Khi cha mẹ không còn chung lối

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tôi được dạy các em ngay từ khi các em vừa bắt đầu năm học đầu tiên của bậc THCS. Ấn tượng của tôi về các em rất sâu đậm vì hầu hết các em đều ngoan và chăm học. Nhưng vì do nhà trường phân công nhiệm vụ, nên tôi không thể dạy các em trong năm học tiếp theo.

Nữ sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Yên Bái).
(Ảnh: 
Quỳnh Nga)
Nữ sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Yên Bái). (Ảnh: Quỳnh Nga)

Đến khi các em lên lớp 8 thì tôi lại có dạy các em. Điều thật mừng là các em vẫn giữ được nét chuyên cần, ngoan ngoãn. Nhưng tôi cũng hơi buồn vì một số em trước đây rất thích môn học của tôi và học khá thì nay bỗng thấy chểnh mảng và lực học sút hẳn.

Tôi đã gắng tìm hiểu nguyên nhân nào đã khiến các em như vậy. Và điều khiến tôi dễ nhận thấy nhất là hình thức bề ngoài của các em có vẻ chau chuốt hơn những bạn cùng lớp. Các em thường mất tập trung trong giờ học nên khi gọi các em trả lời câu hỏi thì các em thường giật mình và lúng túng không biết cô giáo đang hỏi gì. Giờ ra chơi, những em này thường đứng túm tụm với nhau, thì thầm ở một góc xa xa...

Linh cảm nghề nghiệp cho tôi thấy, những em này phần nào đã có sự xáo trộn và thay đổi lớn về tâm sinh lý. Linh cảm của tôi đã đúng, bởi một hôm trước giờ vào lớp, tôi thấy đám học sinh đang tranh nhau xem một tờ giấy nhỏ, thì ra đó là lá thư hò hẹn yêu đương của V.A viết cho một bạn trai cùng khối. Rồi sau giờ học ấy, đám học trò vô tư đã kể cho tôi nghe: "Trong khối đã có tới mấy đôi yêu nhau rồi đấy cô ạ! Bạn M yêu bạn K, bạn T yêu bạn H, bạn G yêu bạn N, bạn S thì yêu một bạn gái khối lớp 7". Tôi không ngạc nhiên lắm trước câu chuyện mà các em kể, bởi chuyện yêu đương cảm tính có thể coi là vấn đề khách quan trong sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi này.

Tuy nhiên, nếu không có cách ngăn chặn các em thì hậu quả thật khó lường. Với trách nhiệm của một cô giáo, tôi đã cố gắng tìm hiểu về các em để xem chuyện yêu đương thực hư ra sao. Vốn luôn tạo được sự gần gũi với học sinh, nên khi tiếp cận, tâm sự, những em học sinh đó đều nói với tôi điều đó là có thật. Các em cũng chẳng ngại ngần kể cho tôi nghe việc các em thường trao đổi "tâm tư tình cảm" với nhau bằng những lá thư. Sau buổi học còn thường hay hẹn nhau tới ngồi trong những góc khuất của quán giải khát và thường hay về nhà muộn.

Có những hôm vào ngày nghỉ, các cặp "yêu nhau" thường tụ tập cùng nhau đi chơi xa. Để có được những cuộc hẹn hò như thế, các em thường nói dối gia đình là đi học thêm buổi chiều, buổi tối... Nhưng có một điều khiến tôi thực sự băn khoăn là, trong các cặp yêu nhau này thì tất cả các em trai, em gái đều có chung một hoàn cảnh là cha mẹ đã ly hôn.

Tôi đã gặp riêng từng em và ân cần phân tích cho các em những tác hại của việc yêu sớm, và từ chỗ hiểu một cách lờ mờ thì các em đã hiểu kỹ hơn tác hại của vấn đề này. Tôi lại hỏi các em rằng: "Cô thấy các em cũng phần nào hiểu được tác hại của việc đang làm, vậy tại sao các em vẫn yêu?". Hầu hết các em gái đều trả rằng, vì rất buồn nên khi được bạn trai quan tâm đã khiến các em cảm động và yêu.

Tôi hiểu nỗi buồn của các em là có thật. Trong một gia đình, dù điều kiện vật chất có tốt mấy nhưng việc thiếu cha hay mẹ đẻ của mình thì các em đã đủ buồn rồi, huống chi là con gái ở cái tuổi mới lớn rất cần có sự quan tâm, dìu dắt của người mẹ. Khi các em đang rất cần những điều đó thì  mẹ kế hay bố dượng đều rất khó có thể bù đắp cho các em. Đó là chưa kể đến việc có em còn rơi vào hoàn cảnh bị phân biệt đối xử vì "con anh, con tôi"...

Là một giáo viên, được chứng kiến những chuyện ấy, tôi chỉ còn cách dành cho các em tình thương của người thầy mà khuyên nhủ, vỗ về các em không nên yêu đương cảm tính khi lứa tuổi chưa cho phép; tăng cường mối liên hệ giữa giáo viên và gia đình về việc quản lý các em... Tôi nhận thấy nhiều em đã biết nghe lời và thực hiện tốt lời khuyên của tôi. Nhưng tôi không dám khẳng định một cách chắc chắn là các em sẽ từ bỏ được những chuyện yêu đương trước đây. Bởi vì, thời gian tiếp xúc hàng ngày với các em ở trên lớp học không nhiều. Nay mai các em còn học lên những cấp học cao hơn và đặc biệt là các còn phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh riêng của gia đình các em... Và ai biết trước được chuyện yêu đương sẽ mang lại hậu quả xấu như thế nào cho tương lai của các em?

Vì vậy, qua câu chuyện này, tôi mong muốn sẽ là một thông điệp gửi đến mọi gia đình, dù hoàn cảnh cuộc sống có như thế nào đi chăng nữa thì cha mẹ hãy cố gắng để đi chung một lối. Điều đó sẽ giúp cho những "vầng trăng vô tư" của chúng ta không bị trôi lạc lối.

Hữu Hà

Các tin khác
Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh Yên Bái tổ chức giải cầu lông gia đình truyền thống nhân Ngày Gia đình Việt Nam 2007.
(Ảnh: Trường Phong)

YBĐT - Cùng với sự chuyển biến mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội đất nước, gia đình Việt Nam khi bước vào thời kỳ CNH - HĐH cũng có những thay đổi lớn lao. Gia đình Việt Nam đang tiếp nhận những nhân tố mới, những giá trị của gia đình hiện đại và bảo lưu, làm mới những giá trị gia đình truyền thống.

Tiểu phẩm “Mảnh đất không còn ma túy” của phường Hồng Hà tham dự Hội thi Tuyên truyền Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái tổ chức năm 2006.
(Ảnh: Hồng Duyên)

YBĐT - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được thành phố triển khai rộng khắp đến các cơ sở, trong đó cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa là nội dung cơ bản và trọng tâm. Thành phố có 20.336 hộ gia đình với gần 80.000 nhân khẩu sinh hoạt tại 30 thôn, 433 tổ dân phố trong 7 phường, 4 xã.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao bằng chứng nhận cho các gia đình văn hoá tiêu biểu huyện Văn Chấn. (Ảnh: Tô Anh Hải)

YBĐT - Ngày 26/6, tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị biểu dương gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc lần thứ I năm 2007. Tới dự có đồng chí Hoàng thị Hạnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành cùng với 80 hộ gia đình văn hoá tiêu biểu trên toàn tỉnh.

YBĐT - Sáng ngày 26/6, Ban quản lý Dự án phòng chống HIV/AISD tỉnh Yên Bái, do Ngân hàng thế giới tài trợ đã tổ chức hội thảo về vận động thực hiện chương trình can thiệp tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AISD cho 40 người là chủ của các nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, các cơ sở vui chơi giải trí trên địa toàn thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục