Qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, các cấp bộ Đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp, lập nghiệp và phát huy thế mạnh của thanh niên tham gia thực hiện chuyển đổi số phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
Lực lượng trẻ nhiệt huyết, sáng tạo, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp song thực tế cho thấy nhiều đoàn viên thanh niên còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, để đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tế của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp và đạt được những kết quả quan trọng.
Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh đoàn đã tổ chức gần 20 lớp tập huấn xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể, nâng cao nhận thức, kỹ năng, khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh cho trên 1.200 ĐVTN tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Các cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái; cuộc thi ý tưởng, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tỉnh Yên Bái thu hút trên 1.300 ý tưởng, dự án tham gia.
Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật để các mô hình kinh tế thanh niên mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh hợp tác xã kiểu mới.
Thông qua nguồn vốn ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn thanh niên quản lý đã giúp đỡ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, tổng dư nợ uỷ thác của các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh đạt 853 tỷ đồng. Tổ chức Đoàn quản lý 428 tổ tiết kiệm và vay vốn với 14.760 hộ vay. Các cấp bộ Đoàn đã vận động ĐVTN thành lập mới trên 200 tổ hợp tác, 30 hợp tác xã, 30 doanh nghiệp.
Chị Hoàng Thị Hồng Thương - Bí thư Đoàn xã Đại Minh, huyện Yên Bình cho biết: "Từ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho thanh niên cũng như hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, đến nay, trên địa bàn xã có 3 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng”.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tuổi trẻ Yên Bái đã nỗ lực đi đầu thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS), góp phần cụ thể hoá Nghị quyết số 51/NQ-TU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đoàn đã chỉ đạo 100% Đoàn cơ sở thành lập đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán hàng hóa, dịch vụ không sử dụng tiền mặt, hướng dẫn tạo tài khoản và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hướng dẫn cài đặt và sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử”, ứng dụng công dân số Yên Bái-S; triển khai phần mềm quản lý đoàn viên, ứng dụng số i-HR trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm đến ĐVTN…".
Chị Huyền Trang, tiểu thương kinh doanh ở chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Khi
chợ Bến Đò thí điểm mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt, chúng tôi được các bạn đoàn viên, thanh niên nhiệt tình giúp đỡ để có thể tiếp cận và sử dụng ứng dụng một cách dễ dàng. Khi đã biết sử dụng thì việc thanh toán này rất thuận tiện không chỉ cho tiểu thương mà cả khách hàng”.
Cùng với đó, Tỉnh đoàn đã tổ chức 5 chương trình về CĐS trong trong tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm, tọa đàm "Thanh niên Yên Bái với công cuộc chuyển đổi số hiện nay” cho 600 ĐVTN; duy trì hiệu quả 173 tổ chuyển đổi số cộng đồng với nòng cốt là bí thư đoàn cơ sở với hơn 1.744 thành viên; trên 3.500 ĐVTN cài đặt và sử dụng ứng dụng i- HR trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm…
Để phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và công tác tổ chức, tuyên truyền về chuyển đổi số tiếp tục đổi mới, đa dạng, sáng tạo qua từng năm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái cho rằng các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục sáng tạo trong hình thức tuyên truyền, ứng dụng chuyển đổi số và phát huy hiệu quả mạng xã hội tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút ĐVTN tham gia các phong trào; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng hoạt động về cơ sở để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và nhiệm vụ chuyển đổi số tại địa phương.
Quan tâm tổ chức nâng cao năng lực, phương pháp hỗ trợ thanh niên về khởi nghiệp; tập huấn nâng cao năng lực ngoại ngữ giúp cán bộ Đoàn chủ động trong việc tiếp cận các thông tin về nguồn lực, giải pháp mới thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Ngoài ra, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh, thành Đoàn về cách làm hiệu quả thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp và thực hiện công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Thanh Chi