Trung tâm học tập cộng đồng: Học để làm
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã có tâm nguyện lớn: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Hội Phụ nữ xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) tham gia lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất. (Ảnh: Nguyễn Đức Phương)
|
"Ai cũng được học hành" là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, đó là ý nguyện xây dựng một xã hội học tập cho cộng đồng, một xã hội học tập có chất lượng và bền vững. Mở đầu cho việc xây dựng xã hội học tập ấy, ngày 8/9/1945, Bác đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, tiền thân của giáo dục thường xuyên (GDTX) ngày nay. Trong hệ thống GDTX thì trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở xã, phường là một mắt xích quan trọng góp phần đắc lực tạo ra xã hội học tập, là nơi đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng nhân dân theo phương châm "Cần gì học nấy".
Để xúc tiến việc xây dựng một xã hội học tập từ cơ sở, tháng 7/2003, tỉnh Yên Bái đã chuyển đổi các trường bồi dưỡng giáo dục thành các trung tâm GDTX và xúc tiến việc xây dựng các TTHTCĐ.
Cuối năm 2003 đến đầu 2004 các huyện, thị đã lần lượt ra mắt TTHTCĐ ở các xã phường và đi vào hoạt động. Trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có 4 phường, 3 xã thì 4 phường đã có TTHTCĐ.
Chỉ tính riêng phường Tân An trong 1 năm đầu hoạt động (12.2003 - 12.2004) đã mở được 57 lớp cho 5.598 lượt người tham gia học tập trong đó 2.840 lượt là nữ.
Nội dung học tập đã bước đầu được đa dạng hóa như truyền thông về pháp luật (Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Giáo dục, Luật An toàn giao thông), về giáo dục an ninh quốc phòng, phòng chống tệ nạn xã hội, Luật Bầu cử, học tập nghị quyết, tập huấn tổ hòa giải, giáo dục và tổ chức thụ hưởng văn hóa văn nghệ TDTT, giáo dục về dân số, gia đình và trẻ em, chuyển giao công nghệ nông, lâm, ngư nghiệp (hướng dẫn khoa học, kỹ thuật sản xuất giống lúa mới năng suất cao, ngô đông, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật thú y), dạy nghề dệt thổ cẩm, tọa đàm về các vấn đề xã hội, nói chuyện thời sự… Có thể nói các TTHTCĐ đã bước đầu đi đúng hướng góp phần xây dựng xã hội học tập ở địa phương.
Song nhìn vào kết quả hoạt động trên, có thể thấy nội dung học tập ở các TTHTCĐ vẫn nặng về truyền thông, mở mang hiểu biết về pháp luật, về xã hội là chủ yếu, chưa tạo ra một xã hội học tập sâu rộng và bền vững, chưa khai thác được các tiềm năng về nguồn nhân lực dư thừa trong những tháng nông nhàn, tiềm năng về đất đai, về nguồn nước, nguồn nguyên vật liệu, các nghề truyền thống, tiềm năng du lịch và các nguồn lợi khác của địa phương.
Cơ sở vật chất quá khó khăn, hầu như chưa có địa điểm chính thức, phải lồng ghép với các hoạt động khác hoặc nhờ nhà dân. Trang thiết bị đã có một số như tăng âm loa mirco, ti vi, đầu đĩa song kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn hỗ trợ ngân sách của phường, xã, ít ỏi và thất thường, chưa khai thác được kinh phí ở người học và các lực lượng xã hội khác.
Nội dung hoạt động của các trung tâm này chưa thực sự thu hút người lao động đến học tập, quan trọng hơn cái trọng tâm chưa dạy cho dân cách xóa đói giảm nghèo, cách làm giàu từ chính quê hương mình, từ chính bản thân mình.
Những người trực tiếp chỉ đạo và thực hiện chương trình hoạt động của trung tâm có nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm, chưa có điều kiện tham quan học hỏi các điển hình, ít được tập huấn về nghiệp vụ một cách bài bản nên gặp khó khăn khi điều hành hoạt động ảnh hưởng tới hiệu quả. Ở nhiều địa bàn trong tỉnh, số nhân lực dôi dư nhàn rỗi không có việc làm và không có thu nhập ổn định, số hộ nghèo còn nhiều, những tháng thiếu đói dân đi làm thuê, khai thác rừng, săn bắn cũng không đến được các trung tâm này.
Như vậy, để nâng cao chất lượng của các TTHTCĐ trước hết phải từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho các TTHTCĐ khang trang, có đủ thiết bị nghe nhìn để họ tìm thấy ở đó những tri thức cần thiết nâng cao trình độ hiểu biết thiết thực cho cuộc sống, giúp họ nhận thức đầy đủ "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" (Bác Hồ).
Mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách, tạo điều kiện giao lưu tham mưu học hỏi kinh nghiệm ở những tỉnh đã có bề dày hoạt động của TTHTCĐ để giúp người dân thực sự biết xóa đói giảm nghèo làm giàu từ tiềm năng của địa phương. Kiên trì tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và người lao động, phát tờ rơi về lợi ích của việc học tập liên tục, về xây dựng xã hội học tập, về TTHTCĐ để người dân hiểu lợi ích lớn lao, lâu dài của việc học tập.
Ngoài việc truyền thông về pháp luật, văn hóa, thể thao, sức khỏe, môi trường như trên… TTHTCĐ cần đi sâu vào các giải pháp giúp dân xóa đói giảm nghèo tiến tới làm giàu bằng hình thức nâng cao năng lực trí tuệ của người dân, khi dân có kiến thức sẽ học hỏi cách làm ăn và tổ chức cuộc sống cho mình một cách tích cực và tự nguyện nên xây dựng điển hình sau đó nhân rộng mới có sức thuyết phục.
Chẳng hạn ở địa bàn thị xã Nghĩa Lộ cần xây dựng mô hình TTHTCĐ của miền núi thuần nông, phân vùng để tổ chức làng nghề như tận dụng nguồn nguyên liệu để sản xuất đồ mây tre đan, dệt thổ cẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm; hướng cho dân với quĩ đất đai nên sản xuất rau quả ngắn ngày có giá trị cao như dưa, ngô bao tử, nấm…; xây dựng các câu lạc bộ sản xuất giống lợn, gà, vịt tại chỗ cung cấp cho bà con; câu lạc bộ nuôi vịt siêu trứng, nuôi lợn hướng nạc, nuôi ếch, ba ba, lươn… là những mặt hàng thị trường ưa chuộng và giá sản phẩm cao… Nghĩa Lộ là vùng đất tươi đẹp giàu bản sắc văn hóa nằm trong hành trình du lịch sinh thái văn hóa của tỉnh nên chăng, TTHTCĐ dạy nghiệp vụ du lịch cho người dân để họ có thể trở thành hướng dẫn viên nghiệp dư khi có khách đến thăm quan từ đó có thêm thu nhập. Có như vậy mới tạo công ăn việc làm lâu dài, khai thác các tiềm năng của địa phương một cách ổn định.
Muốn vậy phải xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động của TTGDTX và TTHTCĐ, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đều phải vào cuộc để có hành lang pháp lý, có kinh phí, có chuyên môn đầu ngành như Bộ Giáo dục - Đào tạo , Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính sớm xây dựng cơ chế chính sách tổ chức và quản lý TTHTCĐ; Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp &PTNT, Sở Công nghiệp các tỉnh theo chức năng giúp đỡ TTHTCĐ về chuyên môn như dạy nghề, du nhập nghề mới, cung cấp kỹ thuật làm giống cây, con, tập huấn và dạy nghề, chuyển giao công nghệ…, học để làm mang lại lợi ích thiết thực với cuộc sống mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng.
Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được kế hoạch từ nay đến 2010 sẽ có 80% xã phường cả nước có TTHTCĐ từ đó tạo ra một xã hội học tập vừa linh hoạt, vừa bền vững để "Ai cũng được học hành", "Ai cũng có cơm ăn áo mặc" như Bác Hồ hằng mong.
Dương Hiền Nga
Các tin khác
YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2007 trên địa bàn huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái tình hình tai nạn giao thông diễn ra khá phức tạp. Toàn huyện xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 12 người và 8 người bị thương, làm hư hỏng 6 xe ô tô và 11 xe mô tô; 11 vụ va quệt giao thông làm bị thương 21 người, 2 ô tô, 18 mô tô và 2 xe đạp bị hư hỏng. So với năm 2007, tai nạn giao thông tăng 5 vụ, tăng 5 người chết và 3 người bị thương.
YBĐT - Cách trung tâm huyện lỵ Mù Cang Chải 20 km về phía đông, địa hình phức tạp, chủ yếu là đèo dốc, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 7 -8%; khí hậu khắc nghiệt; trình độ dân trí còn thấp và vẫn tồn tại nhiều phong tục lạc hậu cùng với tư tưởng trông chờ, ỷ lại... có một thời, đồng bào La Pán Tẩn chỉ tập trung phá rừng làm nương, trồng thuốc phiện nên số hộ đói nghèo trong xã chiếm tới trên 90%.
YBĐT - Theo con đường ngoằn ngoèo, hun hút, chúng tôi đến nhà bà Cam Thị Vượng thôn Tâm Lương, xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình - người phụ nữ bất hạnh có ba con là Cam Văn Hợi sinh năm 1983, Cam Thị Luyện sinh năm 1990 và Cam Thị Chính sinh 1993 bị nước lũ cuốn trôi trong đêm 19/6/ 2007...
YBĐT - Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", trong những ngày tháng 7 này, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đang nỗ lực thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", góp phần tích cực giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng ổn định đời sống vật chất và tinh thần, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/2007).