp lý - vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

YBĐT - Ngày 25/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 12/2014 nhằm triển khai chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015. Đồng chí Hà Đức Hoan - Thường vụ Tỉnh ủy dự và chủ trì Hội nghị (ảnh).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục