Với mong muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình, anh Nguyễn Thanh Bình ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã bước đầu xây dựng một mô hình khởi nghiệp. Đang theo học năm cuối tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bình đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức với Dự án trang trại gà HMông Yên Bái. Thành công này giúp Bình mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi giống gà thuần chủng đặc trưng của đồng bào Mông. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, bằng nhiều hình thức quảng bá, Bình đã giúp cho sản phẩm gà Mông Yên Bái được nhiều người biết đến.
Mô hình trồng hoa, cây cảnh của chị Nông Thị Thắm có nhiều giống hoa quý như hồng cổ Sapa, Vân khôi, bạch hoa.
Cùng với kinh nghiệm sau nhiều năm học tập và công tác tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chị Nông Thị Thắm ở thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đã ấp ủ trong mình ý tưởng xây dựng một vườn hoa ở vùng đất ngọc Lục Yên. Những kiến thức học được cùng sự năng động, chịu khó, Thắm đã vận động bố mẹ chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thử hoa. Sau 5 năm, mô hình vườn hoa của Thắm đã hình thành với tổng giá trị gần 600 triệu đồng gồm hàng trăm loài hoa, cây cảnh khác nhau, trong đó, có những giống hoa quý, được chính Thắm chiết, ghép, nhân giống như: hồng cổ Sapa, Vân khôi, bạch hoa.
Thanh niên khởi nghiệp trước tiên phải từ chính họ, nhưng để các ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực thì cần có sự tiếp lửa. Chính vì vậy mà thời gian qua, tổ chức Đoàn, Hội đã cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các phong trào "Tuổi trẻ Yên Bái tham gia xây dựng nông thôn mới” gắn với triển khai sâu rộng các cuộc vận động "Thanh niên giúp nhau làm kinh tế, giai đoạn 2014 – 2019”, "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” trong tuổi trẻ. Trong năm qua, đã có rất nhiều diễn đàn, sân chơi, cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp dành cho đoàn viên thanh niên cấp huyện, giúp các bạn trẻ có thêm cơ hội, kinh nghiệm để hiện thực hóa những ước mơ, hoài bão khởi nghiệp của bản thân.
Phát huy tinh thần khởi nghiệp, toàn tỉnh có gần 700 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó gần 400 mô hình thuộc lĩnh vực nông – lâm nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho trên 1000 đoàn viên thanh niên với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/ người/ tháng. Cùng với đó là việc duy trì và thành lập mới 13 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác và 91 câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế với trên 200 thành viên.
Không thể phủ nhận trong thời gian qua, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên Yên Bái đã có những bước chuyển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ cho những đổi thay tích cực của quê hương. Dù là thanh niên nông thôn hay thành thị, bằng cách này hay cách khác, khởi nghiệp ở đâu, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng luôn cần sự năng động, sáng tạo và đam mê. Tuổi trẻ dám dấn thân, dám khẳng định mình - đó mới chính là tinh thần của khởi nghiệp.
Thu Trang - Hoài Văn