P.V: Thưa đồng chí, sau một thời gian triển khai Nghị quyết số 45 và Đề án 1557, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã ghi nhận những kết quả bước đầu như thế nào trong việc hỗ trợ vốn vay cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài?
Đồng chí Đỗ Long Thảo - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh.
Đồng chí Đỗ Long Thảo: Chúng tôi rất vui mừng khi Nghị quyết số 45 của HĐND tỉnh và Đề án 1557 của UBND tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cấp chính quyền và người dân. Đây là chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc tạo việc làm thông qua chính sách xuất khẩu lao động (XKLĐ) với những ưu đãi thiết thực, dễ tiếp cận.
Ngay sau khi Nghị quyết số 45 được ban hành, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện. Chúng tôi cũng đã ban hành Văn bản hướng dẫn nội bộ số 987 ngày 25/9/2024 về quy trình cho vay; đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho toàn bộ cán bộ.
Để chính sách lan tỏa sâu rộng, Chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền đến người dân, niêm yết thông tin tại 168 điểm giao dịch trên toàn tỉnh và phối hợp với chính quyền cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát nhu cầu vay vốn. Đến nay, UBND tỉnh đã chuyển 15 tỷ đồng vốn cho vay XKLĐ cho Chi nhánh và sẽ tiếp tục cấp vốn khi giải ngân hết.
Chúng tôi đã giải ngân được 7,5 tỷ đồng (trong đó, 7,1 tỷ đồng từ vốn trung ương và 0,4 tỷ đồng từ vốn địa phương) cho 80 lao động thuộc các đối tượng ưu tiên của Đề án. Điều đáng mừng là người lao động vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, có thu nhập ổn định theo hợp đồng và trả nợ đúng hạn. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy người dân đã quan tâm đến cơ hội làm việc ở nước ngoài.
P.V: Trong quá trình triển khai chính sách, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã gặp phải những khó khăn nào và có những giải pháp gì để hỗ trợ người lao động xuất khẩu?
Đồng chí Đỗ Long Thảo: Bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.
Thứ nhất, tâm lý người dân có phần e ngại do ảnh hưởng của thiên tai (cơn bão số 3) và tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động.
Thứ hai, một bộ phận người lao động chưa thực sự hiểu rõ về chủ trương, chính sách và còn lo ngại khi phải làm việc xa nhà.
Thứ ba, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với NHCSXH trong việc rà soát nhu cầu vay vốn đôi khi chưa thực sự chủ động, gây khó khăn trong việc tổng hợp nhu cầu vốn.
Để khắc phục những khó khăn này, Chi nhánh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách. Chúng tôi cũng tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh trong việc triển khai chính sách hiệu quả.
Đặc biệt, chúng tôi chú trọng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, để đảm bảo chính sách đến được với mọi đối tượng. Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và giải ngân kịp thời cho người lao động có nhu cầu đi XKLĐ theo đúng quy định.
P.V: Để nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách nói chung và cho vay XKLĐ nói riêng trên địa bàn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Long Thảo: Những năm qua, NHCSXH luôn coi trọng việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, đặc biệt là hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch tại xã, đảm bảo công khai thông tin về các chủ trương, chính sách tín dụng tại các điểm giao dịch.
Điều này giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và phát huy vai trò giám sát của cộng đồng. Chúng tôi cũng thường xuyên thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt tại các huyện nghèo và các xã xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng vốn vay hiệu quả và trách nhiệm trả nợ.
Bên cạnh đó, NHCSXH tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội để lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế địa phương, như: khuyến nông, khuyến lâm, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP)... để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Thực hiện Chỉ thị số 39 và Kế hoạch số 200 của Tỉnh ủy Yên Bái, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Tại các cuộc họp giao ban định kỳ, đại diện NHCSXH cũng được mời tham dự để báo cáo tình hình hoạt động và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo công tác điều tra, rà soát, xác định đối tượng vay vốn, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi đến đúng người. Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH các cấp cũng tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích. Các cơ quan chức năng cũng phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc đầu tư, sử dụng nguồn vốn hiệu quả. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Văn Thông (thực hiện)