Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái: Hành trình đi tìm tài năng nghệ thuật tại các bản làng

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đến tận các bản làng, các trường THCS, các hội diễn thiếu nhi trên toàn tỉnh để tìm tòi năng khiếu nghệ thuật, mời các nghệ nhân của các đoàn nghệ thuật giảng dạy cho học sinh, có nhiều chính sách ưu đãi để các tài năng nghệ thuật yên tâm phát huy sở trường của mình... những phương pháp cụ thể và thiết thực của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái đã được nhiều trường bạn học tập. Thế nhưng trước hết là có nhiều cơ hội mở ra cho các học sinh người dân tộc có năng khiếu nghệ thuật.

Cái nôi của các bộ môn văn hóa nghệ thuật Yên Bái

 

Từ năm học 2001 tới nay, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (TCVHNT) Yên Bái đã tìm tòi đổi mới phương thức tuyển chọn và đào tạo khối văn hóa nghệ thuật. Nếu như thời gian trước năm 2001, khối này chỉ bao gồm các bộ môn hiện đại như năng khiếu múa, âm nhạc, mỹ thuật thì từ 2001 tới nay đã được điều chỉnh lại theo hướng khai thác các bộ môn truyền thống và dân tộc. Bước đầu chuyển hướng, Trường gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn nhất là thiếu tài liệu, giáo viên của Trường đã phải về Hà Nội và đến nhiều trường bạn đề nghị giúp đỡ sưu tầm tài liệu và giáo án giảng dạy, mời nhiều cán bộ giảng dạy có uy tín của các trường văn hóa nghệ thuật Trung ương, các nghệ nhân, giảng viên thuộc các đoàn nghệ thuật. Đặc biệt, Trường tổ chức đều đặn 2 lần/năm cho giáo viên và học viên tới các bản làng xa xôi thực tế về môn học cuả mình.

 

Trong thời gian này, cả giáo viên và học viên ăn ở với dân, tư duy và thực hiện các chủ đề về nghệ thuật truyền thống như hội họa, ca múa dân gian... theo kế hoạch học tập giảng dạy đã định trước. Học viên được tham dự tới 500 tiết ngoại khóa về dân gian, họ được các nghệ sỹ, giảng viên giàu kinh nghiệm từ các đoàn nghệ thuật của tỉnh và Trung ương hướng dẫn dàn dựng, tham gia các tiết mục múa về dân gian và các loại hình ca múa, nghệ thuật dân tộc khác. Học viên được tiếp xúc, nghiên cứu các điệu múa của dân tộc Tày, múa xòe của dân tộc Thái tại các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ...

 

Về âm nhạc, từ năm 2002, Lớp Trung cấp Âm nhạc khóa II được thí điểm thực hiện các tiết mục bằng nhạc cụ dân tộc, thành lập dàn nhạc dân tộc hoàn toàn do học sinh của Trường đảm nhiệm. Học viên được tham dự các lớp chuyên sâu về nhạc cụ dân tộc như sáo Mông và các nhạc cụ khác. Các tiết mục nhạc cụ dân tộc do học sinh của Trường tham gia các hội diễn đã được giải cao. Năm học này, học sinh Lớp Âm nhạc K4 đã được học các môn nhạc dân tộc chính khóa như tam thập lục, sáo, đàn bầu... Đặc biệt, để nâng cao kiến thức một cách chính quy, hàng năm, tới dịp hè, học viên các lớp nhạc lại được đưa về Nhạc viện Hà Nội học tập. Từ năm 2001 tới nay đã có 4 khóa học sinh âm nhạc được đưa về Hà Nội học tập như vậy. Theo Ban Giám hiệu, năm học sau sẽ có tới 5 môn nhạc cụ dân tộc được đưa vào chương trình chính khóa.

 

Cơ hội cho các tài năng nghệ thuật vùng sâu, vùng xa

 

Công việc tuyển sinh tìm tài năng chẳng khác gì đãi cát tìm vàng, rất vất vả và tốn kém. Giảng viên phải tới từng bản làng, vào các trường cấp 2 để tìm học sinh có năng khiếu. Phương pháp này rất tốn thời gian, sức lực mà hiệu quả không cao. Rồi nhà trường cải tiến áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Trước mùa tuyển sinh rất lâu, Trường đã gửi công văn tới các trường THCS và THPT toàn tỉnh, nhờ tuyển chọn năng khiếu. Toàn bộ học sinh qua tuyển chọn được gộp thành 4 khu vực để thi tuyển. Học sinh qua vòng sơ tuyển sẽ được đưa về Trường để bồi dưỡng kiến thức trong 20 ngày trước khi tham dự kỳ thi tuyển chính thức vào trường. Học sinh năng khiếu được miễn phí toàn bộ chi phí ăn ở, bồi dưỡng kiến thức trong thời gian lưu trú tại trường.

 

Cùng thời gian, một hướng tuyển chọn khác được chính các giáo viên của Trường thực hiện. Họ đi đến các trường cấp 2, nhà thiếu nhi các huyện, các cuộc thi ca múa thiếu nhi do ngành giáo dục tổ chức để tìm năng khiếu nghệ thuật. Đồng thời, trong các dịp thực tế tại các bản làng hàng năm, giảng viên và học viên cũng dành thời gian để tuyển chọn học sinh năng khiếu tại địa bàn thực tế. Nhiều tài năng nghệ thuật đã được phát hiện trong những dịp như thế. Công việc này được thực hiện trước hàng năm, thậm chí hơn một năm trước các kỳ thi tuyển năng khiếu. Khi phát hiện năng khiếu, các giảng viên trực tiếp bồi dưỡng kiến thức cho các em trước khi tham dự chính thức các kỳ thi tuyển vào trường. Đã có hàng chục học sinh có năng khiếu của các bản làng được phát hiện theo phương pháp này và nhiều em đã trúng tuyển vào học tập tại các khóa của Trường. Các học sinh theo học chuyên ngành được học song song văn hóa và các môn nghệ thuật chính quy. Hàng năm được chuyển về Hà Nội bổ túc thêm kiến thức nên tiến bộ rất nhanh.

 

Theo nhà văn Hà Lâm Kỳ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Yên Bái - Hiệu trưởng nhà trường thì khó khăn nhất mà Trường gặp phải là tình trạng thiếu giáo viên. Mặc dù nhiều bộ môn nghệ thuật dân tộc đã được đưa vào làm môn chính khóa nhưng hiện tại, Trường mới chỉ có 1 giáo viên tam thập lục, 1 giáo viên đàn bầu và 1 giáo viên sáo, còn lại chủ yếu phải thuê giảng viên của các trường khác và mời tận Hà Nội lên giảng dạy. Để khắc phục tình trạng này, Trường phải "đặt hàng" nhiều trường nghệ thuật của Trung ương để cung cấp giảng viên, mở rộng quy mô đào tạo, tuy nhiên việc tuyển giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Các học viên có năng khiếu, phấn đấu tốt đều được động viên và bồi dưỡng kiến thức để làm giảng viên của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái trong tương lai không xa.   

 

Quốc Hùng

Các tin khác
(Ảnh: Thanh Hương)

YBĐT - Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là sang quý ba năm 2007, mặc dù tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo các ngành làm tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nhưng tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh vẫn đang rất cần những giải pháp tích cực và đồng bộ hơn để hạn chế sự gia tăng. Bởi vì những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật vững chắc.

Cô cháu của Trường Mầm non Hồng Ngọc (Lục Yên) trong giờ tìm hiểu về Luật An toàn giao thông.

YBĐT - Ấn tượng đầu tiên khi bước vào Trường Mầm non Hồng Ngọc (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) là tiếng trẻ thơ trong trẻo, tràn ngập tiếng cười, xua đi cái nắng gay gắt của mùa hè.

YBĐT - Ngày 6/6, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) phối hợp với Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Yên Bái tổ chức toạ đàm chuyên đề về công tác thông tin.

Mùa hè các em nhỏ tắm sông thế này rất nguy hiểm. (Ảnh: Ngọc Đồng)

YBĐT - Trẻ thơ bây giờ rất bí chỗ chơi, đó là một thực tế rất đáng buồn. Và ở quê tôi - thị trấn Cổ Phúc huyện lỵ Trấn Yên cũng không phải là một ngoại lệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục