Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Công an tỉnh Yên Bái (16/8/1946 - 16/8/2016)

Dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/8/2016 | 8:36:03 AM

YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Công an tỉnh Yên Bái (16/8/1946 - 16/8/2016), Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái và Đại tá Đinh Tiến Quân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai cùng đoàn công tác đã thăm, tặng quà tri ân các đồng chí nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn qua các thời kỳ.

Đến thăm đồng chí Hà Thiết Hùng - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Công an Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, lãnh đạo Công an 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai đã ân cần hỏi thăm và gửi lời chúc sức khỏe tới đồng chí. Mỗi lần vinh dự gặp đồng chí Hà Thiết Hùng, tôi vẫn luôn nhớ cuộc trò chuyện cùng ông năm 2008 - một bài học sâu sắc về công tác dân vận.

“…Cuối năm 1953, lúc đó tôi 24 tuổi, là đại đội trưởng 1 đại đội của Quân khu được cấp trên điều động cả đại đội của tôi sang trực thuộc Khu Công an Tây Bắc, phụ trách công tác cảnh vệ, bảo vệ Khu ủy. Ngay sau đó, đồng chí Trần Quyết là Phó Bí thư Khu ủy, Giám đốc Khu công an Tây Bắc (sau này đồng chí Trần Quyết là Thứ trưởng Bộ Công an) giao nhiệm vụ cho tôi đưa 1 trung đội đi bắt tên Trần Nhàn là quan hai trong quân đội Pháp, được Pháp cài lại để hoạt động biệt kích chống phá ta ở khu vực các xã Nậm Mười, An Lương (Văn Chấn), Mỏ Vàng (Trấn Yên nay thuộc huyện Văn Yên)… Trần Nhàn là đối tượng nguy hiểm, hắn rất cáo già nên đã mấy lần Quân khu đưa quân lên mà không bắt được.

Sau nhiều ngày nghiên cứu đối tượng, tôi biết Nhàn có rất nhiều cơ sở, hắn còn dùng cả “chính quyền 2 mặt” (có cán bộ xã tiếp tay cho hắn). Thế là việc làm đầu tiên của tôi là phải phát động sâu rộng phong trào quần chúng và xây dựng cơ sở để phát hiện nơi Trần Nhàn ẩn náu, cơ sở bí mật của tôi còn tiếp cận được cả đối tượng. Nhưng Trần Nhàn là 1 tên gian ác và khát máu, nếu thấy động hắn có thể thủ tiêu cả cơ sở của ta. Do vậy, sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, tôi đã xin lệnh cấp trên để bắt tên Chu lúc đó là Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng là đối tượng hoạt động 2 mặt, tiếp tay cho Trần Nhàn và tên Thọ là em vợ của Trần Nhàn để trấn áp “tay chân” của hắn và cô lập hắn.

Tiếp tục giáo dục quần chúng, chúng tôi đã có được 1 thông tin quan trọng: Trần Nhàn rất mê tín nên khi di chuyển hay làm gì hắn đều xem ngày và có 1 thầy mo được hắn đặc biệt tin tưởng. Nghiên cứu kỹ về thầy mo này, tôi được biết ông ta có 6 người con, trong đó 1 người con gái út, năm đó khoảng 17 tuổi, trong 1 lần vào rừng đưa cơm cho Trần Nhàn, Trần Nhàn đã bắt hiếp cô gái.

Qua cơ sở của ta, tôi gặp ông thầy mo, phân tích thế thắng lợi của nhân dân ta, vạch rõ tội ác của Trần Nhàn đối với nhân dân trong vùng và ngay cả với gia đình của ông ta. Thế rồi, ông thầy mo hiểu ra lẽ phải, đồng ý giúp ta bắt Trần Nhàn. Qua ông thầy mo, ta dung dọa bảo Nhàn nếu không di chuyển sẽ nguy hiểm. Nhàn tin lời thầy mo, đồng ý di chuyển đến 1 nơi trú ẩn mới khoảng 2 km đường rừng. Ông thầy mo chọn ngày Sửu là ngày tốt cho hắn. Qua ông thầy mo, ta cũng biết hắn còn 1 khẩu cạc-bin với khoảng 300 viên đạn và trong người luôn có 2 con dao nhọn. Đúng kế hoạch, khi Trần Nhàn vào ổ phục kích, 2 chiến sỹ của ta bất thần từ “dưới đất xông lên” hô hắn quy hàng nhưng Trần Nhàn nhanh như cắt lăn xuống khe núi,  quân ta bắn theo và cuối cùng đã bắt được hắn.

Do bị dính đạn, sợ hắn chết nên tôi hỏi cung ngay, đồng thời kêu gọi ai có thuốc cầm máu thì cứu hắn và ông thầy mo lại chính là người có vị thuốc quý giúp hắn cầm máu. Từ trong rừng sâu, chúng tôi phải đan sọt cho dân quân khiêng gần 1 ngày mới ra đến Sài Lương. Khi về đến bản Mản (An Lương), đồng bào ta nghe tin Trần Nhàn bị bắt vui mừng kéo đến chúc mừng, cũng đúng ngày Rằm tháng Giêng đồng bào mời ăn tết. Họ yêu mến cứ bắt tôi ăn cả 9 mâm theo phong tục của đồng bào.

Thế rồi, sau này, tôi dần trưởng thành, làm Giám đốc Công an tỉnh Nghĩa Lộ, Giám đốc Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhưng kỷ niệm lần đầu tiên cầm quân đánh án khi sang lực lượng Công an nhân dân vẫn làm tôi nhớ mãi, nhớ về công tác dân vận, về cách phát động phong trào và giáo dục quần chúng. Đây là kinh nghiệm quý báu của tôi trong suốt quá trình hoạt động cách mạng”.

Nguyễn Chí Dân (Ghi theo lời kể của đồng chí Hà Thiết Hùng)

Các tin khác

YBĐT - Hiện nay, tại Trung tâm Y tế thị xã có 140 đối tượng thực hiện điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

YBĐT - Hiện nay, huyện Lục Yên có 154 trường hợp nhiễm chất độc da cam đang được hưởng chế độ hàng tháng, trong đó 67 đối tượng là người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học; 87 người là con của đối tượng hoạt động kháng chiến.

YBĐT - Phường Hồng Hà và phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái đã phối hợp ra quân khơi thông dòng chảy tại suối Ngòi Yên.

Nỗi đau da cam cần nhiều trợ giúp của các tổ chức, cá nhân và xã hội. (Nguồn internet)

Hôm nay (10/8) là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam. Tại Hà Nội sẽ diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2016).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục