Bao giờ Cẩm Ân xoá được bán điện qua công tơ tổng?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/6/2007 | 12:00:00 AM

YBĐT - Trước tình trạng giá điện quá cao, người dân không được mua điện trực tiếp với ngành điện mà phải qua 21 ông "cai điện", Điện lực không hề đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện; hơn 3 km đường dây điện 0,4 KV do dân đóng góp, Điện lực Yên Bái sau khi thay thế đã thu lại không trả cho dân là không đúng pháp luật, người dân bất bình và đã có đơn kiến nghị với Điện lực Yên Bái, Sở Công nghiệp Yên Bái.

21 km đường điện không được đầu tư, nâng cấp gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng người dân.
21 km đường điện không được đầu tư, nâng cấp gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Nhằm giảm thiểu điện năng, ổn định giá điện trong khu vực nông thôn, xét đề nghị của Điện lực Yên Bái và Sở Công nghiệp Yên Bái về phương án "Điện lực Yên Bái tiếp nhận, xoá bán điện qua công tơ tổng ở nông thôn trên địa bàn", UBND tỉnh đã có Công văn số 606 ngày 4-6-2004 đồng ý để thị xã, huyện, xã làm thủ tục bàn giao lưới điện 0,4 KV địa phương đang quản lý cho Điện lực Yên Bái quản lý trực tiếp bán điện đến các hộ sử dụng theo quy định (trong đó huyện Yên Bình có hai xã là Cẩm Ân và Cảm Nhân). Sau khi xóa bán tổng xong, Điện lực Yên Bái sử dụng tổ chức quản lý điện địa phương đã được thành lập làm đại lý bán điện.

Công văn của UBND tỉnh đã rõ và nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo người dân nông thôn, trong đó có xã Cảm Nhân. Tuy nhiên, trong hơn ba năm qua, tại xã Cảm Nhân, Điện lực Yên Bái đã xuống và chỉ nhận bàn giao 3 km đường dây điện ba pha 0,4 KV và toàn bộ hệ thống điện nông thôn trong xã do HTX điện năng đang quản lý.

Trong 3 km đường điện 0,4 KV này, HTX đang thực hiện bán điện đến từng hộ dân và toàn bộ hệ thống điện này đều do nhân dân trong xã đóng góp xây dựng từ năm 1999. Đối với 21 km điện hai pha đến các thôn bản, Điện lực Yên Bái không nhận bàn giao (trên hệ thống đường điện này đang thực hiện bán điện theo 21 công tơ tổng).

Còn với 3 km đường dây 0,4KV từ khi Điện lực Yên Bái nhận bàn giao đã không xóa được một công tơ bán tổng nào mà ngành chỉ đầu tư và thay lại toàn bộ hệ thống này, (vốn do nhân dân đóng góp xây dựng) bằng hệ thống dây mới và thu lại toàn bộ số dây trước đó mang đi khiến từ đó đến nay trên 500 hộ dân của các thôn: Tân Yên, Đèo Thao, Tân Tiến, Tân Phong, Đoàn Kết... vẫn phải sử dụng điện qua 21 công tơ bán tổng của 21 ông tổ trưởng tổ điện (cai điện), đường dây không được đầu tư nâng cấp nguy hiểm đến tính mạng nhân dân, hao phí điện năng lớn, giá điện lên quá cao, bình quân 1200 đồng/1KW điện. 

 Thậm chí như thôn Tân Phong người dân phải dùng điện với mức giá trên 2.500 đồng/1KW điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sự bất bình trong bà con nhân dân.

Người dân xã Cảm Ân trao đổi với phóng viên về việc mất an toàn lưới điện và giá bán điện quá cao. 

Ông Bàn Văn Dổn, một hộ dân bức xúc nói với chúng tôi: "Gia đình tôi thường xuyên phải mua điện với giá từ 1500-1800 đồng/1KW điện. Mang tiếng là có điện, song gia đình cũng không dám sử dụng gì ngoài việc thắp sáng cho con cháu học bài. Ti vi chỉ xem lúc có phim thôi, quạt điện có nhưng không dám sử dụng, bởi sử dụng thì lấy tiền đâu mà trả! Đường điện gia đình đang dùng là qua công tơ tổng nhà ông Khải, ông Khải lại mua qua công tơ tổng nhà ông Chung. Anh bảo qua hai, ba cầu như vậy cùng với hệ thống đường dây do gia đình đầu tư kéo xa ba, bốn trăm mét làm gì giá điện chả cao".

 Gia đình bà Bàn Thị Kiếm cũng rơi vào cảnh tương tự. Mỗi tháng nhà bà dùng chỉ hết 8 số điện nhưng vẫn phải nộp 20 nghìn đồng. Như để minh chứng, cậu con trai bà dẫn chúng tôi vào nhà và bật bóng điện lên, chiếc bóng tròn hiệu Rạng Đông 100W đỏ như con đom đóm đực. Bà Kiếm ở ngoài sân nói vọng vào: "Đây là giữa trưa còn sáng đấy, chứ vào khoảng bảy tám giờ tối cháu học còn không đọc được chữ đâu. Ti vi muốn xem được phải nửa đêm, quạt điện bật lên chạy lờ đờ không mát bằng cái quạt mo cau". 

Ông Trần Văn Tiến, thôn Tân Phong thì không kêu ca lắm về giá điện cao. Theo ông, giá ở mức 1.200 đồng/KW điện là chấp nhận được, song vấn đề ông quan tâm là hệ thống lưới điện nông thôn trong xã rất mất an toàn, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Ông kể: "Ngày 9-11-2006 do đứt dây điện ở thôn Tân Tiến làm chết một con trâu nhà ông Đoàn. Về người, cũng đã có trường hợp bị điện giật may mà không chết. Các anh xem, đường điện mắc như khung cửi thế kia, cột bằng tre, nhiều nơi cột điện được tận dụng luôn bằng cây rừng trồng mà không gây mất an toàn mới là chuyện lạ".

Trước tình trạng giá điện quá cao, người dân không được mua điện trực tiếp với ngành điện mà phải qua 21 ông "cai điện", Điện lực không hề đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện; hơn 3 km đường dây điện 0,4 KV do dân đóng góp, Điện lực Yên Bái sau khi thay thế đã thu lại không trả cho dân là không đúng pháp luật, người dân bất bình và đã có đơn kiến nghị với Điện lực Yên Bái, Sở Công nghiệp Yên Bái.

Ngày 18-9-2006, Sở Công nghiệp Yên Bái đã thành lập đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Tiến Lợi - Chánh thanh tra Sở làm trưởng đoàn. Sau khi đi kiểm tra thực tế, đoàn đã có biên bản kết luận: "Việc xóa bán tổng trên địa bàn xã Cảm Nhân chưa thực hiện đúng Quyết định 4084 QĐ/EVN-ĐL1 ngày 11-11-2003 của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là tập đoàn Điện lực Việt Nam). Chi nhánh điện Yên Bình chưa làm tốt công tác quản lý vẫn để tình trạng bán điện qua 21 công tơ tổng. Giá bán điện có 431 hộ mua với giá 605 đồng/1KW, 208 hộ mua với giá từ 1.000 đồng-2.500 đồng/1KW".

Trước đó ngày 8-11-2006, Điện lực Yên Bái cũng có đoàn kiểm tra công tác lưới điện nông thôn tại xã Cảm Nhân. Tại biên bản làm việc của Điện lực Yên Bái cũng thừa nhận: "... vẫn tồn tại 208 hộ dân chưa được mua điện trực tiếp với ngành điện mà phải mua qua 21 công tơ bán tổng. Đối với 21 công tơ bán tổng này Điện lực thực hiện bán điện theo đúng giá quy định của Chính phủ 550 đồng/1KW, các tổ bán đến hộ dân với giá trung bình là 1.200 đồng/1KW". Biên bản làm việc không có kết luận cũng không có kiến nghị.

 Ngay sau hai đoàn kiểm tra, ngày 3-4-2006, Sở Công nghiệp có Công văn số 66 gửi HTX dịch vụ điện năng Cẩm Ân, Điện lực Yên Bái với nội dung chính: "Đối với nhánh rẽ giá bán điện còn cao, Sở Công nghiệp yêu cầu Điện lực Yên Bái: Trong quý II/2007 phải chấn chỉnh công tác quản lý giá bán điện, đảm bảo vận hành lưới điện các nhánh rẽ an toàn. Từng bước đầu tư cải tạo lưới điện, tiến tới xóa các công tơ tổng, giảm giá bán điện đến hộ dân. Trước mắt cần có các biện pháp hỗ trợ công tác quản lý điện tại các nhánh rẽ.

Việc HTX dịch vụ điện năng Cảm Nhân đòi Điện lực Yên Bái trả lại quyền hạch toán toàn bộ lưới điện 0,4KV xã Cẩm Ân là không có cơ sở pháp lý vì UBND xã, HTX dịch vụ điện năng Cẩm Ân đã đồng ý bàn giao tài sản lưới điện cho Điện lực Yên Bái quản lý trực tiếp bán điện đến các hộ sử dụng. Vấn đề này đã được UBND huyện Yên Bình, UBND tỉnh Yên Bái đồng ý phê duyệt. Tài sản lưới điện 0,4KV xã Cẩm Ân hiện nay là tài sản hợp pháp của Điện lực Yên Bái".

Rõ ràng Điện lực Yên Bái không thực hiện theo đúng tinh thần Công văn 606 của UBND tỉnh, chỉ nhận bàn giao nguyên đường điện 0,4KV, bỏ mặc 21 công tơ tổng đã gần ba năm nay không xoá được công tơ nào. Một vấn đề nữa là trong 21 công tơ tổng này không ai quản lý về giá cả, không ai chịu trách nhiệm về an toàn và nâng cấp lưới điện từ đó dẫn đến giá điện cao. HTX dịch vụ điện năng vốn là đơn vị quản lý và vận hành lưới điện này nay chỉ còn nhiệm vụ đi đọc số công tơ thuê cho ngành điện.

Do vậy, HTX dịch vụ điện năng đòi lại quyền quản lý và làm đại lý bán điện cho Điện lực là phù hợp và đúng với tinh thần Công văn 606 của UBND tỉnh. Vốn dĩ tài sản đường dây hạ thế là do dân đóng góp xây dựng từ năm 1999, ngành điện thay thế hệ thống đường dây 0,4 KV thì số dây cũ phải trả lại cho dân để tiếp tục đầu tư cho các thôn bản khác là hợp tình, hợp lý. Thiết nghĩ, Sở Công nghiệp Yên Bái, Điện lực Yên Bái cần giải quyết thấu đáo những vấn đề về giá cả, tài sản, xoá bán tổng, ổn định giá điện theo quy định.

Thanh Phúc - Anh Dũng

Các tin khác
Búp non.
(Ảnh:Lê Phiên)

YBĐT - Tuy là tỉnh miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn song được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban DS, GĐ&TE tỉnh, trẻ em Yên Bái đã cơ bản được sống trong môi trường lành mạnh, được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Giám thi Hội đồng coi thi Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái) thu bài thi môn Văn. (Ảnh: Nguyễn Giang)

YBĐT - Trong hai ngày 30 và 31/5/2007, tại 41 hội đồng coi thi ở 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có 10.652/10.682 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT đã có mặt để thi các môn Văn, Vật lý, Lịch sử và Hoá học.

Cuộc sống thanh bình. (Ảnh minh hoạ)

YBĐT - Là xã vùng ba của huyện Trấn Yên, Việt Hồng lại tiếp giáp với các xã vùng cao của huyện Yên Lập (Phú Thọ) và Văn Chấn nên có nhiều điều kiện để giao lưu giữa các địa phương.

YBĐT - Khói thuốc chứa hơn 4.000 chất hóa học, trong đó có khoảng 50 chất có khả năng gây ung thư. Người hút thuốc thụ động sẽ phải nhận gấp đôi nồng độ chất tar và nicôtin so với khói thuốc mà người hút thuốc hấp thụ. Người tiếp xúc với khói thuốc của người khác sẽ hết sức nguy hiểm vì khói thuốc họ hít phải là khói thuốc hỗn hợp của nhiều nguồn trong môi trường không qua đầu lọc đi vào phổi trực tiếp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục